7 nội dung về lĩnh vực thanh tra cần quán triệt thực hiện

Quốc Huy| 05/11/2022 17:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kết thúc phần chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ chiều 5/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận và nhấn mạnh 7 nội dung trọng tâm.

051120220844-chuan555555555.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung chất vấn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết: Phiên chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có 31 đại biểu chất vấn, có 8 đại biểu tranh luận. Do hết thời gian nên còn 29 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa được chất vấn, nên đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời bằng văn bản.

Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, cơ bản bám sát nội dung chủ đề đã đặt ra, có trọng tâm, trọng điểm, với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng, phản ánh được ý kiến trăn trở, bức xúc của cử tri và nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét, đồng thời đề nghị Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, khẩn trương triển khai thực hiện Luật Thanh tra (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản quy định chi tiết thi hành bảo đảm có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật Thanh tra (sửa đổi). Kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp các cơ quan thanh tra, đội ngũ thanh tra viên và người làm công tác thanh tra, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, có nhiệm vụ thanh tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và vi phạm pháp luật trong giai đoạn mới.

Thứ hai, tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn tiếp theo. Xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hàng năm, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.

Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm như lĩnh vực ngân hàng, quản lý và sử dụng đất đai, kinh doanh xăng dầu,... Quan tâm triển khai nghiêm túc các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tự xác định việc thanh tra đột xuất của cơ quan mình.

Thứ 3, đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành thanh tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra bảo đảm chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi. Tăng cường theo dõi, đôn đốc xử lý sau thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản, bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền.

Chuyển danh sách tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét xử lý theo quy định của Đảng. Tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra. Nâng cao chất lượng công tác giám sát, hoạt động của đoàn thanh tra. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra.

Thứ 4, phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước để trao đổi, thống nhất xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá một lần trên năm về một nội dung và với một đối tượng, một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

051120221141-z3854264176748_11e04d27e0fd168c33ecd45635e772c3.jpg

Thứ năm, quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là Kết luận số 12 ngày 06/4/2022 của Bộ Chính, Chỉ thị số 04 ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư. Khẩn trương xây dựng chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Sau năm 2025 thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số. Sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng đối với bộ, ngành Trung ương làm cơ sở để thống nhất đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Thứ 6, hoàn thiện các quy định về tăng cường các biện pháp chế tài để thu hồi tài sản tham nhũng. Tích cực, chủ động phối hợp trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ phục vụ cho việc tổ chức thi hành án. Thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng kinh tế. Tăng cường hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Thứ 7, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, liêm chính, trong sạch, có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực yên tâm công tác, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung tuyên truyền, phản ánh trung thực, kịp thời quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng cũng như việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà xã hội quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
7 nội dung về lĩnh vực thanh tra cần quán triệt thực hiện