96,2% trẻ dưới 8 tuổi cũng bị nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) khi có bố mẹ, người thân trong gia đình nhiễm loại vi khuẩn có thể gây ung thư dạ dày này.
PGS.TS Nguyễn Duy Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, đơn vị này vừa thực hiện một nghiên cứu khảo sát tình trạng nhiễm HP trên 258 gia đình với 696 cá thể đến khám vì triệu chứng của đường tiêu hóa trên.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm HP ở trẻ dưới 8 tuổi là 96,2%. Điều này hoàn toàn ngược lại so với các nước phát triển, trẻ em là đối tượng nhiễm HP rất thấp - người lớn chiếm khoảng 80% và trẻ em chỉ khoảng 20%.
Nguyên nhân của tình trạng trên bắt nguồn từ nhiều thói quen xấu của người Việt như mớm cơm cho con, ăn chung đũa, chung thìa, dung chung bàn chải đánh răng, ăn thực phẩm nhiễm khuẩn chưa được nấu chín hay trẻ có thể lây nhiễm từ lớp học bán trú...
Nhai mớm cơm cho trẻ là một trong những con đường lây nhiễm vi khuẩn có hại. Ảnh minh họa
PGS.TS Nguyễn Duy Thắng nêu dẫn chứng: “Chúng tôi đã gặp trường hợp bệnh nhi nhỏ nhất là 2 tuổi mắc HP do mẹ mớm cơm cho con. Bệnh nhi không có triệu chứng lâm sàng và phát hiện bệnh khi test thở. Nhưng trường hợp này chúng tôi chưa tiến hành điều trị. Môi trường trong dạ dày kiềm hóa càng cao thì HP càng sống tốt, nhưng với môi trường axit HP sẽ chết. Do đó, nếu môi trường trong dạ dày bé thay đổi thì HP có thể bị tiêu diệt. Điều này cũng khẳng định, chế độ ăn quan trọng vô cùng với trẻ nhỏ".
Cũng theo Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật, vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày chứ không phải cứ có khuẩn HP là bị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, vi khuẩn HP chính là yếu tố gây ra viêm loét dạ dày và bệnh cứ tái đi tái lại. Tổ chức ung thư quốc tế cũng xem như HP là thủ phạm số 1 gây ra ung thư dạ dày và khuyến cáo không có HP sẽ giảm ung thư dạ dày.
Tại Việt Nam dù viêm loét dạ dày không phải chỉ riêng HP gây ra nhưng sự tồn tại của HP trong niêm mạc dạ dày - tá tràng rất cao.
Người có vi khuẩn HP nếu không có triệu chứng thì không nhất thiết phải diệt. Nhưng khi có triệu chứng lâm sàng như ợ hơi, ợ chua, nôn, đau, viêm dạ dày, xung huyết dạ dày… thì sẽ phải điều trị kháng sinh với liều thuốc phù hợp cân nặng, lứa tuổi. Với trẻ còn nhỏ tuổi, các bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị.
PGS Thắng khuyến cáo, vi khuẩn HP sẽ chết trong môi trường axit và sẽ phát triển mạnh trong môi trường kiềm hóa cao. Vì thế những người mắc vi khuẩn này hạn chế ăn đồ chua, đồ ăn cay, rượu, bia, cà phê… Và để tránh tình trạng kháng kháng sinh, mọi người không nên tự ý mua kháng sinh diệt HP.
“HP có nhiều tuýp vi khuẩn, vì thế nếu bạn chữa khỏi một lần, khả năng tái nhiễm vẫn xảy ra khi mắc tuýp khác”, PGS Thắng nói.