Kinh tế

5 nghề thường bận rộn sau bão

Trần Khanh 08/09/2024 - 21:18

Sau khi bão tan, nhà cửa và tài sản của người dân thường bị hư hại. Để sớm ổn định cuộc sống, các gia đình ngay lập tức bắt tay dọn dẹp, đôn đốc gọi thợ đến sửa chữa, thay thế những thiết bị đồ dùng sinh hoạt. Dưới đây là 5 nghề thường bận rộn sau bão, do nhu cầu tăng đột biến.

Thu mua sắt vụn

Nhà khung thép, mái tôn hiện đang được nhiều người ưa chuộng bởi việc thi công nhanh chóng, giá thành rẻ, không cần đổ móng kiên cố tốn kém chi phí. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân lựa chọn lợp tôn kẽm mạ màu để chống nóng mái nhà, làm mái che trước sân, thay thế mái bê tông cần đòi hỏi nhiều kỹ thuật.

Tuy nhiên, khi xảy ra bão to, gió lớn, thì mái tôn và khung thép thường bị thiệt hại nặng nề. Hơn nữa, mái tôn khi bị thổi bay sẽ bị cong vênh, móp mép biến dạng, khó có thể tái sử dụng.

img_2316.jpeg
Các điểm thu mua sắt vụn tất bật thu gom sau khi bão tan. Ảnh Trần Khanh.

Lúc này, gia chủ chỉ có thể bán tôn kẽm, khung sắt dưới dạng sắt vụn với giá chỉ 8-10 nghìn đồng/kg, trong khi mua mới giá cao hơn gấp nhiều lần.

Bão thường đổ bộ khu vực đất liền đông dân cư, nên nhiều nhà dân bị thiệt hại cùng lúc rất phổ biến. Bởi nhu cầu dọn dẹp sắt vụn tăng cao đột biến, nên nghề thu gom mua sắt vụn bỗng dưng nhộn nhịp khách liên hệ.

Thợ cơ khí

Sau khi bão tan, nhiều gia đình bị gió to làm bay mái tôn, sập nhà khung thép, gãy cột đèn, đổ cổng ra vào... Do đó, nhu cầu gọi thợ cơ khí đến sửa chữa tăng đột biến.

img_2298(1).jpeg
Toàn bộ nhà khung thép, mái tôn bị đổ sập sau cơn bão YAGI cần thợ cơ khí có chuyên môn và dụng cụ đến sửa chữa. Ảnh Trần Khanh.

Anh Nguyễn Minh Quang - thợ cơ khí chuyên thi công xây dựng nhà khung thép, lợp mái tôn cho biết: "Trong 1-2 tuần sau khi có dông bão lớn, thợ cơ khí thường rất bận rộn, làm từ sáng sớm đến tối muộn vẫn chưa hết việc do nhu cầu sửa chữa, lợp lại mái nhà tăng cao. Ngày thường thuê công thợ khoảng 500 nghìn đồng/ngày, nhưng sau bão có thể tăng lên 700-900 nghìn đồng/ngày mà còn phải chờ 1-2 hôm mới có thể thi công".

Thợ xây dựng

Hậu quả sau những trận bão thường khá nặng nề, khó có thể lường trước nguy hiểm bất ngờ ập đến. Trong trường hợp mái tôn bị gió thổi bay, thì phần tường xây gạch còn lại thường bị lung lay, nứt vỡ có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình thích sử dụng mái ngói chống nóng, nhưng khi gặp bão to rất dễ bị thổi bay. Lúc này, chỉ có thợ xây dựng mới có chuyên môn, kỹ thuật để thi công sửa chữa lại.

img_2310.jpeg
Căn nhà trên địa bàn xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí bị bão YAGI thổi bay phần mái, tường hư hỏng nặng. Ảnh Hoàng Điền.

Ông Trần Đức Thắng (trú tại TX. Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho hay, cơn bão số 3 YAGI vừa thổi bay mái ngói đỏ diện tích khoảng 20m2. Điều quan trọng nhất bây giờ là sớm mua vật liệu thay thế, nhanh chóng gọi thợ đến sửa chữa. Tuy nhiên, cùng lúc có nhiều nhà bị bão thổi bay mái, nên gọi thợ đến thi công cũng phải chờ. Dù có thuê thợ giá cao hơn, nhưng nếu quen biết từ trước mới được ưu tiên làm sớm.

Thợ sửa xe máy

Bão xuất hiện thường đi kèm với mưa lớn, do đó việc ngập lụt trên các tuyến phố rất phổ biến. Tranh thủ những lúc người dân dắt bộ, loay hoay tìm chỗ sửa xe vì bị ngập nước chết máy, nhiều thợ sửa xe không chuyên và chuyên nghiệp bỗng dưng bận rộn với nghề. Nhiều thợ sửa xe tranh thủ kiếm thêm thu nhập gấp 2-3 lần so với ngày thường.

img_2321.jpeg
Nghề sửa xe máy sau mưa bão thường rất đông khách, thu nhập khá ổn không cần nhiều dụng cụ hiện đại.

Anh Nguyễn Hải Anh - xe ôm kiêm thợ sửa xe “bán chuyên” tại ngã tư An Dương, phố Tô Hiệu giao cắt phố Tôn Đức Thắng (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) chia sẻ, trong 4 tiếng buổi sáng, nhiều xe máy cố vượt qua đoạn đường ngập sâu gần đầu gối nhưng bị chết máy phải dắt bộ. Sinh sống nhiều năm tại đây, biết rõ quy luật mưa bão to là nhiều xe máy dắt bộ, nên anh Hải Anh cùng người bạn thân thường xuyên mang bộ đồ nghề ra đây làm thêm.

Theo anh Hải Anh, công việc bận luôn tay luôn chân, hết xe này lại đến xe khác mỗi xe thu 20 nghìn đồng cho việc sửa nổ, còn nếu thay bugi thì khoảng 60 nghìn đồng/xe, thu nhập từ 500 nghìn đến 1 triệu sau vài tiếng làm thêm là chuyện bình thường.

Thợ sửa ô tô

Nhiều chủ xe sau khi mua ô tô thường để ngoài đường, dưới gốc cây có bóng mát nên khi gặp mưa bão thường bất lực với thiên tai. Không chỉ vậy, trong quá trình di chuyển trên đường, ô tô thường gặp phải sự cố không mong muốn như đi vào khu vực nước sâu ngập lụt, hoặc bất ngờ bị cành cây rơi trúng làm hỏng phương tiện.

d6134035-bdf6-4c5c-a433-881b868dcc26.jpeg
Mặc dù cẩn thận đỗ xe dưới mái tôn, nhưng cành cây bị gió thổi làm đổ bức tường, văng lên xe ô tô khiến chủ xe không thể ngờ tới. Ảnh MXH.

Sau những trận mưa bão, các thợ sửa chữa lưu động thường làm việc hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Thậm chí, nhiều chủ xe phải để lại phương tiện trên đường để chờ hôm sau thợ sửa chữa đến cứu hộ.

Nặng hơn, nhiều ô tô còn phải chờ thợ sửa chữa thêm nhiều ngày mới có thể khắc phục được hư hỏng. Do nhu cầu tăng cao đột biến, nên chi phí công thợ sửa chữa cao hơn ngày thường cũng là điều dễ hiểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 nghề thường bận rộn sau bão