Dù đã "tranh" được khách nhưng trong lòng Việt vẫn ấm ức, gã liền đi mua dao, gậy gỗ về đập, chém "đồng nghiệp" cùng chạy xe ôm, khiến anh này bị trọng thương.
Ngày 30/12, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Hoàng Văn Việt, 43 tuổi (ở xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội), 12 năm tù về tội “Giết người”.
Theo cáo trạng, khoảng 14h ngày 19/8/2013, do hành nghề xe ôm nên Việt đã điều khiển xe máy tới bến xe buýt ở khu Nông trường Toàn Thắng thuộc xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, đón khách. Tại đây, khi có một người khách đến thuê chở thì giữa Việt và anh Nguyễn Cầu Tám, 48 tuổi (ở cùng xã với Việt) xảy ra xô xát do tranh giành khách với nhau. Sau đó, Việt chở người khách này đi.
Mặc dù, đã tranh được khách nhưng trong lòng Việt vẫn ấm ức, gã lẳng lặng đi mua một con dao dựa và một chiếc gậy gỗ rồi quay về tìm anh Tám để trả thù. Về đến điểm chờ khách, Việt thấy anh Tám vẫn đứng ở đó, không nói không rằng, gã xông vào dùng dao, gậy đập, chém liên tiếp vào người, đầu, mặt nạn nhân cho đến khi anh Tám gục xuống bất động mới dừng tay.
Ngay sau đó, anh Tám được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời nên giữ được tính mạng, nhưng bị trọng thương khá nặng.
Hoàng Văn Việt tại phiên tòa
Tại phiên xét xử, bị cáo Việt không thừa nhận việc chủ động truy sát anh Tám, bị cáo khai do bị anh Tám đánh, chửi trước nên mới nảy sinh ý định đánh trả thù.
Tới dự phiên xét xử con trai, dù giữa trời rét nhưng bà Nguyễn Thị Hồng chỉ có tấm áo len mỏng manh, đầu chít khăn mỏ quạ như những phụ nữ vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa. Không nói được gì với con, bà chỉ lẳng lặng ngồi ngắm nhìn đứa con tội lỗi rồi thút thít khóc.
Bị cáo Việt dường như không cảm nhận được nỗi đau mà mẹ gã phải chịu, bởi từ bé anh ta đã mắc bệnh tâm thần, bệnh rối loạn nhân cách thực tổn. Theo người nhà của Việt cho biết, từ nhỏ anh ta đã có nhiều hành vi bất thường, hay lảm nhảm một mình và rất dễ nổi cáu. “Có thể lúc Việt gây án là lúc tâm thần nó bất ổn”, người nhà Việt đưa ra giả thuyết.
Sau khi Việt gây án, gia đình bị cáo chưa bồi thường đồng nào để nạn nhân chạy chữa và điều trị.
HĐXX nhận định, thời điểm bị cáo gây án có đủ nhận thức để biết hành vi của mình, nên đã tuyên mức án nêu trên để dăn đe, phòng ngừa chung.