Trong khoảng 13.000 cơ sở y tế trên cả nước có khoảng 60% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn, 40% còn lại vẫn chưa đạt.
Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại hội thảo góp ý cơ chế thuê dịch vụ xử lý chất thải y tế trong các bệnh viện công lập tại Hà Nội. Điều đó cho thấy, việc đầu tư nguồn lực cho hệ thống xử lý chất thải y tế chưa được như mong muốn. Hơn nữa, vẫn còn bệnh viện không quan tâm đúng mức vấn đề này nên không đầu tư.
Xử lý rác thải y tế bằng lò đốt.
Theo dự thảo Quyết định quy định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế trong các bệnh viện công lập, các bệnh viện công lập trên cả nước sẽ được phép thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế, bảo đảm yêu cầu nước thải đầu ra sau xử lý phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Kinh phí chi trả thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, kinh phí đầu tư xử lý nước thải y tế của các bệnh viện hiện nay chủ yếu từ ngân sách nhà nước, quy mô đầu tư dưới 20 tỷ đồng.
Ngoài tình trạng đa số bệnh viện thiếu kinh phí để đầu tư (400 bệnh viện có nhu cầu đầu tư) thì một tồn tại nữa là nhiều bệnh viện đã được đầu tư nhưng thiếu năng lực quản lý vận hành (không có cán bộ chuyên môn, nhân viên phụ trách không ổn định, nhiều hệ thống hỏng hóc không được bảo hành, bảo trì kịp thời)... dẫn đến chất lượng xử lý nước thải y tế chưa cao.
Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mục tiêu Bộ Y tế đặt ra đến năm 2020 là 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu về môi trường.
Trước vấn đề còn tồn tại về vận hành xử lý nước thải y tế, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ban hành cơ chế chính sách đặc thù về xử lý chất thải y tế và xây dựng nội dung dự thảo Quyết đinh, dự thảo Tờ trình Quyết định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế trong các bệnh viện công lập, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện.