Ám ảnh điện thoại mạo danh

Chính Tâm| 15/12/2020 11:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi rất nhiều người dùng điện thoại còn đang bị xâm chiếm bởi nỗi ám ảnh, một bộ phận không nhỏ còn chưa thoát khỏi cơn ác mộng về điện thoại mạo danh, thì những cảnh báo của cơ quan đại diện pháp luật mà tựu chung lại là “từ chối thông tin” mặc dù có cực đoan, song vẫn là giải pháp duy nhất tại thời điểm này.

Sáng thứ 2 hối hả chuẩn bị đến cơ quan, đang lúc vội vàng thì chuông điện thoại reo. Nhìn đầu số 357 72426969 thấy lạ nên bỏ qua, sau nhiều lần bấm tắt, số điện thoại vẫn gọi lại thúc giục, tôi hồ nghi bấm máy. Một giọng nói rất điềm tĩnh, kiểu các cô chuẩn phát thanh viên 1080 vẫn hay nói: “Bạn có một bưu phẩm chưa nhận, vui lòng bấm số 1 để biết thêm chi tiết”.

Thật là… đã biết, mà vẫn mất thời gian, tôi tắt máy, đẩy sâu điện thoại vào túi quần.

Buổi sáng thứ 2 bao giờ cũng thế, vội vàng và có phần hỗn loạn. Đến cơ quan, thêm vài cuộc điện thoại trao đổi công việc vội vã, tôi chẳng còn chút ý niệm gì về cuôc gọi lạ lúc trước. Rồi trong lúc lẫn lộn những cuộc nghe, gọi trao đổi công việc ngắn gọn, tôi lại bắt gặp giọng nói quen quen kiểu “điện thoại viên” và vô thức bấm phím tiếp, ngay lập tức một giọng nam chuẩn “anh đang liên hệ đến… tôi bực mình tắt máy, lại một số lạ 096 7145557 lọt lưới trong lúc tôi lơ đễnh.

Nhớ đến thời gian trước, thường xuyên gặp những cuộc điện thoại kiểu như “Anh chị có một món quà từ nước ngoài (hoặc từ một hãng lớn mình từng mua hàng), vui lòng cầm theo, hoặc gửi xx… đồng làm lệ phí hoặc trả tiền ship để nhận quà”, hay cuộc gọi tư vấn về nhà cửa, tài chính… tôi bỗng bị cảm giác bực mình xâm chiếm.

Trong đầu vốn đã “thấm nhuần” những tin nhắn cảnh báo của Bộ TT&TT khuyến cáo "không chuyển tiền và cũng cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại” mà vẫn “sơ sểnh”.

Thật may còn “phản ứng nhanh”, kịp thoát ra khỏi lưới “con nhền nhện”.

Tôi biết, việc bị liên hệ làm phiền, thậm chí trở thành những nạn nhân của trò mạo danh qua điện thoại không phải mới mẻ gì. Tuy nhiên, đáng ngại thay khi mạo danh điện thoại hiện đã biến tướng, trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Không chỉ là những cuộc điện thoại gọi đến “cò quay” người sử dụng với nhiều mục đích, mà đã xuất hiện loại tội phạm công nghệ mới thách thức ngay chính cơ quan công quyền, khi chúng ngang nhiên giả mạo các cơ quan pháp luật lừa, chiếm đoạt tài sản giá trị hàng tỷ đồng, với quy mô lớn.

Theo Bộ Công an từ tháng 10/2020 trở lại đây, một phần mềm gián điệp do các đối tượng ngụy tạo, giả danh ứng dụng điện thoại (App) mang tên “Bộ Công an”. Các đối tượng dùng thủ đoạn tạo lập các số điện thoại ảo, giả mạo số điện thoại công khai của cơ quan thực thi pháp luật gọi đến cho bị hại… sau đó yêu cầu nạn nhân thay đổi điện thoại đang dùng sang sử dụng điện thoại hệ điều hành Android. Khi người dùng cài đặt ứng dụng này trên điện thoại sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được phần mềm gián điệp kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.

Nguy hiểm hơn, các đối tượng còn có thể điều khiển điện thoại di động của người dùng từ xa như: soạn, gửi tin nhắn SMS; mở khóa thiết bị di động; bật tắt mạng internet, truy cập wifi; đọc, ghi danh bạ; đọc, ghi lịch sử cuộc gọi, thực hiện cuộc gọi mà chủ điện thoại không hề hay biết. Đặc biệt, các đối tượng còn truy cập vào tài khoản, chuyển hàng tỷ đồng của bị hại ra nước ngoài mà nạn nhân không nhận ra.

Hàng chục bị hại tại các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Huế, Tuyên Quang, Nghệ An, An Giang, Đắk Lắk... bị các đối tượng trộm cắp, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng chỉ trong vòng 2 tháng. Với các nạn nhân này, đây không chỉ là nỗi ám ảnh, mà thực sự đã trở thành những cơn ác mộng đau đớn.

dien-thoai-mao-danh.jpg
Ảnh minh họa

Cảnh báo của Bộ Công an đưa ra là “Tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không chính thống. Không cung cấp thông tin nhân thân, tài khoản ngân hàng, tài khoản thư điện tử, mạng xã hội của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh trực tuyến khác nếu chưa xác minh chính xác thông tin người nhận”.

Vậy là, một lần nữa giải pháp đưa ra vẫn là “không”, và “không”.

Chỉ e rằng, tại thời điểm cả thế giới đang trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, giải pháp hữu hiệu đang tích cực triển khai là mọi dịch vụ công, tư đều được khuyến khích giao dịch trực tuyến: thanh toán trực tuyến, khám bệnh trực tuyến, mua hàng trực tuyến, tư vấn trực tuyến, học trực tuyến… Điều này không tránh khỏi việc vẫn có vô số người tiếp tục khai báo thông tin cá nhân.

Còn nữa, khi mà các loại hình kinh doanh trong xã hội đang bùng nổ các chiến dịch sale để chạy đua cho doanh số cuối năm, thì mọi sản phẩm, gói dịch vụ đều được khuyến khích mua, bán qua App cài đặt trên điện thoại chỉ mất vài giây. Và tôi biết một điều chắc chắn, không phải tất cả khách hàng điện thoại đều dừng lại, cân nhắc xem trang nào là trang chính thống trước khi cài App. Sự đáng tin cậy trước khi bấm điện thoại còn đang được đong đếm bằng số tiền sẽ giảm khi cài App để mua hàng, sử dụng dịch vụ.

Thông tin cá nhân xưa nay vốn hết sức quan trọng và vô cùng nhạy cảm. Tuy nhiên trong hầu hết các tình huống, người dân là bên bị động hơn trong các giao dịch cả ở dịch vụ công và tư khi tên, ngày sinh, địa chỉ, số căn cước, số điện thoại là một phần của giao dịch. Các thiết chế hiện hành chưa dễ dàng giúp chúng ta biết được thông tin của mình đã được trao đổi, giao dịch hay rò rỉ ở đâu, phải khiếu nại ai, ai sẽ chịu trách nhiệm khi có thiệt hại.

Do vậy, trong khi rất nhiều người dùng điện thoại như tôi còn đang bị xâm chiếm bởi nỗi ám ảnh, và một bộ phận không nhỏ người dùng khác còn đang sang chấn, chưa thoát khỏi cơn ác mộng về điện thoại mạo danh, thì những cảnh báo của nhà mạng và cả những cơ quan đại diện cho pháp luật mà tựu chung lại là “từ chối thông tin” mặc dù có cực đoan, thì không biết nên vui hay buồn- nó vẫn là giải pháp duy nhất tại thời điểm này.

Thế đấy, mỗi người nên cân nhắc cẩn trọng, trước khi bấm nút điện thoại. Để "tự bảo vệ" mình và người thân, cần ngừng nghe các cuộc gọi từ số lạ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ám ảnh điện thoại mạo danh