Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, các địa phương đã thống kê thiệt hại tính đến 22 giờ ngày 11/9/2024 có 326 người chết, mất tích (181 người chết, 145 người mất tích).
Như vậy, số người chết và mất tích tăng 2 người so với cập nhật thống kê lúc 18 giờ ngày 11/9 (tỉnh Quảng Ninh cập nhật thêm 2 người chết do bão).
Cụ thể: Lào Cai: 183 người (72 người chết, 111 người mất tích), gồm: Bảo Yên 113, Sa Pa 9, Bát Xát 18, Si Ma Cai 7, Bắc Hà 34, Văn Bàn 2. Cao Bằng: 52 người (34 người chết, 18 người mất tích).
Yên Bái: 44 người (40 người chết, 4 người mất tích), gồm: thành phố Yên Bái 21, Lục Yên: 14, Văn Yên 6, Văn Chấn 1, Trấn Yên 2.
Quảng Ninh: 15 người chết.
Hải Phòng: 2 người chết do bão.
Hải Dương: 1 người chết do bão. Hà Nội: 1 người chết do bão.
Hòa Bình: 5 người chết do sạt lở đất.
Lạng Sơn: 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất.
Bắc Giang: 2 người chết do lũ cuốn. Tuyên Quang: 3 người do lũ (2 người chết, 1 người mất tích).
Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích).
Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất.
Vĩnh phúc: 2 người (1 chết, 1 người mất tích do lật thuyền).
Phú Thọ: 10 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người mất tích do lũ; 1 người chết do sạt lở đất).
Vỡ đê sông Lô tại Tuyên Quang, di dời nhiều hộ dân ra vùng an toàn
Chiều 11-9, sau gần một ngày đoạn đê sông Lô qua xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) bị vỡ, lực lượng chức năng vẫn đang tích cực khắc phục sự cố thiên tai này.
Việc vỡ đê đã khiến cho một khu vực rộng lớn cùng nhiều nhà dân tại xã Quyết Thắng bị chìm trong nước. Nhiều hộ dân của xã Quyết Thắng, vẫn đang bị nước ngập đến nóc nhà. Theo thông tin từ UBND xã Quyết Thắng, có 35 hộ và 138 nhân khẩu trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đê. Trong ngày 10-9, các hộ dân này đã được chính quyền địa phương di dời đến nơi an toàn.
Sau khi nhận tin đê vỡ, huyện nhanh chóng huy động toàn bộ lực lượng để khắc phục trong tối và đêm 10-9. Đến nay, sự cố không ghi nhận thiệt hại về người.
Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức báo động 2
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trong 12 giờ tới: Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức báo động 2; tại Phú Thọ sẽ xuống dưới mức báo động 1. Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 3. Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên trên mức báo động 3. Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3. Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 3. Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức báo động 3. Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức báo động 3. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 2 và dưới báo động 3.
Trong 12-24 giờ tiếp theo: Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức báo động 1; tại Phú Thọ tiếp tục xuống dưới mức báo động 1.
Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 2. Lũ trên sông Cầu sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 3. Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3. Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 3. Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức báo động 3. Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức báo động 3. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 2.
Cảnh báo, trong 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng- Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.