Chủ trương của Thủ tướng về việc chuyển Công ty cơ khí ô-tô ra ngoài thành phố Hà Nội đã bị lãng quên khi doanh nghiệp “đàn anh” thuộc Vinamotor vì lợi nhuận mà thôn tính “người em” nghèo khó, đẩy hơn 400 công nhân ra đường trước nguy cơ nơi sản xuất duy nhất của họ bị chiếm đoạt...
Chủ trương của Thủ tướng bị... phớt lờ
Năm 2004, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là di chuyển nhà máy ra khỏi nội thành, Công ty Cổ phần cơ khí 120 (Công ty 120), bàn giao đất tại 609 Trương Định- Hà Nội cho một DN khác để xây dựng chung cư và di chuyển về Hưng Yên, thuê 15ha đất, thực hiện dự án sản xuất ca bin thùng xe và phụ tùng ôtô. Tháng 7-2009, viện dẫn một dự án con của Công ty 120 để “bẻ cong” luật pháp, UBND tỉnh Hưng Yên đã thu hồi toàn bộ khu đất này và chỉ hơn một tháng sau khi có thông báo, UBND tỉnh Hưng Yên bất ngờ giao lại toàn bộ khu đất đó cho Công ty ôtô TMT (cũng thuộc Vinamotor) để DN này thực hiện dự án sản xuất, lắp ráp các loại ô tô mang nhãn hiệu Hyundai.
Theo ông Vũ Việt Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty 120, theo quy định của Luật Đất đai, thì dự án chỉ bị thu hồi khi chậm tiến độ hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất. Trên thực tế, đến ngày bị thu hồi đất (15-7-2009) dự án mà Công ty 120 thực hiện mới chỉ chậm tiến độ 14 tháng.
Trước khi bị thu hồi, Công ty 120 và cả lãnh đạo Vinamotor đã nhiều lần có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Hưng Yên xin cho Công ty tiếp tục thực hiện dự án, nhưng không được chấp nhận. Thực tế giờ đây Công ty 120 lâm vào bước đường cùng bởi trụ sở tại Trương Định (Hà Nội) thì đã chuyển cho đơn vị khác, chỉ còn cơ sở duy nhất ở Hưng Yên để tổ chức sản xuất thì bị thu hồi, hơn 400 lao động có nguy cơ... ra đường, không biết làm gì, ở đâu?
Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT Công ty 120 Vũ Việt Hưng khóc dở mếu dở khi bị chính quyền Hưng Yên thu hồi đất
Chủ trương của Thủ tướng Chính phủ di dời các nhà máy cơ khí ra khỏi nội thành Hà Nội là chủ trương đúng và doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện. Nhưng hoạ vô đơn chí, giờ đây họ đã rơi vào cảnh “khóc dở mếu dở” mà không ai quan tâm. Nguy hiểm hơn, gần đây UBND tỉnh Hưng Yên còn có một báo cáo thiếu khách quan gửi Chính phủ giải trình sự việc. Tuy nhiên báo cáo này cũng “phớt lờ” chuyện thu hồi đất thì 400 lao động kia sẽ ở đâu, chủ trương di dời nhà máy của Thủ tướng có còn được thực hiện không? Và gần đây, khi báo chí đưa tin về sự việc, UBND tỉnh cũng mới “chữa cháy” bằng việc thành lập đoàn thanh tra vấn đề định giá bồi thường khi thu hồi đất. Đến nay, những khuất tất của việc định giá quá thấp, chênh lệnh hàng chục tỷ đồng vẫn chưa được làm rõ.
Trong công văn trả lời, ông Đặng Minh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên không hề lý giải tại sao không chấp nhận kiến nghị của Công ty 120, tại sao chưa hết hạn vẫn thu hồi đất cũng như không hề “đếm xỉa” đến tình cảnh của hơn 400 lao động phần lớn là công nhân cơ khí nghèo khó, với thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng, nhiều thế hệ trong một gia đình đều dựa vào nhà máy và cơ sở duy nhất tại Hưng Yên.
400 công nhân sẽ về đâu?
Trong khi không thuyết phục được UBND tỉnh Hưng Yên cho Công ty 120 tiếp tục thực hiện dự án, không còn cách nào, 2 lãnh đạo cao nhất của Công ty là ông Vũ Việt Hùng và ông Nguyễn Văn Thắng, đã nhiều lần đến gõ cửa phòng ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch HĐQT Công ty ô tô TMT (cũng đóng trên địa bàn Hưng Yên), xin lãnh đạo Công ty này buông tha, cho Công ty 120 một con đường sống. “Nhưng ông Hữu cũng từ chối thẳng thừng, không thèm tiếp chuyện chúng tôi”. Ông Hùng tâm sự.
Xét trên quan hệ, Công ty Cổ phần ô tô TMT và Công ty 120 cùng một mẹ là Vinamotor. Và mới chỉ cách đây vài năm, lãnh đạo Công ty 120 còn cho Công ty TMT mượn mặt bằng để xe ô tô xuất xưởng.
Theo ông Thắng, lý do mà Công ty ô tô TMT muốn “thôn tính” hơn 15 ha đất của Công ty 120, vì năm 2009-2010, Công ty này kỳ vọng sẽ ký kết được với tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe Hyundai độc quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó phía Hyundai Hàn Quốc không chọn Công ty TMT mà chọn Hyundai Thành Công. Được biết, nếu việc thu hồi xong xuôi, một m2 đất sạch tại đây hiện có giá khoảng 1,2 triệu đồng. Quy ra, sau thu hồi, nếu người nhận dự án mới bán qua tay cũng được lời hàng chục tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty 120 đã lắp đặt và xây dựng hàng chục ngàn m2 nhà xưởng. Trên mảnh đất đó, Công ty cũng đã lắp đặt dây chuyền CNC chuyên sản xuất cột điện cao thế và đang thực hiện dự án sản suất cột cao thế cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Kế toán trưởng, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty 120 nói: “Hơn 400 lao động, mà đằng sau họ là cuộc sống của hơn 400 gia đình, rồi đây không biết phải làm gì, sống ra sao nếu tỉnh Hưng Yên vẫn quyết thu hồi dự án”.
Chí Quang