Năm học 2019-2020, cả nước có 29 trường mầm non ngoài công lập và 244 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục dừng hoạt động.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong năm học 2019-2020, cả nước có 29 trường mầm non ngoài công lập và 244 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục dừng hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Để thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, ngành giáo dục đã phải cho học sinh nghỉ học trong 3 tháng liên tục, từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 5.
Việc học sinh không đến trường đã khiến cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập bị mất nguồn thu từ học phí, nguồn thu chính để duy trì hoạt động, trong khi vẫn phải chi trả nhiều khoản như lương cho giáo viên, tiền thuê cơ sở vật chất...
Đến giữa tháng 5, các cơ sở giáo dục được hoạt động trở lại nhưng nhiều phụ huynh vẫn cẩn trọng để con ở nhà với người thân, làm giảm số lượng học sinh ở các lớp. Điều này đã khiến cho nhiều cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, không thể tiếp tục duy trì hoạt động hoặc phải cắt giảm quy mô.
Trong năm học này, các địa phương tiếp tục thực hiện công tác rà soát, sắp xếp, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non theo tình hình thực tế của địa phương. Việc này đã làm giảm 170 trường mầm non công lập, bên cạnh đó có 11 trường mới được thành lập.
Các địa phương có số trường mầm non giảm mạnh là Nam Định (giảm 29 trường), Hà Tĩnh (giảm 15 trường), Bắc Giang (giảm 12 trường)... Cả nước có trên 24.600 điểm trường lẻ, giảm trên 1.500 điểm so với năm học trước do sáp nhập.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có trên 15.000 trường mầm non, trong đó số trường công lập chiếm 79,4%, số trường ngoài công lập chiếm 20,6%.
Số trẻ mầm non được đến trường là trên 5 triệu trẻ, đạt tỉ lệ 68,2%, tăng 0,7% so với năm học trước. Trong đó số trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt tỉ lệ trên 99,9% với trên 1,6 triệu trẻ.