Các quan chức hiện nay đang gần dân hay xa dân? Chắc chắn có một bộ phận không nhỏ quan chức xa dân. Tình trạng khiếu kiện vượt cấp có lý do từ việc xa dân của cán bộ địa phương.
Báo chí đăng tải nhiều vụ khiếu nại vượt thời gian và không gian đến nỗi mãi đến khi công dân gặp Bí thư Thành ủy, găp Bộ trưởng mới được xem xét và xử lý.
Ai xa dân? Đủ thành phần từ cấp thấp đến cấp trung bình và cả cấp cao. Không khó khăn gì mà cử tri không thấy các đại biểu HĐND, Quốc hội mà mình bầu ra chẳng mấy khi gặp gỡ người dân trừ các lần tiếp xúc với các cử tri định kỳ và cũng chỉ “cử tri chuyên trách” được gặp. Và cũng vì xa dân mà có ĐBQH suốt nhiệm kỳ không hề một lần người ta thấy phát biểu ý kiến trên Hội trường hay ở tổ. Không chừng vị này không bấm nút biểu quyết cũng nên?
Ngay đến cấp Bộ trưởng cũng có ít đi cơ sở, ít xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có người cho rằng không phải vì ông ấy bận, cũng không phải vì ngành ấy ít vấn đề mà do tác phong làm việc có phần quan liêu và cũng có lý do sắp hết nhiệm kỳ nên im lặng là vàng!? Năm nọ còn có tin ông Bộ trưởng đi tắm bùn không về kịp chỉ đạo khắc phục vụ tai nạn trong ngành dù Phó Thủ tướng đã có mặt và tham gia hiến máu cứu người trước khi chỉ đạo khắc phục hậu quả khiến dư luận bực bội lắm.
Bà con xem tivi có thấy các quan chức đầu tỉnh đi chống bão lụt mà diện thời trang công sở, thấy người che ô, kẻ cắp cặp đi theo và vị quan chức này vung tay chỉ chỏ, bà con tắt phụt màn hình vì không muốn thấy ông xa dân.
Tham ô, lãng phí ở cơ sở xảy ra là vì lãnh đạo huyện này, tỉnh kia ít về cơ sở. Quan xã bớt xén tiền cứu trợ của Chính phủ, ăn chặn gạo chống đói rồi phụ thu lạm bổ ngay cả trong nhưng lĩnh vực đàng hoàng nhất cũng bị biến dạng vì trên xa dưới, quan xa dân.
Sắp sang vụ ớt mới nhưng nhiều hộ dân ở Việt Tiến chưa nhận được tiền hỗ trợ con giống ớt của năm 2013
Ở Hải Phòng mới đây có câu chuyện trên xa dân - dưới làm càn mới bị phát hiện. Thì ra từ năm 2013, Hải Phòng ra quyết định hỗ trợ kinh phí cho xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo xây dựng mô hình trồng ớt với diện tích 30ha. Kinh phí hỗ trợ là 714.400 đồng/sào tính ra là 329 triệu đồng cho 287 hộ nhưng không có ai được nhận tiền. Người dân tố cáo cán bộ giả mạo chữ ký để ăn chặn. Kết cục là hàng loạt cán bộ xã, thôn bị kỷ luật. Giá như cán bộ thành phố, huyện đừng xa dân thì đâu nên nỗi?
Giá như có quy định cán bộ phải đi cơ sở theo lịch, tiếp dân theo định kỳ với quy chế kiểm tra nghiêm ngặt? Giá như sẽ thay thế, kỷ luật nhưng cán bộ bị dân kêu, dân chê phàn nàn? Giá như các vị lãnh đạo cấp cao đi cơ sở thật, tiếp dân đúng lịch…
Và giá như lấy phiếu tín nhiệm quan chức địa phương hàng năm, các vị này chắc chắn sẽ có tỷ lệ tín nhiệm thấp cho mà xem.