2021 - Năm thất bại nặng nề của Facebook

Xuân Lan| 22/12/2021 18:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Facebook vừa trải qua một trong những "cơn ác mộng" kinh hoàng nhất khi hàng loạt biến cố nghiêm trọng xảy ra với mạng xã hội này trong một năm qua. Họ mất điểm trong mắt người dùng vì hàng loạt bê bối liên tiếp. Ngay cả khi tập đoàn mẹ đổi tên thành Meta, danh tiếng của họ vẫn không thể cứu vãn.

Kể từ thời điểm Facebook được Mark Zuckerberg và các cộng sự thành lập vào năm 2004, cho đến khi mạng xã hội này chính thức được mở cửa với người dùng trên toàn thế giới vào năm 2006, tuần qua có thể xem là tuần có nhiều biến động nhất đối với Facebook khi mạng xã hội này gặp nhiều biến cố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của công ty.

Facebook đã trải qua một trong những "cơn ác mộng" kinh hoàng nhất khi hàng loạt biến cố nghiêm trọng xảy ra với mạng xã hội này trong một năm qua.

2021 có lẽ là năm được ví như "sống trong địa ngục" của CEO Mark Zuckerberg và mạng xã hội Facebook.

mark_zuckerberg_facebook(1).jpg
Facebook đã trải qua một trong những "cơn ác mộng" kinh hoàng nhất khi hàng loạt biến cố nghiêm trọng xảy ra với mạng xã hội này trong một năm qua. "

Ngày 3/10: "Người thổi còi" tố cáo những tác hại nghiêm trọng của Facebook lần đầu lộ diện. Frances Haugen, người từng nắm giữ chức Giám đốc sản phẩm tại Facebook từ năm 2019 đến khi rời công ty này vào tháng 5/2021, đã xuất hiện trên chương trình truyền hình "60 Minutes" của đài CBS.

Trước đó, Haugen được biết đến như "người thổi còi" khi gửi hàng chục nghìn tài liệu nội bộ của Facebook cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, cũng như tờ báo The Wall Street Journal, để vạch trần những chuyện "thâm cung bí sử" của Facebook. Chỉ đến khi xuất hiện trên chương trình của đài CBS, danh tính thực sự của "người thổi còi" mới được tiết lộ.

Trong quá trình làm việc tại Facebook, Haugen phụ trách các vấn đề liên quan tới tính liêm chính dân sự, bao gồm các lĩnh vực liên quan tới "nền dân chủ và các tin tức sai lệch".

Tuy nhiên, sau thời gian làm việc ở Facebook, Haugen cho rằng, công ty này đã không đảm bảo cam kết của họ rằng các sản phẩm sẽ mang lại điều tích cực cho cộng đồng.

Haugen đã sử dụng các tài liệu mà cô thu thập được để tiết lộ mức độ mà Facebook biết về những tác hại mà mạng xã hội này gây ra, cũng như cung cấp bằng chứng cho các nhà lập pháp, cơ quan quản lý và các phương tiện thông tin đại chúng.

Những tiết lộ của Haugen đã khiến nhiều người phải sốc, chẳng hạn như việc Facebook đã "đặt lợi nhuận của mình lên trên lợi ích của công chúng", hay Facebook đã tiến hành những cuộc nghiên cứu nội bộ và nhận thấy rằng mạng xã hội Instagram, nơi tràn ngập những bức ảnh về cơ thể gọn gàng, săn chắc… được người dùng chia sẻ, gây nên những ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng đến những cô gái trẻ, khiến họ cảm thấy tự ti về cơ thể và bản thân.

Nghiên cứu của Facebook cho thấy rằng, Instagram đã làm gia tăng tỷ lệ lo lắng và trầm cảm ở giới trẻ. Tuy nhiên, CEO Mark Zuckerberg và Facebook đã giấu kín kết quả nghiên cứu này.

Tiết lộ của Haugen được xem là đáng chú ý trong bối cảnh các nghị sĩ, các nhà hoạt động, các cơ quan quản lý trên khắp thế giới đang gia tăng chỉ trích Facebook vì thiếu các bước đi nhằm bảo vệ hàng tỷ người dùng.

Toàn bộ dịch vụ của Facebook sập trên toàn cầu trong hơn 7 tiếng vào ngày 4/10/2021. Facebook đã gặp phải một trong những sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử của mạng xã hội này.

Facebook và toàn bộ các dịch vụ của hãng, bao gồm Messenger, Instagram, WhatsApp và Oculus VR đồng loạt bị "sập" trên phạm vi toàn cầu . Người dùng không thể truy cập và sử dụng các dịch vụ của Facebook dù thông qua trang web hoặc trên ứng dụng di động.

Sự cố kéo dài trong hơn 7 giờ đồng hồ mới được khắc phục, ảnh hưởng đến hàng tỷ người dùng trên toàn cầu. Nguyên do của sự cố sau đó được xác định là vì một thiết lập sai trên các bộ định tuyến chính, có nhiệm vụ điều phối lưu lượng giữa các trung tâm dữ liệu của Facebook, khiến các dịch vụ của hãng "biến mất" hoàn toàn khỏi Internet.

Sau khi sự cố xảy ra, CEO Mark Zuckerberg đã phải gửi lời xin lỗi đến những người dùng bị ảnh hưởng trong một bài đăng trên trang cá nhân của mình.

Một ngày sau khi xảy ra sự cố nghiêm trọng trên toàn cầu, Facebook lại tiếp tục phải "đau đầu" khi Frances Haugen có phiên điều trần trước một tiểu ban của Thượng viện Mỹ để nói về những vấn đề gây quan ngại của Facebook.

frances-haugen-1633884519045(1).jpg
Người thổi còi" Frances Haugen lần đầu lộ diện trong một chương trình truyền hình ngày 3/10 (Ảnh: AP).

"Hôm nay tôi có mặt ở đây bởi vì tôi tin rằng, các sản phẩm của Facebook có hại cho trẻ em, gây chia rẽ và làm suy yếu nền dân chủ của chúng ta. Ban lãnh đạo của công ty biết cách để giúp Facebook và Instagram an toàn hơn, nhưng không thay đổi bởi vì họ đặt lợi nhuận của mình lên trên lợi ích của cộng đồng", Frances Haugen nói.

Cô ví các sản phẩm của Facebook giống như chất gây nghiện. "Facebook biết họ dẫn dắt người dùng trẻ tuổi đến các nội dung lôi cuốn... Nó giống như thuốc lá. Trẻ vị thành niên không có bất cứ sự tự kiểm soát nào. Chúng ta cần bảo vệ trẻ em", Haugen tuyên bố thêm.

Trong phiên điều trần này, Frances Haugen nhấn mạnh rằng, cơ chế kiểm duyệt của Facebook cho phép lan truyền các thông tin sai lệch, miễn là thông tin đó vẫn "câu" được sự tương tác từ người dùng.

Tại phiên điều trần, nhiều Thượng nghị sĩ đã đồng loạt nêu quan điểm khẳng định rằng Quốc hội Mỹ cần phải can thiệp để ngăn chặn "sức mạnh vô hình" của Facebook.

Chỉ ít ngày sau khi gặp "sự cố lịch sử" kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ vào tối 4/10 (theo giờ Việt Nam), Facebook một lần nữa lại gặp sự cố, lần này xảy ra vào rạng sáng 9/10 (theo giờ Việt Nam).

Khác với sự cố hôm 4/10, sự cố lần này được khắc phục sau khoảng hơn 2 giờ đồng hồ và chủ yếu chỉ ảnh hưởng đến Facebook, Instagram, thay vì toàn bộ dịch vụ của hãng.

"Chúng tôi biết được một vài người dùng gặp vấn đề khi truy cập vào các ứng dụng và sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi đang làm việc để mọi thứ trở lại bình thường nhanh nhất có thể và chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện này", Facebook đăng tải lời xin lỗi về sự cố xảy ra hôm 9/10 trên trang Twitter chính thức của hãng.

Việc Facebook phải sử dụng Twitter, nền tảng mạng xã hội được xem là đối thủ, để thông báo về sự cố của hãng do Facebook không thể truy cập được, đã bị giới công nghệ và người dùng chê cười.

Facebook không đưa ra lời giải thích về sự cố xảy ra lần này, nhưng việc liên tục xảy ra sự cố nghiêm trọng chỉ trong vòng một thời gian ngắn cho thấy những vấn đề đang tồn tại của mạng xã hội này.

Không chỉ có những vấn đề về bên ngoài tác động mà ngay trong chính nội bộ của công ty này đang tồn tại rất nhiều vấn đề. Nó khiến ngay cả những nhân viên tại đây cũng đã trở nên mệt mỏi và muốn rời bỏ càng sớm càng tốt.

su-co-facebook-2-1633884519062(1).jpg
Toàn bộ dịch vụ của Facebook sập trên toàn cầu trong hơn 7 tiếng vào ngày 4/10.

Trong tài liệu mà cựu quản lý Frances Haugen cung cấp, với nhiều nhân viên, làm việc tại Facebook tác động nghiêm trọng đến cảm xúc bởi các giá trị bản thân và mục tiêu doanh nghiệp luôn trong thế đối đầu.

Ngay cả những người tin tưởng vào sự tốt đẹp của Facebook cũng dần hao mòn vì "văn hóa đột xuất", trong đó đề cao những người xử lý khủng hoảng và áp dụng biện pháp huy động toàn bộ nhân viên cho trường hợp khẩn cấp.

Tham gia dự án khổng lồ như Facebook là thử thách thú vị với không ít người, nhưng đổi lại là nỗi chán nản khi vật lộn với bộ máy không hoàn toàn trong tầm kiểm soát. "Tôi không còn thấy tự hào khi làm tại đây. Tôi thấy rõ thành quả của mình, nhưng không cảm thấy gắn kết với nó nữa", một nhân viên viết trong bản ghi nhớ năm 2016.

Facebook từng được coi là tấm gương đáng mơ ước ở Thung lũng Silicon. Đó là nơi có nhiều lựa chọn để nắm giữ cổ phần, đồ ăn miễn phí, những chiếc xe chở nhân viên trang bị Wi-Fi.

Covid-19 đã lấy đi nhiều phúc lợi, nhưng tài liệu rò rỉ còn cho thấy môi trường phức tạp, kém hào nhoáng hơn nhiều so với những gì được thể hiện.

2020 được coi là "năm đột xuất" với Facebook. Mạng xã hội lớn nhất thế giới đối mặt với hàng loạt thử thách trong nội bộ và trên toàn cầu, buộc họ liên tục kích hoạt quy trình đột xuất, được mô tả là "giai đoạn tập trung cao độ và tăng cường tối đa sức lực cho sản phẩm, chính sách và quy trình nhất định".

Đây cũng là dấu hiệu cho thấy văn hóa doanh nghiệp và môi trường làm việc của Facebook đang được định hình bởi những cuộc khủng hoảng vài năm gần đây. Các nhân viên cảnh báo điều này có thể dẫn tới vòng xoáy tăng tốc làm việc trong tương lai, khiến nhân lực nhanh chóng kiệt sức.

frances-haugen-dieu-tran-quoc-hoi-my-1633884519026(1).jpg
Frances Haugen xuất hiện trước một tiểu ban của Thượng viện Mỹ để "vạch trần" Facebook.

Ngay cả khi tập đoàn mẹ đổi tên thành Meta, danh tiếng của họ vẫn không thể cứu vãn. Theo kết quả khảo sát của Yahoo Finance, tập đoàn Facebook, vừa đổi tên thành Meta, bị đánh giá là công ty tồi tệ nhất năm 2021.

Hàng năm, Yahoo Finance đều tổ chức khảo sát ý kiến độc giả để bình chọn công ty tốt nhất, dựa trên kết quả kinh doanh và những thành tích khác. Trong năm 2021, cuộc bình chọn diễn ra từ 4-5/12 với hơn 1.500 người phản hồi đã vinh danh tập đoàn Microsoft.

Tuy nhiên, năm nay họ có thêm hạng mục “công ty tồi tệ nhất năm”. Trong số người tham gia khảo sát, tỷ lệ bình chọn cho Facebook chiếm cao nhất, nhiều hơn đến 50% so với doanh nghiệp đứng vị trí thứ 2 là Alibaba.

Những người được khảo sát có "nhiều bất bình" với Facebook, bao gồm vấn đề kiểm duyệt, tác động của Instagram đến sức khỏe tâm thần và quyền riêng tư. Mặc dù kết quả khảo sát không mấy tốt đẹp và không có lợi cho công ty, 30% người tham gia vẫn nghĩ Facebook có thể “tự chuộc lỗi”.

Giữa những vụ bê bối xảy ra liên tiếp, Facebook đã tự đổi thương hiệu thành "Meta", đánh dấu sự khởi đầu của một hướng đi mới cho công ty, theo người sáng lập kiêm CEO Mark Zuckerberg.

facebook-hq-7230-1636699330(1).jpg
Trụ sở của Facebook tại Menlo Park, California. Ảnh: AFP

Tên mới phù hợp hơn với mục tiêu xây dựng "Metaverse", một thế giới kỹ thuật số hoàn toàn. Việc đổi thương hiệu được nhiều người coi là nỗ lực nhằm đánh lạc hướng dư luận. Một số ý kiến tham gia khảo sát của Yahoo Finance nghĩ rằng động thái này có tác dụng.

Một người được hỏi cho biết Facebook có thể tự chuộc lỗi bằng cách thừa nhận và xin lỗi về những gì họ đã làm, đồng thời quyên góp "lượng lớn" lợi nhuận cho một nền tảng để giúp khắc phục hậu quả.

Bên cạnh nhiều ý kiến hoài nghi, cũng có người bày tỏ hào hứng về tiềm năng của Meta trong tương lai. Họ hi vọng nền tảng này tạo ra điều gì đó thú vị, khác biệt so với mô hình cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
2021 - Năm thất bại nặng nề của Facebook