Đã “một góc” thế kỷ trôi qua kể từ ngày bước chân vào nghề báo, chập chững với những câu chữ đầu tiên, giờ đã khá “kỳ cựu” mà sao trong tôi những cảm xúc vẫn như mới hôm nào- khi lần đầu cầm trên tay tờ báo có đăng bài viết của mình. Chuyện nghề, chuyện đời như thước phim tua chậm…
Mối cơ duyên… lạ lùng
Tôi vốn không học báo chí. Cơ duyên đến với nghề báo của tôi cũng khá lạ lùng. Sau khi tốt nghiệp, đi làm một thời gian, cái nghề mà theo lời bố mẹ thì “phù hợp và an nhàn cho phụ nữ”, tôi lấy chồng, sinh con, ở nhà nội trợ đúng nghĩa và phụ giúp việc kinh doanh của gia đình chồng.
Cuộc sống cứ thế trôi theo một guồng quay cố định. Vào một ngày đẹp trời, sau khi đưa con đi học, tôi tạt đi chợ, ngang qua công an phường thấy các anh ấy mới bắt được thủ phạm một vụ cướp. Tò mò nên tôi dừng lại hỏi. Có lẽ cái hình hài một bà nội trợ không khiến mấy anh công an đề phòng, nên có bao nhiêu thông tin các anh ấy hào hứng kể hết với tôi.
Câu chuyện bắt cướp hay đến nỗi, máu viết lách của một con nhỏ học sinh giỏi văn suốt thời phổ thông sống dậy, về nhà thay vì vào nấu cơm, tôi lấy giấy bút ra viết một mạch cái tin mà với tôi “ly kỳ hấp dẫn như chuyện Lý Đại Bàng bắt cướp” rồi mang ngay ra bưu điện gửi lên tòa soạn Báo Công an Nhân dân.
Một tuần sau khi gửi tin đi, tôi được bưu điện báo có điện thoại từ tòa soạn báo gọi. Ra bưu điện gọi lại mà tôi còn chẳng nhớ vì sao báo lại gọi mình. Người nghe điện thoại của tôi khi đó là anh Trần Kim Thẩm, Trưởng đại diện Báo CAND tại TP. HCM (sau này anh Thẩm là Phó tổng biên tập Báo CAND). Anh Thẩm nói với tôi: “tôi đã nhận được tin của chị gửi, tôi thấy giọng văn của chị rất hợp với tiêu chí của tờ báo, tôi muốn mời chị làm cộng tác viên”. Và thế là tôi bước một chân vào nghề báo. Năm đó là năm 1998.
Chẳng có chút kiến thức nào về nghề báo, tôi vào nghề bằng sự hồn nhiên trong trẻo của một cô học trò. Hồn nhiên đến mức có lần viết về thành công của các bác sĩ bệnh viện 30-4 trong một ca mổ, tôi đã viết “hoan hô các bác sĩ bệnh viện 30-4” khiến anh Thẩm phải bật cười mang ra cho các anh chị trong tòa soạn coi. Có lần còn ngây ngô hơn thế, được phân công đi tìm hiểu một vụ việc khuất tất, tôi hồn nhiên cho đương sự biết tên tuổi địa chỉ của mình để sau đó khi bài lên liên tục bị đương sự khủng bố phải nhờ đến công an can thiệp. Kể với các anh chị đồng nghiệp, mọi người bảo, có vậy thì mới nhớ, chứ có nói chắc cũng chẳng tin. Cứ thế, từng chút một, tôi trưởng thành từ những bài học thực tiễn như vậy.
Những trải nghiệm không thể quên
Khoảng đầu năm 2000, tòa soạn nhận được đơn kêu cứu của một độc giả, là một thanh niên người Thanh Hóa, được tuyển dụng đi xuất khẩu lao động, nhưng lại dính vào một ổ lừa đảo. Thật ra cũng chẳng thể gọi là cái đơn, chỉ là một mẩu giấy viết vội được anh ấy nhờ người tiếp tế lương thực mang ra gửi dùm đến tòa soạn. Anh ấy và mấy chục con người bị giam lỏng ở một khu nhà xưởng cũ ở Phường 13, quận Tân Bình đã mấy tháng rồi, tinh thần và sức khỏe đều kiệt quệ.
Khi nhận được thông tin, tòa soạn họp bàn, người thì tin vụ việc là có thật, người thì hồ nghi bởi các thông tin mơ hồ quá. Lãnh đạo quyết, làm. Tôi và một đồng nghiệp được phân công điều tra tìm hiểu vụ việc. Mất mấy ngày mới dò ra được địa điểm như mô tả, bởi anh thanh niên khi được đưa đến đây cũng không được biết chính xác địa chỉ. Người gửi tin thì sợ liên lụy nên gửi xong cũng đi liền. Trong cái đơn vỏn vẹn có đúng một thông tin liên lạc: 11g đêm hàng ngày tôi sẽ đợi nhà báo ở bờ tường khu nhà xưởng, chỗ có ba cây dừa lớn bên cạnh một cây me.
Chúng tôi đến điểm hẹn với một niềm tin mãnh liệt, một con người đang thật sự cần giúp đỡ. Và chúng tôi đã gặp người thanh niên đó. Hơn hai tuần sau đó, cứ 11g đêm, khi mọi người đã ngủ, anh thanh niên ra gặp chúng tôi, người bên trong kẻ bên ngoài, qua một lỗ gạch đã được anh thanh niên khoét dưới chân bờ tường, từng chút thông tin một được cung cấp và sau đó được xác tín, máy ảnh được bí mật chuyển vào, những hình ảnh được lấy ra.
Loạt bài điều tra về đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động được đăng tải gây rúng động cả nước. Số lượng phát hành tăng chóng mặt. Mấy chục con người được giải cứu, những kẻ cầm đầu đường dây bị pháp luật xử lý. Loạt bài được giải A giải Báo chí toàn quốc, giải thưởng đầu tiên trong cuộc đời làm báo của tôi. Đến giờ này hồi tưởng lại, tôi vẫn còn nguyên cảm xúc hồi hộp của từng đêm len lỏi qua con đường khuya vắng tanh để đến điểm hẹn.
Một lần khác, khi vào vai một cô gái ăn chơi để thâm nhập tìm hiểu việc mua bán chất cấm trong một vũ trường, tôi đã bị mấy cô gái nhảy ốp vào nhà vệ sinh để dằn mặt bởi họ tưởng tôi manh nha lấn sân lãnh địa của họ.
Thú thật bị quây bởi 5-6 cô gái mặt đằng đằng sát khí tôi cũng đánh lô tô trong lòng, nhưng vẫn phải làm vẻ mặt lạnh băng để phủ đầu lại: “mấy đứa mày biết chị là ai không mà tính đụng vào chị? chị không đụng chạm đến tụi mày thì khôn hồn tránh xa chị ra”. Chắc có lẽ cái giọng rặt Nam Định của tôi góp phần khiến mấy cô ấy nghĩ hoặc tôi là chị đại Bắc kỳ có số má hoặc cũng dây mơ rễ má với một tay anh chị nào đó, nên giãn ra quan sát chứ không dám làm gì mạnh tay.
Nghề báo cũng cho tôi được đi nhiều nơi, gặp nhiều người và rất nhiều những khám phá mới lạ. Tôi đã được đặt chân đến hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, chuyến ngắn thì đi về trong ngày, chuyến dài có khi rong ruổi cả tuần. Đường thành phố rộng đẹp sầm uất, đường nông thôn thơ mộng như tranh, những cung đường đèo quanh co uốn lượn thử thách tay lái luôn là trải nghiệm thú vị, và cả những cung đường tuần tra biên giới lúc heo hút hoang vu lúc lại đẹp nên thơ đến nao lòng…. Mỗi cung đường là mỗi câu chuyện, chuyện cuộc sống, chuyện xã hội, những câu chuyện tình người, đôi khi là cả những nỗi đau.
Mỗi cung đường, mỗi điểm đến cũng lại gắn với một nhân vật. Như người phụ nữ chốt tự quản miền biên giới Tây nam, gặp lại nhà báo từng viết về mình gần 20 năm về trước vẫn nhận ra, ôm chầm xúc động, mắt ngấn lệ rưng rưng. Như người cựu chiến binh hơn 80 tuổi đời, có vợ là liệt sĩ, gá nghĩa với người vợ sau cũng có chồng là liệt sĩ, để rồi mấy chục năm qua, dành dụm được đồng nào là cả hai vợ chồng lại xách ba lô lên đường đi tìm hài cốt những người đồng đội đã mất.
Nhân vật trong bài báo của tôi, có khi chỉ là một người đàn ông chân quê, sáng sớm ôm đơn lên tòa soạn, khắc khoải bởi nỗi ẩn ức chưa được giải quyết, và rồi sau đó góp nhặt trong vườn nhà vài nắm rau, dăm ba quả xoài, bịch cóc, con cá sông, con gà mái dầu… đóng thùng gửi lên tòa soạn cám ơn các nhà báo.
25 năm nhìn lại, đã đi sắp hết tuổi nghề. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề báo. Để được đi, được trải nghiệm, được thẩm thấu với đủ các cung bậc của cảm xúc. Để được sống với những điều mới mẻ, thú vị mỗi ngày.
25 năm, vẫn trọn vẹn một tình yêu.