Trong năm 2013, thị trường chứng kiến hàng loạt các giao dịch cổ phiếu ngân hàng với khối lượng không hề nhỏ, tương đương lượng tiền lớn được chuyển giao nhưng đằng sau các giao dịch này vẫn là những ẩn số chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Trên thị trường niêm yết, cổ phiếu của các ngân hàng không còn là hàng “hot” như nhiều năm về trước. Tuy nhiên, bên cạnh các phiên giao dịch khớp lệnh trầm lắng của cổ phiếu nhà băng vẫn có những cơn sóng lớn khác thường từ các thỏa thuận trao tay ẩn danh trên sàn chứng khoán. Kẻ bán người mua hầu hết đều giấu mặt!
Tạo nhiều đồn đoán trong năm qua là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (HOSE: EIB) với hàng loạt các giao dịch thỏa thuận lớn và biến động mạnh ở thượng tầng. Vào đầu năm 2013, gần 31 triệu cp EIB được giao dịch thỏa thuận với giá trị hơn 500 tỷ đồng, trước đó, vào phiên giao dịch cuối năm 2012 (28/12/2012), gần 25 triệu cp EIB cũng đã được sang tay. Đến tháng 5-6/2013, cổ phiếu EIB cũng được thỏa thuận với khối lượng lớn, có phiên lên đến gần 19 triệu cp. Tiếp đó, vào đầu tháng 9/2013, có 4 phiên giao dịch EIB được thỏa thuận với giá trị trên 100 tỷ đồng. Tổng cộng trong năm qua đã có đến 12 phiên EIB thỏa thuận khối lượng lớn trên 6 triệu cp/phiên với tổng giá trị gần 2,650 tỷ đồng.
Một số phiên giao dịch thỏa thuận lớn trong năm 2013 của EIB Nguồn: VietstockFinance |
Theo thống kê của Vietstock, giá cổ phiếu EIB niêm yết dao động trong khoảng 12,600-17,400 đồng/cp trong năm, dường như không mấy cộng hưởng từ những giao dịch trao tay khủng. Tính đến cuối năm (31/12/2013), cổ phiếu này đang nằm mức 12,500 đồng, giảm 22% so với thời điểm đầu năm 2013. Giao dịch bình quân năm nay của EIB ở mức 1.33 triệu cp/phiên với giá trị 20.5 tỷ đồng.
Giao dịch cổ phiếu EIB trong năm 2013 |
Không chỉ có những phiên giao dịch thỏa thuận đột biến của EIB, tình hình nhân sự cao cấp tại ngân hàng này cũng có sự thay đổi lớn trong năm qua. Điển hình là ông Trương Văn Phước đã rời bỏ vị trí Tổng Giám đốc ngân hàng để chuyển sang nhận nhiệm vụ tại Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Thay vào đó là ông Nguyễn Quốc Hương, người vừa chính thức đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc vào những ngày cuối năm 2013. Bên cạnh đó, nhiều vị trí chủ chốt khác như Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng cũng xáo động.
Vào đầu năm 2013, Eximbank gây “sóng gió” dư luận khi ký kết hợp tác toàn diện cùng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank (HOSE: STB), trong đó công bố kế hoạch nghiên cứu khả năng sáp nhập hai ngân hàng trong vòng 3-5 năm tới.
Hàng loạt những biến động đã dấy lên không ít nghi ngờ về tình hình hoạt động của EIB và đích thân ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch HĐQT ngân hàng phải lên tiếng phủ nhận khả năng nội bộ EIB xảy ra lục đục. Tuy nhiên, câu trả lời của vị Chủ tịch này vẫn chưa thể dập tắt hoàn toàn hoài nghi về biến động trong nội tại của Eximbank.
Có mối quan hệ khá thân thiết với Eximbank, Sacombank cũng ghi nhận nhiều phiên giao dịch thỏa thuận sôi động trong năm 2013.
Một số phiên giao dịch thỏa thuận lớn của STB trong năm 2013 Nguồn: VietstockFinance |
Từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 7, hàng loạt giao dịch thỏa thuận cổ phiếu STB xảy ra với khối lượng khủng lên đến gần 48 triệu cp/phiên (tương đương 4.4% vốn điều lệ). Trong đó, 25 triệu cp và 47.8 triệu cp được trao tay trong ngày 10/05/2013 và 31/05/2013 được Sacombank công bố là giao dịch cổ phiếu của cha con ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh để cấn nợ với ngân hàng. Ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết có hai nhà băng là LienVietPostBank (LPB) và KienLongBank đã tham gia mua cổ phiếu STB và sở hữu tỷ lệ dưới 5% vốn. Sau các giao dịch này, đến 31/05/2013, ông Thành không còn nắm giữ cổ phiếu nào của STB, còn ông Đặng Hồng Anh giảm sở hữu xuống còn 7 triệu cp.
Tiếp đó, trong tháng 11/2013 xuất hiện nhiều phiên giao dịch thỏa thuận cổ phiếu STB với khối lượng lớn từ 3.8-6.2 triệu cp và giá trị hàng trăm tỷ đồng. Ông Phạm Hữu Phú xác nhận các giao dịch này do giới đầu tư thực hiện và không phải thành viên Hội đồng quản trị hay cổ đông lớn của nhà băng.
Trong năm qua, giá cổ phiếu STB biến động trong khoảng 16,500-23,100 đồng/cp, tại thời điểm cuối năm, STB đạt 17,200 đồng/cp, giảm 15% so với đầu năm 2013. Giao dịch bình quân đạt 1.03 triệu cp/phiên với giá trị 19.9 tỷ đồng.
Giao dịch cổ phiếu STB trong năm 2013 |
Cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) cũng có một vài phiên giao dịch đột biến trong năm với khối lượng thỏa thuận lên gần 14 triệu đơn vị/phiên, tương đương giá trị 220 tỷ đồng. Trong khi đó, bình quân giao dịch cổ phiếu ACB trong năm 2013 chỉ đạt 0.48 triệu cp/phiên với giá trị 7.9 tỷ đồng. Cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank cũng có những phiên thỏa thuận lớn trong tháng 10/2013, có phiên lên đến 7.5 triệu cp với giá trị 140 tỷ đồng.
Với Ngân hàng TMCP Quân đội – MBBank (HOSE: MBB), vào tháng 09/2013 đã có gần 24.6 triệu cp được trao tay với giá trị 320 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải – Maritimebank (MSB) đã nhận chuyển nhượng 7.8 triệu cp MBB từ 6 nhà đầu tư và nâng sở hữu lên 106,620,631 cp, tương đương tỷ lệ 10.03% kể từ 27/09/2013.
Một số phiên giao dịch thỏa thuận lớn của MBB trong năm 2013 Nguồn: VietstockFinance |
Đến tháng 12/2013, một số giao dịch thỏa thuận khác đối với MBB cũng xuất hiện nhưng không có thông tin bên nhận chuyển nhượng. Không chỉ sang tay cổ phiếu trên sàn mà hàng loạt cổ đông gắn bó lâu năm của MBB còn bán thỏa thuận quyền mua cổ phiếu trong đợt phát hành hơn 63 triệu cp cho cổ đông và nhân viên ngân hàng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty 28 và Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam - Công ty TNHH đã bán hết 8.3 triệu và 52.9 triệu quyền mua.
Giao dịch cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Nam Việt – Navibank (NVB) cũng được chú ý đặc biệt khi liên quan đến sở hữu của ông Đặng Thành Tâm và vợ. Từ 12/12/2012 đến 10/01/2013, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – vợ ông Đặng Thành Tâm đã bán 12.95 triệu cp NVB, tương đương 4.93% vốn cổ phần. Sau đó, từ 21/01 đến 08/02, bà Thanh tiếp tục bán hết hơn 1.87 triệu cp NVB. Tại thời điểm đó, ông Đặng Thành Tâm vẫn còn nắm giữ 14,827,692 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ gần 4.93% cổ phần của ngân hàng này. Theo thống kê, tại ngày 08/20/2013, đã có hơn 28 triệu cp NVB thỏa thuận trong phiên. Tiếp đó, nhiều giao dịch thỏa thuận cổ phiếu NVB liên tục xuất hiện với khối lượng khá lớn trong khi bình quân chỉ đạt 0.45 triệu cp/phiên với giá trị 3.1 tỷ đồng.
Đến nay nhân sự cao cấp tại Navibank đã có những biến động lớn. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2013 của ngân hàng vào tháng 04/2013 đã bầu thay thế 3/5 thành viên HĐQT. Đặc biệt, ông Đặng Thành Tâm đã từ nhiệm HĐQT từ tháng 04/2013 sau gần 3 năm gắn bó và vị trí Chủ tịch HĐQT thuộc về nhân vật mới được bầu là ông Vũ Hồng Nam thay cho ông Nguyễn Vĩnh Thọ. Sau đó, thêm 2 thành viên HĐQT công bố từ nhiệm và NVB đã lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT của ngân hàng từ giữa tháng 11/2013. (sao chị nhớ cái ttin nào đó có công bố danh sách hdqt mới rồi)
Một số phiên giao dịch thỏa thuận lớn của NVB trong năm 2013 Nguồn: VietstockFinance |
Điểm đặc biệt, mặc dù giao dịch đến hàng chục triệu cổ phiếu nhưng mỗi cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng vẫn chưa trở thành cổ đông lớn nên không có nghĩa vụ phải công bố thông tin. Bên mua vẫn còn là những ẩn số.
Sóng ngầm giao dịch cũng diễn ra mạnh đối với cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết. Điển hình gần đây là thương vụ Ngân hàng OCBC (Overseas Chinese Banking Corporation Limited) Singapore đã bán toàn bộ 14.88% cổ phần, tương đương 85.83 triệu cp tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho một nhóm gồm ba nhà đầu tư cá nhân người Việt với giá trị chuyển nhượng 55.5 triệu USD, tương đương hơn 1,100 tỷ đồng, chính thức rút lui sau hơn 7 năm gắn bó từ cuối tháng 09/2006.
Bên cạnh đó, thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu Ngân hàng Techcombank cũng gây nhiều chú ý khi bên nhận cũng là ba cá nhân với giá trị gần 260 tỷ đồng. Theo đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã bán thành công hơn 24,03 triệu cp, tương đương với 2.7% vốn của Techcombank. Việc bán cổ phần này nằm trong lộ trình thoái vốn ngoài ngành đang được Vietnam Airlines thực hiện.
Cũng liên quan đến việc các Tập đoàn thoái vốn đầu tư ngoài ngành, gần đây vào đầu tháng 12/2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chuyển nhượng 25.2 triệu cp Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cho CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) với giá trị 252 tỷ đồng. Sau giao dịch này, số lượng cổ phiếu ABBank mà EVN nắm giữ giảm từ 102 triệu cp xuống 76.86 triệu cp, tương đương tỷ lệ 16.02% và theo lộ trình thì EVN phải hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn đến năm 2015.
Tại một số nhà băng khác, mặc dù không thuộc diện thoái vốn của các tập đoàn nhưng do phải thực hiện tái cơ cấu nên cũng xảy ra những thương vụ chuyển nhượng lượng lớn cổ phiếu. Tại DaiABank, Tổng công ty Tín Nghĩa thoái vốn thông qua việc chào bán gần 80 triệu cp (79,793,367 cp) đấu giá tại HOSE, tương đương tỷ lệ 25.7% vốn điều lệ ngân hàng với giá khởi điểm dự kiến 10,900 đồng/cp. Vào đầu năm 2014, sau khi hoàn tất các thủ tục và công việc liên quan hợp nhất vào HDBank, thương hiệu mới của ngân hàng này sẽ được công bố và chính thức xóa tên DaiABank.
Tại Trustbank, ngân hàng này cũng đón nhận cổ đông mới sau hàng loạt giao dịch chuyển nhượng hơn 84% vốn của ngân hàng, trong đó Tập đoàn Thiên Thanh sẽ nắm 9.67% vốn cùng với 20 cổ đông thể nhân khác nắm 74.37%. Ngân hàng cũng chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) từ ngày 24/05/2013 với thế mạnh cung cấp dịch vụ cho vay xuất khẩu, cho vay và dịch vụ cho ngành vật liệu xây dựng và nhà ở cho người có thu nhập thấp sẽ được ngân hàng chú trọng phát triển.
Đặc biệt, nếu như thương vụ bán Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cho Tập đoàn United Overseas Bank Limited (UOB) của Singapore thành công thì GPBank có khả năng sẽ chuyển thành chi nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Với hàng loạt các thương vụ mua bán cổ phiếu khủng nửa kín nửa hở, đằng sau các giao dịch này luôn chứa đựng nhiều ẩn số. Những làn sóng ngầm đổi chủ, M&A với quy mô lớn trước đây trong ngành ngân hàng cũng đã bắt đầu như thế!
Đan Thanh