4 giải pháp nâng cao nguồn nhân lực đồng bào dân tộc

Đặng Hà| 24/12/2020 10:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo thống kê, tỷ lệ trong độ tuổi lao động qua đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đạt gần 18,3% (thấp hơn 4,8% so với tỷ lệ chung cả nước); nhân lực trình độ đại học đạt khoảng 8,3% (thấp hơn 1% so với tỷ lệ chung cả nước).

Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tại 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, số thí sinh là người dân tộc trúng tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2019 là 1305 sinh viên, chiếm tỷ lệ 4,37% tổng số thí sinh của 3 tỉnh trúng tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2019, thấp hơn mức trung bình chung của cả nước là 5,53%.

Để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giải pháp căn cơ và bền vững là phải phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực này. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập tới 4 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

img_4024.jpg
Ảnh minh họa. NC

Trước hết, cần thực hiện hiệu quả chính sách “cử tuyển”. Theo Bộ trưởng, cử tuyển là cần thiết, song cần nâng cao hiệu quả của chính sách này, tránh gây lãng phí nguồn lực, ngân sách nhà nước và người học sau khi tốt nghiệp không bố trí được việc làm hoặc không làm được việc vì chất lượng kém.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cần lựa chọn, giám sát chặt chẽ các đối tượng tham gia chính sách cử tuyển, đảm bảo thực sự cần thiết, xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các huyện, xã, thôn/bản.

Chỉ nên thực hiện với con em vùng đồng bào dân tộc rất ít người và một số dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp, chưa có hoặc có rất ít người tham gia trong hệ thống chính trị của địa phương và phải gắn liền với việc bố trí công việc sau khi tốt nghiệp cho người học để tránh lãng phí.

“Những đối tượng cử tuyển cần phải đảm bảo chất lượng đầu vào của các cơ sở đào tạo, trường hợp chưa đủ chuẩn phải học dự bị đảm bảo chuẩn mới được đào tạo. Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở đào tạo tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhưng không “du di” về chất lượng để thực hiện tốt chính sách này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Giải pháp thứ hai là thông qua “đặt hàng” đào tạo và đào tạo lại nhân lực đang làm việc tại các huyện, xã, thôn bản của 3 tỉnh. Bộ trưởng cho biết, tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh hiện có 20 trường đại học và cao đẳng, 01 phân hiệu Trường đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa, với tổng số gần 200 ngành đào tạo, quy mô đào tạo gần 50 nghìn sinh viên, có thể đáp ứng tốt nhu cầu học đại học của con em đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của 3 tỉnh này.

Việc đặt hàng phải tuân thủ các quy định chung về tuyển sinh của các trường để đảm bảo chất lượng đầu vào. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động phối hợp với các trường trong quá trình đào tạo, nhất là việc tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập và làm quen với công việc tại địa phương.

Để “ươm tạo tài năng” và tạo nguồn chất lượng cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập đến giải pháp thứ ba là các địa phương cần tiếp tục quan tâm hơn tới đầu tư phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn.

Đây không chỉ là cơ sở giáo dục đơn thuần, mà còn là mô hình giáo dục tập trung rất hiệu quả để thu hút, nuôi dưỡng, giáo dục và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho đồng bào dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số.

Bộ Trưởng Nhạ cũng góp ý, trong điều kiện ngân sách cho phép, các tỉnh nên xem xét có chính sách học bổng hay hỗ trợ riêng đối với con em vùng đồng bào dân tộc, miền núi trong quá trình học tập.

“Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang triển khai chương trình “kết nối thiện nguyện”, qua đó tìm kiếm các nguồn lực để hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục và các em học sinh có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số”, Bộ trưởng cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
4 giải pháp nâng cao nguồn nhân lực đồng bào dân tộc