55 năm ASEAN: Hành động kết nối vì một ASEAN thịnh vượng

Nhật Minh| 08/08/2022 22:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ban Thư ký ASEAN tổ chức trang trọng Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN; Thủ tướng Campuchia kêu gọi ASEAN đoàn kết trong thông điệp nhân Ngày ASEAN; Ngoại trưởng Malaysia đề xuất 7 sáng kiến cần thiết để thực thi hiệu quả hơn công tác hỗ trợ nhân đạo... là một số sự kiện nổi bật diễn ra trong Ngày ASEAN.

* Ngày 8/8, Ban Thư ký ASEAN đã tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN (8/8/1967 - 8/8/2022) với sự tham dự của Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi và Ngoại trưởng Indonesia Retno Masurdi.

Đây là sự kiện kỷ niệm ngày thành lập Hiệp hội được Ban Thư ký ASEAN tổ chức trực tiếp lần đầu tiên sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh rằng, điều này chính là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Đông Nam Á đang dần mở cửa hoạt động trở lại một cách an toàn và hiệu quả.

lim_jock_hoi.jpg
Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi phát biểu tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ASEAN

Buổi lễ diễn ra trang trọng, ấm cúng với nghi lễ thượng cờ ASEAN, trình chiếu video về các mốc lịch sử của Hiệp hội, cắt bánh kỷ niệm, trao Học bổng ASEAN-Maybank, cùng các tiết mục văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của các cán bộ Ban Thư ký ASEAN và các nghệ sĩ nổi tiếng trong khu vực.

Trong phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim nhấn mạnh rằng lịch sử 55 năm tồn tại và phát triển của ASEAN cho thấy chỉ khi hợp tác cùng nhau, các nước khu vực mới có thể đạt được sự thịnh vượng kinh tế, tiến bộ xã hội và hòa bình lâu dài. Thông điệp này cũng được thể hiện rõ trong chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia “ASEAN hành động: Cùng ứng phó các thách thức”.

Tổng Thư ký Dato Lim cho rằng nhờ ứng phó hiệu quả với đại dịch và thực hiện theo Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai, ASEAN đã trở thành một cộng đồng mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và linh hoạt hơn. Nhấn mạnh các kết quả ấn tượng mà ASEAN đã đạt được, ông Dato Lim nêu rõ, trao đổi thương mại của khu vực đã trở lại mức trước đại dịch và kinh tế ASEAN được dự báo sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay và 5,2% vào năm tới.

Trong khi đó, việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào đầu năm nay thể hiện vai trò nòng cốt của ASEAN trong việc đóng góp vào hòa bình và tăng trưởng của khu vực, cũng như cải thiện cuộc sống của người dân và mang lại cơ hội cho tất cả mọi người.

Mặc dù vậy, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim cũng lưu ý, ASEAN vẫn cần cảnh giác với những rủi ro hiện hữu, bao gồm sự gián đoạn nguồn cung các mặt hàng quan trọng, giá cả lương thực và chi phí hậu cần gia tăng, cũng như suy giảm kinh tế ở các nền kinh tế lớn, có nguy cơ đẩy nhiều người hơn lâm vào cảnh đói nghèo cùng cực trừ khi được giải quyết thỏa đáng.

Theo ông Dato Lim, ASEAN cần tiếp thu những kinh nghiệm trong quá khứ để chuẩn bị tốt hơn cho những cú sốc trong tương lai. Trong đó, bài học quan trọng rút ra từ đại dịch COVID-19 là cách tiếp cận toàn cộng đồng đối với những vấn đề này, cụ thể là tăng cường cam kết hội nhập và hợp tác trong bối cảnh các mối liên kết toàn cầu đang trở nên phức tạp hơn, đồng thời giữ vững sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực và toàn cầu.

Tổng Thư ký Dato Lim nhấn mạnh: ASEAN cần đảm bảo thực hiện hiệu quả sáng kiến về số hóa, khẳng định rằng điều này sẽ cho phép các nước khu vực tạo ra một nền kinh tế kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ với 463 triệu người dùng Internet hiện nay và dự kiến đạt 300 tỷ USD vào năm 2025.

ASEAN cần tiếp tục nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh trong động lực tăng trưởng mới này bằng cách đầu tư vào nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo kỹ năng, tạo cơ hội cho thanh niên tham gia vào việc hoạch định chính sách; đồng thời cần đẩy nhanh chương trình nghị sự xanh của mình.

* Cũng trong ngày 8/8, trong thông điệp đưa ra nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết với vai trò Chủ tịch ASEAN 2022, Campuchia cam kết giữ vững và thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của khối nhằm giải quyết những thách thức chung trong khu vực, cũng như tăng cường góp phần vì sự phát triển bền vững, an ninh, ổn định, hòa bình khu vực và toàn cầu.

thu-tuong-campuchia-samdech-techo-hun-sen.jpg
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các hội nghị liên quan

“ASEAN cần giữ vững đoàn kết để hợp tác cùng có lợi. Chúng tôi kiên quyết tập trung vào những hành động kết nối chúng ta với nhau vì một khu vực ngày càng thịnh vượng”, Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh.  

Ông Hun Sen nhận định, ASEAN đã đóng vai trò là một diễn đàn mở để tham vấn và đối thoại mang tính xây dựng, góp phần to lớn vào việc gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực.

Theo Thủ tướng Hun Sen, trong hơn 2 năm đại dịch COVID-19, ASEAN đã có thể vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu này cũng như những tác động tiêu cực đối với y tế công, xã hội, kinh tế và sinh kế của người dân. ASEAN đã đưa ra nhiều sáng kiến để hạn chế các tác động của cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN nhằm bảo vệ đời sống của người dân, cũng như duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.

Với cương vị là Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2022, Thủ tướng Hun Sen khẳng định ASEAN đang ở giai đoạn phục hồi; đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng ASEAN có thể phát huy sức mạnh, sự đoàn kết và tình hữu nghị để vượt qua mọi thách thức vì lợi ích chung của tất cả người dân và toàn khu vực, phù hợp với tinh thần cốt lõi của ASEAN cùng nhau thúc đẩy "Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng".

* Cũng nhân kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah đã có bài viết được đăng tải trên nhiều tờ báo lớn của nước này với tiêu đề “Tăng cường hỗ trợ nhân đạo”, trong đó ông đề xuất 7 sáng kiến cần thiết để thực thi hiệu quả hơn công tác hỗ trợ nhân đạo.

saifuddin-abdullah-08082022.jpg
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah

Trong bài viết của mình, Ngoại trưởng Saifuddin cho rằng hỗ trợ nhân đạo nhằm mục đích cứu sống con người, giảm thiểu đau thương và duy trì phẩm giá con người trong và sau thảm họa (do thiên nhiên hoặc do con người gây ra). Hỗ trợ nhân đạo cũng nhằm mục đích ngăn chặn thảm họa tái diễn và tăng cường chuẩn bị ứng phó trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, đôi khi, viện trợ nhân đạo thông qua việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ không phải là nhu cầu thực tế của nạn nhân, do vậy đã gây ra tình trạng lãng phí và làm ảnh hưởng đến yếu tố tích cực của hoạt động này.

Để làm tốt hơn công tác hỗ trợ nhân đạo, Ngoại trưởng Saifuddin đề xuất 7 cải tiến cần thiết. Cụ thể: Lấy thông tin chính xác từ các nguồn tin địa phương; Lắng nghe tiếng nói của các nạn nhân; Xác định mức độ ưu tiên; Nâng cao tính chuyên nghiệp của các tình nguyện viên, nhân viên và các cơ quan chính phủ; Khắc phục bệnh quan liêu; Tăng cường hợp tác giữa ba khu vực (nhà nước, doanh nghiệp và xã hội dân sự); Thiết lập một khuôn khổ về trách nhiệm giải trình, minh bạch và đánh giá (tài trợ, các công trình thực tế...).

Theo ông Saifuddin, điều hành hoạt động hỗ trợ nhân đạo dựa trên các nguyên tắc chính như lòng nhân đạo, tính trung lập và độc lập, do vậy có 10 loại viện trợ nhân đạo gồm viện trợ trong thảm họa, nơi ở, thực phẩm, thiết bị, nước sạch, vệ sinh, y tế, trẻ em, người tị nạn và giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
55 năm ASEAN: Hành động kết nối vì một ASEAN thịnh vượng