Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định phân công 6 bệnh viện tuyến trung ương và 3 viện hỗ trợ y tế cho các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai.
* Đối với công tác khám chữa bệnh:
- Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ cho tỉnh Hà Tĩnh;
- Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới hỗ trợ cho tỉnh Quảng Bình;
- Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị;
- Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế hỗ trợ cho tỉnh Thừa Thiên - Huế;
- Bệnh viện C Đà Nẵng hỗ trợ cho TP Đà Nẵng;
- Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam hỗ trợ cho tỉnh Quảng Nam;
* Đối với công tác phòng, chống dịch
- Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị;
- Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường hỗ trợ cho các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế;
- Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ cho TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Mưa lũ lịch sử ở miền Trung gây thiệt hại lớn ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Theo Quyết định này, thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ có trách nhiệm liên hệ với Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố để cử các tổ, đội, tổ chức trực ban; duy trì lực lượng cơ động; dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện về cấp cứu y tế, vệ sinh môi trường và sẵn sàng tham gia ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương trong vùng. Thực hiện các chính sách, tài chính theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai.
Bộ Y tế cũng giao Vụ Kế hoạch Tài chính (Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp với Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý khám bệnh, chữa bệnh, Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 19/10/2020.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong vòng 30 ngày (từ giữa tháng 9 đến nay), 8 tỉnh, thành phố miền Trung (từ Nghệ An đến Quảng Ngãi) đã liên tiếp chịu ảnh hưởng của 8 loại hình thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất) do 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới, kết hợp với các hình thế thời tiết cực đoan khác, đã gây 2 đợt mưa lớn kéo dài. Lũ lớn xuất hiện trên 14 tuyến sông chính, trong đó có 4 tuyến sông, lũ đã vượt mức lịch sử, khu vực miền núi nhiều nơi đã bị sạt lở đất nghiêm trọng. Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng (bão chồng bão, mưa lũ chồng mưa lũ) đã, đang tác động, ảnh hưởng đến tất cả các tuyến từ ngoài Biển Đông đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi trong thời gian dài. Ngập lụt đã diễn ra trên diện rộng, lúc cao nhất vào ngày 12/10 và 18/10 với 260.322 hộ dân bị ngập tại 6 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Tối 19/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thông tin, 3 tỉnh thiệt hại về người nhiều nhất là Quảng Trị 48 người, Thừa Thiên Huế 27 người và Quảng Nam 11 người. Đến 16h chiều nay, ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có 166.780 hộ dân đang bị ngập, đã sơ tán hơn 28.900 hộ với khoảng 90.900 người. |