Amelia Earhart - người phụ nữ đầu tiên bay qua Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Nhưng đột nhiên bà mất tích bí ẩn, khi đang tìm cách bay vòng quanh thế giới từ xích đạo. Sự mất tích của bà đến nay vẫn còn đau đáu trong lịch sử ngành hàng không thế giới.
Amelia Earhart sinh ngày 24/7/1897 ở Atchison, bang Kansas, thuộc khu vực trung tâm nước Mỹ, có mẹ là Amelia “Amy” Ortis và bố là Edwin Earhart. Bố của Amelia luôn tỏ ra là một người đàn ông tham vọng nhưng lại không thể vượt qua được sự cám dỗ của rượu.
Ông luôn cố gắng tìm kiếm cơ hội cho sự nghiệp của mình và tạo dựng nền tảng tài chính vững chắc. Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan. Trong hoàn cảnh đó, bà Amy buộc phải đưa Amelia và em gái Muriel trở về sống cùng ông bà ngoại. Do đó, suốt thời thơ bé, Amelia chỉ biết tới ông bà ngoại.
Ngay cả khi gia đình đoàn tụ vào năm Amelia 10 tuổi, ông Edwin vẫn vật vã trong cuộc tìm kiếm việc làm. Hậu quả là gia đình phải liên tục di chuyển và Amelia chưa kịp quen trường này đã phải chuyển đến trường khác.
Năm lên 9 tuổi, Amelia Earhart đã gây sốc cho cha mẹ khi thực hiện cú bay từ trên mái nhà xuống đất bằng thân xe trượt tự chế
Dù là phận gái, nhưng ngay từ nhỏ Amelia Earhart đã bộc lộ tính cách mạnh mẽ không thua gì con trai. Trong khi các bạn gái cùng tuổi đều thích trở thành những tiểu thư khuê các, thích diện những bộ váy điệu đà, những món đồ chơi nữ tính, thích may vá thuê thùa… thì Amelia Earhart lại chỉ thích mặc đồ nam tính, thích chơi những trò mạo hiểm như leo trèo, chạy nhảy, đánh trận cùng đám bạn trai.
Năm lên 9 tuổi, Amelia Earhart đã gây sốc cho cha mẹ khi thực hiện cú bay từ trên mái nhà xuống đất bằng thân xe trượt tự chế. Dù cú bay đó làm Amelia Earhart trầy trụa cả người và cha mẹ bà được phen hoảng sợ, nhưng nó được xem là tiền đề tạo nguồn cảm hứng cho Amelia Earhart với việc bay liệng trên bầu trời sau này. Câu đầu tiên Amelia Earhart reo lên khi đứng dậy sau cú bay từ mái nhà là: “Ôi, cảm giác được bay mới thật tuyệt vời làm sao!”.
Năm 1916, Amelia Earhart tốt nghiệp trường Trung học Hyde Park rồi vào học Ogontz School ở Rydal, Pennylvania, nhưng không lâu sau bà quyết định bỏ học. Hồi ấy chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra, Amelia Earhart đã tình nguyện xin gia nhập hội Hồng Thập Tự và trở thành y tá tại Bệnh viện Quân y Spadina Military Hospital giúp săn sóc thương bệnh binh Canada từ chiến trường châu Âu trở về.
Trong số những binh sĩ mà Amelia từng chăm sóc, rất nhiều người là phi công và từ đó bà bắt đầu ngưỡng mộ những phi công này. Hầu hết thời gian rảnh, bà đều đến xem không quân hoàng gia luyện tập ở phi trường gần nơi làm việc.
Năm 1919, Amelia theo học dược tại Đại học Colombia. Tuy nhiên, bà bỏ học một năm sau đó để quay về sống cùng cha mẹ khi họ tái hợp ở California.
Năm 1920, tại buổi biểu diễn máy bay ở Long Beach, Amelia may mắn được ngồi vào một chuyến bay đánh dấu bước ngoặt lớn của cuộc đời. Chuyến bay chỉ kéo dài 10 phút, nhưng khi hạ cánh Amelia đã biết rằng mình sẽ phải học lái máy bay, đây chính là niềm đam mê, ước mơ bà cần theo đuổi.
Ngay sau đó, Amelia Earhart đã bắt đầu trải nghiệm những bài học đầu tiên về bay tại lớp học của một trong những nữ phi công đầu tiên của thế giới tên là Anita “Neta” Snook.. Để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê mỗi khóa học bà phải chi trả 1.000 USD, nhưng vì không nhận được sự đồng thuận từ phía gia đình nên Amelia Earhart phải cố gắng tự kiếm tiền để trang trải cho khóa học.
Sau khi làm đủ thứ việc từ thợ ảnh đến lái xe tải, cuối cùng Earhart cũng kiếm đủ tiền để tiếp tục khóa học. Amelia chìm đắm trong niềm đam mê. Bà đọc mọi tài liệu tìm thấy về lái máy bay, dành đa số thời gian ở phi trường, thậm chí còn cắt tóc ngắn để giống với đa số nữ phi công thời bấy giờ.
Ngày 15/5/1923, Amelia Earhart đã trở thành nữ phi công thứ 16 được nhận bằng phi công do Cơ quan quản lý Hàng không thế giới cấp
Mùa hè năm 1921, Amelia mua được một chiếc trực thăng cánh kép cũ của hãng Kinner Airster màu vàng nâu, đặt tên cho nó là Canary.
Ngày 22/10/1922, Amelia đã đưa tên mình vào lịch sử của ngành hàng không khi lái máy bay lên đến độ cao 4.267 m - mức kỉ lục thế giới của phi công nữ thời bấy giờ. Ngày 15/5/1923, Amelia Earhart đã trở thành nữ phi công thứ 16 được nhận bằng phi công do Cơ quan quản lý Hàng không thế giới cấp.
Trong suốt quãng thời gian này, Amelia đã gặp một vài biến cố trong gia đình nên buộc phải bán chiếc trực thăng của mình đi và lại bươn trải qua nhiều công việc khác nhau.
Mãi đến năm 1927, Amelia Earhart mới có thể quay lại ngành hàng không, trở thành thành viên của Hiệp hội phi công Mỹ tại thành phố Boston. Amelia cũng đầu tư một khoản tiền nhỏ vào sân bay Dennison ở Massachusetts, và làm đại diện bán hàng cho hãng máy bay Kinner ở Boston.
Bà trở thành người nổi tiếng trong vùng và còn tham gia viết báo quảng bá về các chuyến bay cho báo địa phương. Tuy nhiên, bình yên trong cuộc đời nữ phi công Amelia không dừng ở đó.