8 giờ "cân não" bảo toàn đôi chân cho chàng trai bị lóc hở xương do tai nạn

Thảo Nguyên| 21/01/2019 16:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 21/1, Giám đốc Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, 1 ca bệnh chấn thương nghiêm trọng sau tai nạn giao thông đã được các bác sĩ bệnh viện cứu chữa thành công 8 tiếng “cân não”.

“Xin bác sĩ hãy cứu đôi chân cháu”

23 giờ đêm một ngày cuối năm 2018, Bệnh viện E tiếp nhận một ca bị tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trên đường đi làm về, anh Nông Văn T. (27 tuổi, người dân tộc Nùng ở Hòa An, Cao Bằng) bị một chiếc xe tải đâm phải làm dập nát toàn bộ chân phải, dập nát bàn chân phải và rách tầng sinh môn…

Nạn nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện E trong tình trạng sốc do đa chấn thương, nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Ngay lập tức các bác sĩ trực đã tiến hành hồi sức cấp cứu, truyền máu (3 đơn vị khối hồng cầu, 2 đơn vị huyết tương tương đương với 1,5 lít máu). Tình trạng bệnh nhân được cải thiện, các bác sĩ nhanh chóng đẩy bệnh nhân này vào phòng mổ.

Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và nam học, khoa Chấn thương chỉnh hình, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Khoa Gây mê hồi sức… cùng ê kíp bác sĩ đã tiến hành hội chẩn gấp.

8 giờ

Bệnh nhân cầu cứu các bác sĩ với mong muốn không bị cắt mất đôi chân

Thấy tình trạng bàn chân dập nát, bệnh nhân stress nặng nề vì lo sợ từ một thanh niên khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình, giờ đây đối mặt với nguy cơ trở thành người tàn tật, mất chi. Trên giường bệnh, bệnh nhân cầu cứu GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E bằng tiếng nói không rành rọt: “Bác sĩ ơi, hãy cứu lấy đôi chân cháu với, nếu bị cắt cụt bàn chân, tàn phế thì cháu sẽ ăn lá ngón mà chết”.

GS.TS Lê Ngọc Thành đã chỉ đạo các ca phẫu thuật can thiệp được thực hiện đồng thời nhằm rút ngắn thời gian, cố cứu sống bàn chân cho bệnh nhân bằng mọi giá. Ông cũng trích một tháng lương ủng hộ bệnh nhân.

8 giờ “cân não”

TS.BS Phạm Việt Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học đã tiến hành làm hậu môn nhân tạo, xử lý vết thương tầng sinh môn cho bệnh nhân. Một ê kíp bác sĩ khác xử trí cắt bỏ phần da lóc đùi, chân phải lộ xương, khâu bảo tồn bàn chân bên phải cho bệnh nhân.

Ths.BS Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E cho biết, bệnh nhân bị tổn khuyết toàn bộ vùng bàn chân phải: phần mặt trên thì bị khuyết da mu chân, cổ chân, lộ gân và mặt dưới bị khuyết da gan bàn chân và gót chân, lộ xương bàn chân. Với tổn khuyết như trên, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng nguy hiểm vết thương và đối mặt với khả năng cắt cụt toàn bộ chân phải là rất lớn. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn quyết tâm thực hiện kỹ thuật vi phẫu chuyển vạt cứu chân phải cho bệnh nhân.

Theo Ths Minh, thay vì cắt bỏ bàn chân của bệnh nhân phần xương lộ ra, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt sử dụng vạt che phủ có khối lượng tổ chức lớn để tiến hành phủ phần gót và bàn chân cho bệnh nhân. Thông thường, các bác sĩ lấy vạt vi phẫu mạch xuyên đùi trước ngoài ở chân cùng bên nhưng bệnh nhân này chân phải bị tổn thương hoàn toàn nên các bác sĩ không thể lấy được vạt vi phẫu đùi trước ngoài. Bên phần chân trái của bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành chụp CT dựng hình mạch thấy, mạch xuyên không thuận lợi cho việc lấy vạt vi phẫu chân trái, dễ bị thất bại. Trên chỉ điểm chụp cắt lớp, các bác sĩ quyết định lựa chọn sử dụng vạt vi phẫu cơ lưng to. Sự lựa chọn này của các bác sĩ giúp bệnh nhân không phải trải qua quá trình phẫu thuật gây mê kéo dài trên 10 tiếng.

8 giờ

Bệnh nhân được bảo toàn đôi chân và đang điều trị tại Bệnh viện E

Ca phẫu thuật diễn ra trong 8 giờ căng não với 2 kíp thực hiện song song: Một kíp thực hiện phẫu thuật lấy toàn bộ đơn vị tổ chức vùng da lưng to (bao gồm: da, cơ) có mạch máu nuôi để chuyển đến vùng cần tạo hình và nối động mạch, tĩnh mạch, dây thần kinh để đảm bảo tổ chức vi phẫu được cấp máu nuối tốt, phục hồi tổn thương cho bệnh nhân.

Đây là một vạt vi phẫu có tính sử dụng linh hoạt, các bác sĩ sẽ lấy cả phần cân ở phía dưới và độ dày có thể thay đổi theo từng vùng tùy nhu cầu sử dụng, việc làm mỏng được tiến hành dưới kính siêu vi phẫu để không ảnh hưởng đến các vi mạch máu nuôi dưỡng vạt để tạo lại gan bàn chân và gót chân cho bệnh nhân. Sau đó cả đơn vị vạt được chuyển sang vị trí gan chân và gót bàn chân, các bác sĩ sử dụng kính vi phẫu để nối mạch, với hệ thống kính hiển vi tiên tiến nhất tại bệnh viện có thể nối được những mạch máu nhỏ nhất mà mắt thường không nhìn thấy được.

Một kíp phẫu thuật khác lấy da đầu của bệnh nhân để thực ghép da diện rộng cho mu bàn chân cho bệnh nhân. Đây là một kỹ thuật ưu điểm vượt trội, đem lại lợi ích cho bệnh nhân như không để lại sẹo cho vùng lấy da bởi vì da đầu được cấp máu tốt, quá trình liền sẹo nhanh chóng, có thể lấy nhiều lần (cách 2 tuần/lần) mà không gây thêm tổn thương hay sẹo lồi cho bệnh nhân sau khi lấy da ghép. Da đầu là vùng da dày nhất (có thể gấp đôi) cho chất lượng da ghép tốt nhất trên cơ thể. Các bác sĩ khéo léo lấy da đầu phía trên nhưng không lấy chân tóc nên mảnh da ghép sạch, không mọc tóc. Kỹ thuật này đặc biệt tốt cho trẻ em và trên người bị bỏng nặng cần ghép da nhiều lần.

Sau một thời gian điều trị, chăm sóc tích cực, vạt vi phẫu đã hoàn toàn ổn định, che phủ toàn bộ phần lộ xương mặt gan chân, bệnh nhân không còn tình trạng nhiễm trùng. Phần da mặt mu chân của bệnh nhân đã sống tốt, bám tốt vào nền nhận. Các bác sĩ Bệnh viện E hy vọng sau khi tập phục hồi chức năng, chân bên phải sẽ liền phần gan bàn chân và gót, bệnh nhân có thể đi lại.

Theo GS Lê Ngọc Thành, điều đặc biệt sau sự thành công của ca phẫu thuật vi phẫu bàn chân này cho bệnh nhân là bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng sốc tâm lý vì có thể bị tàn phế do nguy cơ phải cưa chân. Nhìn nụ cười tươi trên khuôn mặt của bệnh nhân, Giám đốc Lê Ngọc Thành cùng cả ê kíp phẫu thuật vỡ òa trong cảm xúc.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
8 giờ "cân não" bảo toàn đôi chân cho chàng trai bị lóc hở xương do tai nạn