Theo thống kê đăng ký xét tuyển năm 2018, về cơ bản, các trường và thí sinh vẫn sử dụng tổ hợp truyền thống để xét tuyển. Đặc biệt, có 848.444 nguyện vọng mã tổ hợp A00 đăng ký xét tuyển
Mã tổ hợp A00 vấn chiếm gần 31% nguyện vọng
Tương tự như năm 2017, mùa tuyển sinh năm 2018 tổ hợp có lượng thí sinh chọn đăng ký nhiều nhất là: A00: Toán, Lí, Hóa; D01: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; A01: Toán, Lí, Anh văn; B00: Toán, Hóa, Sinh; C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí. Năm 2018, năm tổ hợp này chiếm gần 90%, năm 2017 gần 92%).
Quy chế tuyển sinh cho phép các trường được bổ sung thêm các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển và quy định "các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo".
Về lý thuyết, có 9 môn thi và một số môn thi năng khiếu có thể thiết kế tới hơn 400 tổ hợp. Tuy nhiên kết quả thống kê cho thấy số thí sinh đăng lý xét tuyển chọn các tổ hợp mới được bổ sung rất ít: có hơn 100 tổ hợp chỉ có dưới 10 thí sinh chọn và có hàng 100 tổ hợp không có trường hoặc thí sinh nào chọn.
Thống kê chi tiết nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các tổ hợp như sau:
Tổ hợp A00 có số nguyện vọng cao nhất. Ảnh Ngô Chuyên.
Các trường được tự xét điểm sàn
Bắt đầu từ mùa tuyển sinh năm 2018, Bộ đã trao quyền tự chủ cho các trường được tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển) trừ nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Xét về nguyên tắc, tự chủ xác định điểm sàn là hướng đi tất yếu để các trường thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình về những quyết định trong tuyển sinh của mình.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh đầy đủ, trong đó có quy định công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng của trường, tỉ lệ việc làm của sinh viên theo từng ngành đào tạo trong hai năm gần nhất, tỉ suất đầu tư để đảm bảo số sinh viên trong một năm học.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Trên cơ sở đó, thí sinh đã có cơ sở để lựa chọn ngành học, trường học phù hợp với điều kiện và năng lực của mình. Các kênh thông tin truyền thông của đài, báo cũng là nguồn hỗ trợ hiệu quả giúp thí sinh định hướng việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Nhìn chung, đa số các trường đã xây dựng chính sách chất lượng của mình, trong đó, có chất lượng đầu vào, chú trọng chất lượng trong quá trình đào tạo và đặc biệt là đảm bảo chất lượng đầu ra. Hầu hết các trường đều dự kiến thời điểm thích hợp để công bố điểm sàn là sau khi có kết quả, phổ điểm thi THPT quốc gia, trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng có trường nhận biết được khó khăn, yếu kém của mình nên chủ trương sẽ lấy điểm đầu vào thấp, “vơ bèo vạt tép”, bất chấp năng lực, nền tảng của thí sinh để có thí sinh vào học.
Để không xảy ra tình trạng này, chuẩn bị bước vào mùa thi tuyển sinh năm nay, Bộ cũng đã chỉ đạo các trường cần cân nhắc khi thông báo điểm sàn, tham khảo mức điểm hai năm tuyển sinh trước liền kề để đảm bảo chủ trương tự chủ phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo trong toàn ngành.
Thực tế, có một vài trường đã dự kiến thông báo xét tuyển với ngưỡng đầu vào thấp. Mặc dù chưa phải là quyết định cuối cùng của nhà trường do chưa có kết quả thi nhưng hiện tượng đó cũng gây tâm lý lo ngại về chất lượng đào tạo.
Bộ GD-ĐT đã kịp thời trao đổi, khuyến cáo các cơ sở này điều chỉnh lại nội dung này trong đề án tuyển sinh. Với sự lên tiếng của dư luận, các trường cũng sớm nhận thấy việc hạ thấp điểm sàn đồng nghĩa với việc sẽ hạ thấp uy tín, dẫn tới xã hội và thí sinh nghi ngờ về chất lượng đào tạo.
Bộ GD-ĐT sẽ theo sát diễn biến việc này, giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh của nhóm trường này, chấn chỉnh kịp thời và tiến hành thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với trường xác định điểm sàn thấp.