70 năm ký ức không phai mờ về ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

Thu Vân (bài viết có sử dụng TL của VTV, VOV)| 06/01/2016 10:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

70 năm trước, trong không khí phấn khởi, tinh thần dân tộc dâng cao sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc chí Nam đã nô nức đi bỏ phiếu, lựa chọn người đại diện xứng đáng vào QH.

70 năm ký ức không phai mờ về ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

Cử tri hai miền Bắc- Nam nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 6/1/1946). Ảnh tư liệu

Đây là sự kiện lịch sử trọng đại chứng tỏ quyền tự do, quyền công dân của cả dân tộc Việt Nam sau những đêm dài tăm tối bị kìm hãm, áp bức của chủ nghĩa thực dân và tay sai.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra ngày 6/1/1946 đã trở thành một dấu mốc không thể nào quên trong ký ức những cử tri ngày đó. Trên quy mô cả nước, cả 71 tỉnh, thành phố đều tiến hành Tổng tuyển cử. Đã có tới 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt tỷ lệ 95%.

Những người biết đọc, biết viết thì tự làm thủ tục bầu cử theo danh sách đã ghi ở bảng đen. Những người không biết chữ cố gắng tự học thuộc lòng mặt chữ để được tự tay viết lên lá phiếu đầu tiên trong đời.

Nhiều người đã khóc trong sung sướng vì với họ cả đời phải đi ở đợ, cả đời làm con ở, nay mới được thực hiện quyền dân chủ, được đi bỏ phiếu bầu ra những người xứng đáng đại diện cho mình.

Hà Nội: ngợp tiếng chiêng, trống và những bài ca cách mạng

Tại Hà Nội, trung tâm của cả nước, nơi hàng ngày diễn ra các sự kiện trọng đại ảnh hưởng đến vận mệnh của cả dân tộc, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử, hàng chục vạn cử tri Thủ đô đi làm nghĩa vụ công dân.

Có những cụ già 70, 80 tuổi được con cháu cõng đi bỏ phiếu, nhiều người mù đã nhờ người nhà dẫn đến tận hòm phiếu để tự tay mình làm nhiệm vụ công dân. Kết quả, 172.765 trong tổng số 187.880, tức 91,95% cử tri của cả 74 khu phố nội thành và 118 làng ngoại thành Hà Nội đã đi bỏ phiếu. 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội.

Nhớ lại không khí Ngày Tổng tuyển cử cách đây 70 năm, ông Vũ Mạnh Kha (ở xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết: Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.

Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng đó, 7h ngày 6/1/1946, tiếng trống, tiếng chuông, tiếng chiêng... cùng vang dậy khắp Hà Nội, báo hiệu ngày hội Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc Việt Nam bắt đầu. Tất cả phố phường đều rợp cờ, pa nô, áp phích, băng rôn. Thủ đô thức dậy cùng những tiếng hô khẩu hiệu, đồng thanh hát những bài ca cách mạng.

“Không khí những ngày tổng tuyển cử rất nô nức, người dân rất háo hức khi được thực hiện quyền công dân. Lúc đó, cử tri nào cũng có thể biết, lựa chọn người xứng đáng, người ta đã hoạt động cách mạng như thế nào và sẽ làm gì khi trúng cử. Ngày hội mới và quyền người dân được bầu cử nên rất phấn khởi”, ông Kha nhớ lại.

Trong ký ức của nhà lão thành cách mạng Nguyễn Thanh Quất (ở thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) những ngày này 70 năm trước, tại địa phương khi đó không khí rất sôi nổi để chuẩn bị Tổng tuyển cử.

Các ban bầu cử được thành lập tới tận làng, xã. Tại các điểm bầu cử đều treo cờ Tổ quốc, bên dưới là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh dựng một bảng đen viết bằng phấn trắng họ tên đầy đủ của các ứng cử viên. Tuy chưa tiến hành hiệp thương và tổ chức tiếp xúc cử tri được như bây giờ, nhưng danh sách các ứng cử viên cũng được đưa ra thảo luận, trao đổi và phổ biến rộng rãi tới cử tri.

Ông Nguyễn Thanh Quất cho rằng, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín và đã hoàn toàn thắng lợi.

Nam Bộ: Bất chấp bom đạn, đổi cả xương máu thực hiện quyền dân chủ

Ngày 6/1/1946 là một ngày vui trọng đại, đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, nhân dân được quyền làm chủ vận mệnh quốc gia. Tuy nhiên, ở Nam Bộ lúc đó vẫn còn đối mặt với vô vàn khó khăn, nhất là quân địch đẩy mạnh đàn áp cách mạng, nhưng niềm vui được bầu cử của nhân dân lại lớn lao hơn bao giờ hết.

Đối với Đại tá Nguyễn Văn Tòng – cựu Chính ủy Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, ký ức về không khí trước ngày Tổng tuyển cử đầu tiên không bao giờ phai mờ. Lúc bấy giờ, đơn vị của ông đóng quân tại huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Lúc này giặc Pháp đã chiếm thị xã Mỹ Tho, nhưng thị trấn Cai Lậy vẫn còn do phía cách mạng kiểm soát. Trên những con đường lớn, biểu ngữ màu đỏ, chữ vàng, được giăng ngang quốc lộ, với nội dung “Ngày 6/1/1946 - Toàn dân đi bầu cử” làm nức lòng người dân địa phương.

Đúng ngày 6/1, tại thị trấn Cai Lậy, người dân nô nức kéo nhau đi bỏ phiếu. Ông Tòng là người biết chữ, nằm trong Ban Thư ký, tham gia hướng dẫn cho bà con bầu cử.

“Cũng có nhiều người hiểu biết, vui mừng phấn khởi, còn có người thì bỡ ngỡ, cần phải được giải thích. Đưa được phiếu bầu cử rồi, thì người dân không cần đọc, bỏ ngay vào thùng phiếu, hoàn toàn tin tưởng vào cách mạng, vào chính quyền. Cũng có người không biết là phụ nữ cũng được đi bỏ phiếu, ra đến nơi mới biết, thế là ông chồng lấy xuồng bơi về chở bà vợ ra bầu cử”, ông Tòng nhớ lại.

70 năm ký ức không phai mờ về ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

Bà Ngô Thị Huệ

Còn với bà Ngô Thị Huệ, một trong ba đại biểu nữ thuộc đoàn đại biểu miền Nam của Quốc hội khóa 1, tinh thần của ngày 6/1/1946 và niềm tin tưởng của người dân dành cho bà, đã trở thành động lực cho vị đại biểu dân cử này vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ đang chờ đợi phía trước.

Trong hồi ức của mình, bà Ngô Thị Huệ không quên không khí đi vận động, tuyên truyền bầu cử ngày ấy. Thời điểm này, hầu hết các tỉnh Nam Bộ lần lượt bị giặc Pháp chiếm đóng và sắp tràn đến Bạc Liêu, nơi bà Huệ đang công tác.

Giữa lúc ấy, Tỉnh ủy Bạc Liêu nhận được chủ trương tổ chức bầu Quốc hội vào ngày 6/1/1946. Dẫu gặp vô vàn khó khăn trong việc chuẩn bị và tiến hành bầu cử, Tỉnh ủy và chính quyền Bạc Liêu đã cử cán bộ về từng địa phương tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Hình ảnh những bà mẹ, người chị buôn thúng bán bưng vận động nhau bỏ phiếu cho bà Huệ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí bà.

Bà Huệ tâm sự: “Lúc đó tôi mới vượt ngục trở về. Tôi diễn thuyết ở chợ, các bà đã tin tưởng nên bỏ phiếu cho tôi. Có bà thì biết chữ, có bà thì không biết chữ. Mấy bà biết chữ thì viết tên lên mấy lá chuối nguệch ngoạc”.

Cũng như Đại tá Nguyễn Văn Tòng, bà Ngô Thị Huệ, những người con miền Nam lúc bấy giờ, ai ai cũng một lòng hướng về cách mạng, đặt niềm tin vào chế độ mới của dân, do dân và vì dân.

Quần chúng khắp nơi sôi nổi trao đổi, để lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện của mình. Bất chấp bom đạn của giặc, nhiều nơi nhân dân phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình.

Bài học về quyền dân chủ

Cùng với mọi tầng lớp nhân dân, cử tri của tỉnh Quảng Bình khi đó đã hòa mình trong không khí sôi động của ngày Hội bầu cử, tạo ra mốc son lịch sử trong công cuộc chiến đấu, bảo vệ và xây dựng quê hương. Ở vùng cát tỉnh Quảng Bình, đồng bào cử tri phấn khởi đón ngày bầu cử như ngày hội lớn. Lần đầu tiên mọi người được thực hiện quyền công dân của một dân tộc vừa dành được độc lập, tự do.

Tại vào thời điểm đó, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vừa tròn 23 tuổi vinh dự được tín nhiệm giới thiệu vào đại biểu quốc hội Khóa I của tỉnh Quảng Bình, ông cho biết: “Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra ở Quảng Bình trong bầu không khí Cách mạng Tháng 8 sục sôi cho nên nhân dân Quảng Bình cũng như nhân dân cả nước như sống trong không khí ngày hội của toàn dân”.

Thực hiên nghiêm các sắc lệnh được ban hành, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta diễn ra trong không khí dân chủ tự do, đáp ứng nguyện vọng dân chủ cao nhất của nhân dân. Tại Quảng Bình có 5 đại biểu trúng cử Quốc hội Khóa I, trong đó có Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Các đại biểu Quốc hội đã nhanh chóng phát huy vai trò trách nhiệm được cử tri tín nhiệm giao phó.

“Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946 là bài học mà ngày nay chúng ta nên rút kinh nghiệm, đó là bài học về nhân dân làm chủ, nhân dân tự đứng lên làm chủ”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhấn mạnh.

Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nới lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa, tỉnh Quảng Bình đã có những bước tiến mới trên hành trình phát triển của đất nước, thành quả đó có sự đóng góp của các đại biểu, đại diện cho tiếng nói, ý chí nguyện vọng của nhân dân được khởi đầu từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, mốc son lịch sử của thể chế dân chủ Việt nam. 

Cách mạng tháng 8/1945 thành công và sự kiện Tổng tuyển cử diễn ra trong cả nước vào ngày 6/1/1946 để bầu ra Quốc hội đầu tiên đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son xác lập rõ ràng và thuyết phục về quyền làm chủ của nhân dân ta sau một thế kỷ bị mất tự do.

Thể lệ bầu cử và tên tuổi người ứng cử được ghi rõ và công bố công khai trên Báo Cứu Quốc cả tuần trước ngày diễn ra cuộc Tổng tuyển cử lịch sử. Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên là một trong số 333 đại biểu trúng cử Quốc hội khóa I. Đến giờ khi đã 92 tuổi, ông vẫn không thể quên cái không khí như ngày Hội làm chủ của nhân dân trong ngày lịch sử ấy.

Nhưng ngày bầu cử được diễn ra không chỉ toàn thuận lợi. Nhiều hành động dọa nạt cử tri, bắt cóc, ám sát các ứng cử viên do Việt Minh giới thiệu hòng phá hoại ngày bầu cử đã được các thế lực phản động tiến hành tại nhiều địa phương trong cả nước. Để bảo vệ quyền làm chủ của mình, không ít nơi lá phiếu bầu đã nhuốm máu cử tri.

Báo Cứu quốc khi đó ghi lại, ở Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ và Tây Nguyên, tổng tuyển cử diễn ra dưới trời bom đạn. Chỉ riêng ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã có 42 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong ngày bầu cử. Nhưng tất cả sự chống phá ấy đã không ngăn cản được khát vọng làm chủ của cả dân tộc.

Thể lệ cần 1/4 cử tri tham gia bỏ phiếu nhưng thực tế đã có tới gần 90% cử tri đi bầu. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử lịch sử được ghi nhận trên nhiều phương diện và đặc biệt, cùng với sự ra đời của Bản Hiến pháp đầu tiên được chính Quốc hội thống nhất thông qua chỉ vài tháng sau khi thành lập đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta.

Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 không chỉ là cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của dân tộc mà còn là lần đầu khẳng định quyền làm chủ, cũng như xác lập trách nhiệm và danh dự của người dân một nước độc lập, tự do. Thực tế, nhân dân ta đã bầu ra những đại biểu Quốc hội xứng đáng, một Quốc hội xứng đáng của mình, để từ đó, chính Quốc hội dân chủ ấy đã thành lập một Chính phủ hợp pháp để chăm lo đời sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
70 năm ký ức không phai mờ về ngày Tổng tuyển cử đầu tiên