Trong lúc các trường công lập chưa giải quyết được tình trạng quá tải thì mô hình “bán trú vệ tinh” nở rộ đã đáp ứng phần nào nhu cầu của phụ huynh tìm chỗ học tập, sinh hoạt cho con em ngoài giờ học chính thức ở trường.
Nở rộ mô hình
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, năm học 2015 - 2016, thành phố có 515 trường tiểu học, trong đó có 430 trường tổ chức học 2 buổi/ngày, tương đương với gần 402.000 học sinh học 2 buổi/ngày (tăng 9,84% so với năm học trước). Như vậy, vẫn còn khoảng 180.000 học sinh chỉ học một buổi tại trường, trong số đó, có một lượng lớn học sinh mà cha mẹ phải đi làm cả ngày, có nhu cầu được gửi chăm sóc 2 buổi.
Trên cơ sở nhu cầu của phụ huynh, một số cá nhân đã tổ chức hình thức trông giữ trẻ buổi thứ hai. Sau khi kết thúc giờ học chính khóa buổi sáng, các cơ sở này sẽ tổ chức đón học sinh tổ chức ăn trưa, nghỉ trưa, buổi chiều các em sẽ tự ôn bài, xem lại bài học trên lớp, một số nơi tổ chức thêm cho các em tham gia một số hoạt động như học nhạc, vẽ, các môn thể thao… Hầu hết các cơ sở dạng này đều không tổ chức dạy học cho trẻ.
Chưa có một hành lang pháp lý nào cho mô hình “bán trú vệ tinh”.
Theo ông Phan Văn Quang Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình, khó khăn hiện nay là cơ sở trường lớp, trang thiết bị giáo dục của quận chưa đáp ứng được nhu cầu học sinh học 2 buổi/ngày. Ở một số trường tiểu học, sĩ số học sinh một lớp cao, nên không thể tổ chức cho các em học 2 buổi/ngày. Cụ thể, sĩ số học sinh các trường Tiểu học Nguyễn Văn Kịp và Yên Thế là 48 học sinh/lớp, Trường Tiểu học Tân Trụ là 47 học sinh/lớp… đây chính là thực trạng khiến nhu cầu “bán trú vệ tinh” ngày càng nở rộ.
Trên thực tế, mô hình này đã hình thành từ lâu và xuất hiện phổ biến ở các quận huyện như Tân Phú, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân... dành cho những học sinh chỉ được học một buổi/ngày. Ông Cao Thanh Bình, Chuyên viên ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh đánh giá, qua thực tế cho thấy có những mô hình rất hiệu quả, cần được nhân rộng. Ở nhiều cơ sở, việc tổ chức xe đưa đón cho các em rất an toàn, các điểm nghỉ ngơi còn tốt hơn cả công lập.
Theo ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp, hiện trên địa bàn quận có 7 nhóm bán trú vệ tinh tự phát, ước tính có khoảng 780 học sinh đang học ở đây. Tương tự, tại địa bàn quận Tân Phú cũng có khoảng 500 học sinh theo học tại các lớp “bán trú vệ tinh”.
Cô Trần Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Hồng Ngọc một trong những cơ sở giáo dục triển khai “bán trú vệ tinh” cho biết: “Qua ba năm hoạt động mô hình bán trú này, sĩ số học sinh tăng lên. Học phí bao gồm tiền ăn trưa, ăn xế, học các kỹ năng tiếng Việt, tiếng Anh, năng khiếu từ 1,3 - 1,4 triệu, tiền xe đưa đón là 200.000 đồng/tháng”.
Cần một hành lang pháp lý
Mô hình bán trú vệ tinh là một dịch vụ mới nên chưa có quy định pháp luật về việc cấp phép hoạt động; cũng chưa có quy định chi tiết việc quản lý, cấp phép loại hình dịch vụ này, nên vấn đề về vệ sinh, an toàn cho trẻ chưa đảm bảo. Thực tế hiện nay, chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính thức loại hình dịch vụ này mà hầu hết là do địa phương tạm quản lý ở các nội dung rời rạc như vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy...
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong thời gian tới, dịch vụ này sẽ ngày càng mở rộng, đặc biệt là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Nếu không được tổ chức quản lý tốt, có thể sẽ phát sinh các vấn đề không đảm bảo an toàn cho trẻ.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Bình cũng cho rằng, cần phải có sự phối hợp gữa nhà trường với các cơ quan chính quyền địa phương, vì bên cạnh một số cơ sở thực hiện tốt việc đưa đón trẻ, vẫn còn nhiều cơ sở chưa đảm bảo an toàn cho trẻ, nhất là vào giờ đón trẻ. Đồng tình với quan điểm này, cô Trần Thị Nga bổ sung: Cần phải có một hành lang pháp lý cho mô hình bán trú này. Thông qua đó, phụ huynh mới có thể yên tâm khi họ gửi con vào đó và các đơn vị cũng có quy chuẩn để thực hiện cho đúng pháp luật.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng mô hình này phát triển tốt sẽ giảm tải cho các trường công lập áp lực về sĩ số nhất là đối với các quận như Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp… Tuy nhiên, cần thiết phải quản lý chặt loại hình dịch vụ này nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ, tạo điều kiện để cha mẹ yên tâm làm việc. Ngoài ra, cần phải thống nhất tên gọi các đơn vị tổ chức dịch vụ này là “Trung tâm trông giữ trẻ ngoài giờ". Trong thời gian chờ sự thống nhất của các sở, ngành về các tiêu chuẩn để cấp phép hoạt động, UBND thành phố cần ban hành quy chế quản lý tạm thời các đơn vị tổ chức giữ trẻ buổi thứ hai ngoài nhà trường để đảm bảo an toàn cho trẻ.