Theo đó, hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ nền kinh tế mà chính phủ Việt Nam đang thực hiện, hiệu quả từ quá trình tái cơ cấu, Hiệp định thương mại TPP và khả năng nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam là 4 nhân tố hỗ trợ chính.
Ông Yun Hang Jin |
Theo vị chuyên gia này, các chính sách hỗ trợ của chính phủ như tiếp tục nới lỏng tiền tệ, đẩy mạnh hỗ trợ bất động sản (BĐS), miễn giảm thuế, nâng tỷ giá…sẽ là điều kiện tiên quyết tác động tích cực lên nền kinh tế.
Cụ thể hơn, ở chính sách tiền tệ sẽ là tăng thanh khoản bằng cách khuyến khích NHTM đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hạ lãi suất điều hành thêm 1-2 lần. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng năm 2014 có thể được nâng thêm 1-2% nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Đối với việc nâng trần thâm hụt ngân sách (4.8% - 5.2%) chủ yếu là để chi trả nợ và do thất thu thuế từ việc miễn giảm, giãn thuế TNDN hơn là nhằm mục đích tăng đầu tư công.
Riêng lĩnh vực BĐS là sự xúc tiến ở quy định nới lỏng điều kiện dành cho người nước ngoài, đẩy mạnh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội, đồng thời mở rộng đối tượng cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội.
Trong lĩnh vực ngân hàng, cụ thể là đề án tái cơ cấu nợ xấu thông qua Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), ông Yun Hang Jin cho rằng trên thực tế VAMC xử lý nợ xấu theo kiểu “mua thời gian”, lượng tiền được đẩy ra nền kinh tế chỉ ở mức hạn chế. Cụ thể, VAMC mua nợ xấu với tỷ lệ chiết khấu có 7%, thiếu phương án cụ thể về việc xử lý nợ đã mua lại ngoài dự kiến Buy-back, trong khi các NHTM đang chơi trò “đánh bài tiền” với NHNN (lãi vay khi cầm cố trái phiếu của VAMC là 5% so với lợi suất trái phiếu 6-6.5%).
Vị chuyên gia này còn cho rằng Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đi đến thỏa thuận cuối cùng vào tháng 4/2014. Khi đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn từ ngành xuất khẩu do thuế xuất khẩu chỉ bằng 0. Tuy nhiên, hiệu quả của TPP không ảnh hưởng ngay đến ngành xuất khẩu do các nước thành viên còn cần thời gian để thông qua và ban hành các luật định. Bên cạnh đó, để tham gia vào TPP, Việt Nam phải tuân thủ một số điều kiện mới có thể được hưởng lợi từ miễn giảm thuế xuất khẩu.
Mặc dù chưa ảnh hưởng ngay nhưng việc tham gia TPP sẽ tác động đến tâm lý, các nhà đầu tư kỳ vọng ngành xuất khẩu tăng trưởng mạnh và sẽ tham gia bỏ vốn đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, ông Yun Hang Jin cho biết thêm.
Nhân tố cuối cùng theo ông Yun Hang Jin có tác động lên TTCK Việt Nam là dòng vốn đầu tư nước ngoài. Xét trong vòng 3 năm gần đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng gia tăng đáng kể do Trung Quốc tái cơ cấu và nguồn vốn nước ngoài rút ra khỏi nước này, Nhật Bản đang có xu hướng đẩy mạnh cung tiền ra thị trường nhưng theo ông thống kê là dòng tiền này vào Việt Nam tương đối lớn. Bên cạnh đó, kỳ vọng vào TPP cũng đưa nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng.
Với việc dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng sẽ giúp tỷ giá ổn định và duy trì hệ thống tài chính ổn định, điều này sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài giải ngân vào TTCK Việt Nam.
Nhận định triển vọng TTCK năm 2014, ông Yun Hang Jin dự báo VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm nhờ dòng vốn nhà đầu tư cá nhân và lực mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Về cơ bản, VN-Index còn đủ lực để tăng thêm khoản trên dưới 25% so với năm 2013.
Duy Hoàng ghi