35% bệnh nhân Covid-19 nặng chưa tiêm vaccine

Chí Tâm| 31/08/2022 20:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Y tế cho biết, qua đánh giá các ca bệnh Covid-19 nặng và tử vong có khoảng 35% số ca bệnh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường rà soát, truyền thông, tiêm vaccine cho người dân.

Bộ Y tế cho biết, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.408.952 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.980 ca nhiễm).

Đến nay, tổng số người mắc Covid-19 được điều trị khỏi ở nước ta là 10.170.271 ca; Trong số các bệnh nhân đang theo dõi, điều trị, số trường hợp thở oxy là 137 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 124 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca. Số bệnh nhân nặng này tăng thêm khoảng 30 trường hợp so với ngày trước đó.

vid.jpeg
Điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại TP.HCM

Thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 mới, số ca phải nhập viện, số ca nặng đang có chiều hướng gia tăng, nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của virus (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc, lại xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng, nguy cơ cao xâm nhập các bệnh dịch mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ...

Bộ Y tế đánh giá, từ đầu tháng 8 đến nay, số ca mắc mới đang có xu hướng tăng dần với các biến thể phụ mới của chủng Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) trung bình khoảng 2.000 ca mắc mỗi ngày cùng với đó số ca nặng, nguy kịch cũng gia tăng và xuất hiện các ca tử vong do Covid-19.

Tại một số địa phương, việc tiêm vaccine chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi còn thấp.

Trong khi Bộ Y tế thông tin, qua đánh giá các ca bệnh Covid-19 nặng và tử vong, có khoảng 35% số ca bệnh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế đề nghị tăng cường rà soát và triển khai truyền thông và tiêm vaccine cho người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Để giảm nguy cơ chuyển nặng, hạn chế tối đa tử vong và bảo vệ đối tượng nguy cơ, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương rà soát kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 của tỉnh, đơn vị. Có kế hoạch phân công cụ thể tới từng đơn vị số giường bệnh Covid-19 để thu dung, điều trị người bệnh có chỉ định nhập viện theo nguyên tắc 4 tại chỗ. Bố trí nhân lực theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh nhập viện, phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời hạn chế tử vong.

Cùng với đó, tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, với tuyến trên để xin ý kiến về chuyên môn, hạn chế tối đa chuyển người bệnh lên tuyến trên. Các ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ với bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển và bảo đảm an toàn đối với người bệnh chuyển viện.

Tại các cơ sở điều trị, tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…

Các ca nặng, nghi mắc Covid-19 nằm tại các bệnh viện khuyến cáo thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán, tránh bỏ sót để dịch bệnh lan rộng.

Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị Covid-19 cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh nặng nhập viện hiện nay và gửi xét nghiệm giải trình tự gen để đánh giá mức độ nặng, nguy kịch, báo cáo Bộ Y tế xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn.

Theo các chuyên gia y tế, chi phí cho điều trị ca Covid-19 nặng rất lớn do phải áp dụng rất nhiều phương pháp kỹ thuật cao, tốn nhiều tiền mới có thể cứu sống bệnh nhân.

Ví dụ, một ca phải can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo, còn gọi là oxy hóa màng ngoài cơ thể) chi phí trung bình là 400-500 triệu đồng cho một đợt điều trị, can thiệp kéo dài có thể lên tới vài tỷ đồng. Chi phí thở máy trung bình là 100-200 triệu đồng, có thể tăng thêm nếu bệnh nhân phải lọc máu (và còn tùy thuộc lọc máu liên tục hay không, lọc máu trong thời gian bao lâu). Ngoài ra, còn nhiều chi phí khác như thuốc men, chạy thận nếu cần... chưa kể bệnh nhân cao tuổi phụ thuộc chăm sóc y tế dài hạn sau khi khỏi Covid-19.

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Y tế đánh giá dịch bệnh đã được kiểm soát, khống chế, tuy nhiên cảnh báo những biến chủng tiếp tục xuất hiện. Covid-19 vẫn vô cùng nguy hiểm đối với người cao tuổi, trẻ em, những người có bệnh lý nền; tạo thành gánh nặng cho gia đình khi phải điều trị lâu ngày.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân tuân thủ lịch tiêm, các mũi tiêm (cơ bản, bổ sung, nhắc lại) vaccine Covid-19 và tiếp tục áp dụng các biện phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, khử khuẩn... theo thông điệp "Vaccine + 2K".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
35% bệnh nhân Covid-19 nặng chưa tiêm vaccine