Trong đợt thử nghiệm giai đoạn 2 vắc xin cúm A/H5N1 sẽ có 300 người tham gia thử nghiệm tập trung vào nhóm tuổi từ 18-60 tuổi, với mục tiêu đánh giá về kháng thể kháng H5N1 trước và sau khi tiêm.
Đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vắc xin cúm A/H5N1 bắt đầu từ ngày 21/4, do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Sở Y tế Khánh Hòa tiến hành.
Nghiên cứu thành công quy trình sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 có ý nghĩa rất quan trọng
Cụ thể, trong đợt thử nghiệm lần này có 300 người tham gia, tập trung vào nhóm tuổi từ 18-60 tuổi. Những người tham gia thử nghiệm sẽ được tiêm 2 mũi vắc xin cúm A/H5N1, mỗi mũi cách nhau 21 ngày. Mỗi người sẽ được lấy máu 6 lần để làm các xét nghiệm, với mục tiêu đánh giá về kháng thể kháng H5N1 trước và sau khi tiêm.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 sẽ tập trung đánh giá tính an toàn, tính sinh miễn dịch, đồng thời xác định liều tối ưu để sử dụng cho các giai đoạn tiếp theo.
Vắc xin cúm A/H5N1 được đưa vào thử nghiệm lần này do Viện vắc xin và sinh phẩm Y tế Nha Trang sản xuất, với sự hỗ trợ của Tổ chức y tế Thế giới và tổ chức PATH của Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đầu tư xây dựng Viện vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang thành Trung tâm sản xuất vắc xin cúm phục vụ khi có đại dịch xảy ra.
Trước đó, ngày 22/4/2015, Viện vắc xin và sinh phẩm Y tế Nha Trang đã công bố kết quả thực nghiệm lâm sàng lần 1 vắc xin cúm A/H5N1 do Viện này sản xuất, được Ban đánh giá các vấn đề đạo đức Bộ Y tế nghiệm thu tháng 3/2015.
Trước tình hình dịch tễ của virus cúm A trên thế giới cũng như ở Việt Nam vẫn đang diễn ra phức tạp, cùng với thói quen nuôi gia cầm ngay tại nhà của người dân, nguy cơ bùng phát các dịch cúm ở Việt Nam là rất lớn. Vì vậy, việc nghiên cứu thành công quy trình sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh và hạn chế tối đa lây lan trong cộng đồng.