Đời sống

Ăm ắp tiếng cười ở “xóm chạy thận” ngày cuối tuần

PV 20/01/2024 - 10:47

Sáng 20/1, Văn phòng Báo Công lý tại Thanh Hóa cùng với các Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, quý bạn đọc đã tới “xóm chạy thận” tại Quảng Thắng (TP Thanh Hóa) để tặng sách, quà, giao lưu. Ở nơi cái sống và cái chết giành giật nhau từng giây, họ vẫn nở những nụ cười chân thành, đón nhận thi ca, tri thức như một sân khấu lộng lẫy.

Nằm lọt thỏm ở trong con ngõ nhỏ thuộc phố 9, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa), “xóm chạy thận” vẫn im lìm giữa những ngày đông. Chỉ cách đó vài dãy nhà, dòng người tất bật ngược xuôi lo sắm sửa để bước sang năm 2024. Cái ý niệm về thời gian với những người trong xóm này đã bị xóa nhòa. Bởi họ biết, chẳng bao lâu nữa, họ phải chia tay nhau, bước sang ngưỡng cửa bên kia cuộc đời. Chuyện là tất yếu nên họ bình thản đón nhận, sẵn sàng cho đi những gì mình đang có, dẫu chỉ là chút hơi tàn.

thuongnhat.jpg
Phận người ở xóm chạy thận vô cùng mong manh

"Xóm chạy thận" tồn tại cách đây hơn chục năm. Xóm trọ hiện tại có 7 phòng, mỗi phòng chỉ khoảng 10m2, tồi tàn, ẩm thấp, là chỗ ở cho 8 bệnh nhân và 2 người nhà chăm nuôi. Từ năm 2021, nhờ sự kết nối và kêu gọi hỗ trợ của Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chi phí thuê trọ được một nhà hảo tâm hỗ trợ hoàn toàn.

Bệnh nhân trong xóm là những người dân ở các huyện trong tỉnh Thanh Hóa mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối. Hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, do bệnh tật, sức khỏe yếu nên phải thuê trọ gần bệnh viện để tiện cho việc chạy thận mỗi tuần. Thời gian điều trị của mỗi người khác nhau, ít thì 4-5 năm trong khi người điều trị nhiều nhất thời gian cũng xấp xỉ 15 năm.

traoquap.jpg
Nhà báo Thanh Phương, Trưởng Văn phòng Báo Công lý tại Thanh Hóa trao quà, sách cho bệnh nhân đang chạy thận

Trong số những bệnh nhân chạy thận có rất ít người được người nhà ở bên cạnh chăm sóc, đa số phải nương tựa vào nhau để chống chọi với bệnh tật. Người còn khỏe chăm sóc người yếu hơn. Những chuỗi ngày sống lay lắt vì bạo bệnh tưởng đã đánh gục những con người này. Nhưng nhờ sự quan tâm, đùm bọc lẫn nhau mà họ vẫn nỗ lực từng ngày, từng giờ.

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn đó, Văn phòng Báo Công lý tại Thanh Hóa đã kêu gọi, bán sách để gây quỹ ủng hộ các bệnh nhân. Mỗi người sẽ nhận được suất quà trị giá 500 nghìn đồng, sách, báo để giải trí, giúp vơi đi khó khăn, lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn.

thisidiep.jpg
Nhà thơ Đinh Ngọc Diệp, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngâm thơ, chia sẻ về đời và nghề với công dân xóm chạy thận

Tại đây thi sĩ nức tiếng xứ Thanh Đinh Ngọc Diệp đã trò truyện, ngâm thơ, tâm sự với với mọi người về đời và nghề viết. Những nụ cười ăm ắp, giòn tan từ chính những con người đang đối mặt với “án tử” đã xua đi nỗi buồn đau về bệnh tật. Chính trong khoảnh khắc ấy, tình người và thi ca hòa trộn vào nhau, nương vào nhau để thăng hoa. Khơi lên khát vọng, vượt lên nghịch cảnh để sống một cách trọn vẹn.

Như bà T.T.L. (54 tuổi, trú tại huyện Thiệu Hóa) đã có nhiều kỷ niệm với những người tới rồi đi khi đã gắn bó với xóm trọ này từ 2015. “Chồng mất sớm, hai cô con gái lấy chồng hoàn cảnh cũng khó khăn, nên nhiều năm nay khi phát hiện bị suy thận mạn giai đoạn cuối, tôi khăn gói một mình xuống bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị. Không thu nhập, không chỗ ở, không người thân bên cạnh, có những lúc cô đơn, buồn tủi lắm, muốn buông xuôi mặc kệ số phận, nhưng nghĩ đến con cái, gia đình nên tôi lại gượng đứng dậy, tiếp tục chống chọi với bệnh tật".

hoivannghe.jpg
Giữa lằn ranh sinh tử họ vẫn vui vẻ đón nhận tri thức, thi ca

Tưởng chỉ trụ được vài tháng, nhưng tình yêu thương, san sẻ, đùm bọc lẫn nhau giữa những người cùng cảnh ngộ đã giúp bà L. đi tới năm thứ 8. Như thế là một kỳ tích. Đi giữa lằn ranh sinh tử, bà L. hiểu hơn ai hết về quỹ thời gian ngắn ngủi của mình. Mang chính bản thân ra chia sẻ với mọi người để động viên nhau vượt qua những cơn đau do bạo bệnh.

Người ta bảo “cuộc đời ngắn chẳng tày gang” với những người mang “án tử” suy thận giai đoạn cuối thì chẳng còn lại được bao nhiêu. Khi đang ở độ tuổi sung sức nhất thì anh N.V.H. (43 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Lộc) nhận được hung tin khi khám sàng lọc. Anh H. thuộc diện lão làng của “xóm chạy thận” khi đã qua 13 mùa đông lạnh giá.

“Mới đầu cũng sốc lắm chú. Thanh xuân đang phơi phới thế kia mà cái chết đã cận kề. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố mẹ sống chủ yếu nhờ vào vài sào ruộng, cái ăn lo còn chưa đủ, nói gì đến có khoản tiền dư để cho mình chữa bệnh. Chuyển về ngõ nhỏ này ở cùng với những người cùng cảnh ngộ, ai ai cũng niềm nở, động viên nhau.

"Các anh, chị cứ bảo bây giờ chỉ có ý chí kiên cường mới là liều thuộc chữa trị tốt nhất, buông xuôi thì ngày nổi trống kèn càng gần. Mọi người động viên, lại thấy tận mắt gương các anh, chị như thế nên tôi cũng tự động viên mình nỗ lực. Đến đâu hay đến đó. Vì thế, ngoài thời gian đến bệnh viện, tôi lại dọn hàng để bán nước, khi thì chạy xe ôm kiếm sống. Nhoằng cái mà 13 năm đã trôi qua.”

Nghịch cảnh chính là ngưỡng cửa chúng ta phải bước qua để sống hạnh phúc trọn vẹn. Hạnh phúc với những người ở “xóm chạy thận” là được san sẻ yêu thương, đùm bọc, động viên lẫn nhau bước tiếp. Dẫu vật chất thiếu thốn, không cùng máu mủ từ khắp nơi đổ về đây, nhưng bằng tình người, họ đã trở thành một gia đình.

Khi mới chuyển về xóm này, anh H.V.T. (34 tuổi, trú tại huyện Thường Xuân) đã nhiều lần muốn tìm tới cái chết để mong sớm giải thoát cho bản thân. Phát hiện suy thận năm 2013, chàng trai khôi ngô, vạm vỡ với bao nhiêu hoài bão, ước mơ không thể tránh khỏi chông chênh, hụt hẫng, đớn đau về thể xác và tinh thần.

Anh T. phát hiện bệnh khi vừa lấy vợ sinh con. Từ lao động chính trong nhà, T. trở thành bệnh nhân với những ngày dài triền miên gắn liền với bệnh viện, cuộc sống gia đình cũng đảo lộn từ đó, vì khổ quá vợ anh đã bỏ bố con anh ra đi.

"Tôi phải gửi con cho ông bà nội chăm sóc để lên đây chữa bệnh và đi làm thuê kiếm thêm tiền thuốc men, sinh hoạt. Nhiều lúc nhớ con lắm, nhưng biết làm thế nào, chỉ có thể lấy ảnh con ra xem hoặc chờ đến tối gọi một cuộc điện thoại nghe giọng nó là thấy vui lắm rồi".

Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ có một điểm chung không bao giờ từ bỏ hy vọng. Biết quan tâm, lắng nghe, san sẻ yêu thương tới người khác. Để có tiền trang trải cho sinh hoạt và thuốc men, ở xóm trọ này, ai còn sức thì cố gắng đi làm, có những người vừa rút kim truyền, lại vào guồng đi kiếm sống. Một tuần 3 lần, họ gắn với bệnh viện, những ngày còn lại họ chọn những công việc khác nhau để mưu sinh. Người khỏe thì đi bán nước, chạy xe ôm. Người yếu hơn thì chọn những công việc nhẹ nhàng hơn như nhặt ve chai…

sachbaocongly.jpg
Trao tặng các ấn phẩm của Báo Công lý, sách cho Thư viện tại Khoa Huyết học BVĐK tỉnh Thanh Hóa

Cũng trong sáng ngày 20/1, đoàn đã tới tặng Thư viện tại Khoa huyết học Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa các ấn phẩm của Báo Công lý, nhiều đầu sách hay để bệnh nhân, người chăm bệnh, y, bác sỹ có thêm cho mình những liều thuốc về tinh thần, vững vàng, kiên cường đấu tranh chống lại bệnh tật để hướng về phía trước.

benhnhannhasach.jpg
Bệnh nhân tìm đọc những đầu sách, báo hay tại Thư viện tại Khoa Huyết học BVĐK tỉnh Thanh Hóa
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ăm ắp tiếng cười ở “xóm chạy thận” ngày cuối tuần