8 năm thực hiện NQ 49 về cải cách tư pháp của ngành Tòa án (Bài 2)

25/12/2013 16:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như chúng tôi đã đề cập ở bài trước về kết quả sau 8 năm thi hành Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, Ban cán sự Đảng TANDTC đã lãnh đạo, chỉ đạo ngành Tòa án thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng và đạt kết quả cao ở nhiều lĩnh vực.

Ở bài này, chúng tôi tiếp tục đề cập đến kết quả và những thay đổi trong lĩnh vực khiếu kiện hành chính và tranh tụng tại Tòa.

 

Bài 2: Đổi mới thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính và tranh tụng tại Tòa

 

Tố tụng hành chính đã thực sự đổi mới

 

NQ 49 của Bộ Chính trị đã định hướng việc: “Mở rộng thẩm quyền xét xử của Toà án đối với các khiếu kiện hành chính. Đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Toà án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Toà án”. Định hướng này đã được TANDTC thể chế hóa khi xây dựng dự án Luật Tố tụng hành chính (TTHC) và đã được Quốc hội thông qua.

 

Theo đó, Luật TTHC đã mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với tất cả các khiếu kiện hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức. Bổ sung các quy định cho phép người dân thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính lựa chọn việc xem xét khởi kiện hoặc khiếu nại trong trường hợp vừa có đơn khởi kiện, vừa có đơn khiếu nại…

 

Thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án cũng đã được đổi mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia khởi kiện vụ án hành chính; tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án. 

 

8 năm thực hiện NQ 49 về cải cách tư pháp của ngành Tòa án (Bài 2)

Một phiên tòa hành chính (Ảnh: Thư Kỳ)

 

Chính vì những thuận lợi này mà tỷ lệ vụ án hành chính được thụ lý đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Bạch Yến, Chánh tòa Tòa Hành chính TANDTC, lượng án hành chính tăng đột biến trong những năm gần đây. Nếu như năm 1996 đến trước thời điểm tháng 7/2011 - Luật TTHC có hiệu lực, số vụ án giải quyết toàn ngành là 2.000 vụ thì đến nay con số đó đã hơn 7.000 vụ (tăng hơn gấp ba lần so với số lượng của 12 năm). Và, trước đây, tỷ lệ án hành chính bị hủy chiếm tỷ trọng khá lớn so với các loại án khác (9,6%). Tuy nhiên, từ khi Luật TTHC có hiệu lực đến nay, nhiều quy định của pháp luật liên quan đã được khắc phục, nên chất lượng xét xử đã cải thiện rõ rệt, tỷ lệ bản án bị hủy, sửa đã giảm rất nhiều so với trước đây.

 

Đổi mới tranh tụng và những chỉ đạo quyết liệt

 

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và NQ 49, trên cơ sở các quy định của pháp luật và hướng dẫn của TANDTC, Toà án các cấp đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, đảm bảo cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của họ, chú trọng việc đánh giá các chứng cứ trong hồ sơ và các chứng cứ mới. Việc đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh luận không chỉ còn giới hạn ở các phiên toà xét xử hình sự mà được áp dụng đối với cả các phiên toà xét xử dân sự, hành chính. 

 

Để thực hiện tốt việc điều hành tranh luận tại phiên toà, HĐXX đã xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch xét hỏi và tranh luận theo hướng phát huy dân chủ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân, đảm bảo cho các bên trình bày hết ý kiến của mình về những vấn đề liên quan tới việc giải quyết vụ án. Từ đó, các phán quyết của Toà án căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà và trên cơ sở xem xét toàn diện, khách quan các chứng cứ của vụ án, nên chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được đảm bảo và có nhiều tiến bộ. Thông qua việc tranh tụng, các tình tiết, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được kiểm tra, xem xét, đối chứng toàn diện, kỹ càng, đồng thời góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm Toà án. 

 

Theo tinh thần NQ 08 và NQ 49 về tranh tụng tại phiên tòa, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho nội dung này, quá trình nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992, TANDTC đã kiến nghị và được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa vào dự thảo Hiến pháp thành một nguyên tắc và bản Hiến pháp mới đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 vừa qua đã đánh dấu một bước thay đổi quan trọng trong lĩnh vực này. Thời gian tới, TANDTC sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan cụ thể hóa nguyên tắc này thành các quy định cụ thể trong pháp luật tố tụng, nhằm đảm bảo cho việc thực hiện tranh tụng tại phiên tòa có cơ sở pháp lý và hiệu quả.

 

Cùng với việc quan tâm chỉ đạo toàn ngành không ngừng đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, TANDTC đã rất quan tâm tới công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử của Toà án cấp trên đối với Toà án cấp dưới. Đoàn công tác về các địa phương kiểm tra công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án và công tác thi hành án hình sự của TANDTC đều được tổ chức đều đặn theo định kỳ hàng năm. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các TAND cấp tỉnh đều duy trì kiểm tra đối với 100% các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp huyện. Công tác kiểm tra hàng năm đều có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào những vấn đề còn hạn chế, thiếu sót trong công tác của các Tòa án hoặc những vấn đề mà dư luận hoặc các đại biểu Quốc hội quan tâm như: Vấn đề để án quá thời hạn luật định; vấn đề cho hưởng án treo, đặc biệt là đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng; vấn đề bản án tuyên không rõ ràng… nhằm kịp thời phát hiện các sai sót, chấn chỉnh và rút kinh nghiệm chung trong toàn ngành hoặc sai lầm nghiêm trọng thì kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.  

Đặc biệt, các quy định liên quan đến tội phạm tham nhũng được TANDTC rất chú trọng  và đã ban hành một số văn bản hướng dẫn để xét xử nghiêm minh những vụ án tham nhũng, được người dân và dư luận đồng tình và đánh giá cao.

 

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: Thời gian qua, đối với những vụ án tham nhũng, những vụ án trọng điểm có hành vi tham nhũng trong nhóm tội phạm về tham nhũng và có tài sản, tiền bạc của Nhà nước bị chiếm đoạt, bị thất thoát lớn thì Tòa án đều đưa ra xét xử nghiêm minh với mức án cao nhất theo cáo trạng truy tố. Điều đó đã khẳng định quyết tâm chính trị cao của ngành Tòa án trong lĩnh vực này. Những vụ án tham nhũng cho hưởng án treo không đúng pháp luật thì gần như đã được khắc phục trong năm qua.

 

Bài 3: Chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng xét xử và công tác thông tin tuyên truyền

 

Nguyên Bình

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
8 năm thực hiện NQ 49 về cải cách tư pháp của ngành Tòa án (Bài 2)