Thành tựu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của nước ta trong 20 năm qua đã khẳng định chủ trương tham gia APEC là hoàn toàn đúng đắn và đúng thời điểm, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta.
Ra đời vào năm 1989 với 12 nền kinh tế thành viên, trải qua 4 lần mở rộng vào các năm 1991, 1993, 1994 và 1998, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hiện có 21 nền kinh tế thành viên, với 2,8 tỉ dân, 44.000 tỷ USD tổng GDP, 18,5 nghìn tỷ USD thương mại, chiếm khoảng 39% dân số, 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu vào năm 2014. Mục tiêu hoạt động của APEC là hướng tới xây dựng Cộng đồng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năng động, gắn kết, tự cường thông qua thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa môi trường kinh doanh và hợp tác kinh tế - kỹ thuật; đồng thời giúp quá trình lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế thành viên dễ dàng hơn.
Gia nhập APEC - Quyết định chiến lược của Việt Nam
Tháng 11/1998, cùng với Nga và Peru, Việt Nam được kết nạp vào APEC. Giây phút Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APEC vào ngày 14/11/1998, tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), đánh dấu bước triển khai mạnh mẽ chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, tạo động lực cho tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước trong hai thập kỷ qua. Đây cũng là dấu ấn đặc biệt đối với Việt Nam, bởi trước đó tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 5, tổ chức tháng 11/1997 tại Vancouver (Canada), ngoài việc APEC thông báo sẽ kết nạp thêm 3 thành viên vào năm 1998 (như đã nói ở trên), Diễn đàn này đồng thời quyết định tạm ngừng kết nạp thành viên mới trong vòng 10 năm tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên tập trung thực hiện Mục tiêu Bogor về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.
Cho đến nay, quyết định tạm ngừng kết nạp thành viên mới đối với APEC vẫn tiếp tục có hiệu lực, dù có nhiều nền kinh tế bày tỏ nguyện vọng muốn trở thành thành viên, trong đó có Ấn Độ, Colombia, Brazil, Lào, Campuchia, Mông Cổ, Ecuador... Điều này có nghĩa là, Việt Nam hiện là một thành viên mới nhất, trẻ nhất của APEC - cơ chế hợp tác kinh tế đa phương lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Song nhìn lại những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong suốt 20 năm qua, chúng ta có quyền tự hào, từ đó quyết tâm nỗ lực đóng góp hơn nữa cùng vun đắp tương lai chung cho một Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, sáng tạo, gắn kết và thịnh vượng.
Trải qua hai thập kỷ, Việt Nam đã sát cánh cùng các thành viên APEC chung tay đóng góp thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, đưa APEC trở thành cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương. Đánh giá về tầm quan trọng của APEC đối với Việt Nam tại Hội nghị “APEC và Việt Nam: Chặng đường 20 năm qua” tổ chức ngày 30/11/2018 tại Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, tham gia APEC là “minh chứng khẳng định cam kết mạnh mẽ và nỗ lực của Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đóng góp tích cực, chủ động và trách nhiệm hơn nhằm hiện thực hoá tầm nhìn về một Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết, sáng tạo và thịnh vượng”.
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định quyết định gia nhập APEC của Việt Nam 20 năm về trước là một quyết định mang ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo động lực cho tiến trình đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Điều này có thể minh chứng qua hai lần đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC 2006 và 2017, những dấu ấn của Việt Nam đã được ghi nhận trên hành trình phát triển của Diễn đàn, nổi bật là: Hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); thúc đẩy thương mại tự do và mở, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương; Chương trình hành động về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC là những sáng kiến của Việt Nam đóng góp vào tiến trình đưa APEC trở thành một mắt xích quan trọng trong tiến trình liên kết kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh một lần nữa khẳng định châu Á - Thái Bình Dương và APEC tiếp tục là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới, đồng thời nhấn mạnh cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các thành viên để phát huy vai trò của APEC, hướng tới thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, sáng tạo, gắn kết và thịnh vượng, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Dấu ấn Việt Nam trong chặng đường 20 năm gia nhập APEC
Hai thập kỷ tham gia APEC cũng là hai thập kỷ Việt Nam đạt những thành tựu to lớn trên con đường phát triển và hội nhập. Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm của các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, là mắt xích quan trọng của nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực. Hai thập kỷ qua cũng ghi dấu giai đoạn chuyển mình sâu sắc của APEC trong chặng đường gần 30 năm hình thành và phát triển. Và theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, APEC đã phát triển vượt lên kỳ vọng, khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp ông Allan Wagner, Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC (AVG), nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Peru.
Cụ thể, với vai trò chủ trì của Việt Nam tại Tuần lễ Cấp cao tháng 11/2006 tại Thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên các nhà Lãnh đạo APEC đã xác định triển vọng hướng tới hình thành FTAAP. Đây là quyết sách quan trọng, đặt nền móng cho tầm nhìn chiến lược về liên kết kinh tế toàn khu vực. Cùng với đó, Chương trình Hành động Hà Nội nhằm thực hiện các Mục tiêu Bogor, Gói biện pháp tổng thể cải cách APEC, các cam kết hợp tác về an ninh con người, phát triển nguồn nhân lực, cải cách cơ cấu, hỗ trợ các thành viên đang phát triển nâng cao năng lực hội nhập... cũng được đánh giá là những giải pháp kịp thời, hữu hiệu cho những vấn đề APEC phải đối mặt tại thời điểm đó. Với tinh thần “Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng”, những kết quả đạt được của Năm APEC 2006 - mà Việt Nam đóng vai trò nước chủ nhà - đã góp phần tạo thêm xung lực đẩy mạnh hợp tác APEC theo hướng hiệu quả và năng động hơn.
Đến năm 2017, tức 11 năm sau sự kiện Năm APEC 2006, Việt Nam tiếp tục được các thành viên tín nhiệm lựa chọn đăng cai APEC. Trong bối cảnh năm 2017 được đánh giá là một trong những thời điểm khó khăn nhất đối với Diễn đàn, với sự nổi lên mạnh mẽ của chủ nghĩa bảo hộ, dân túy, chống toàn cầu hóa cũng như các thách thức về biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, già hóa dân số… Việt Nam - với bản lĩnh và trí tuệ, với quyết tâm và sự đồng lòng - đã tổ chức thành công xuất sắc Năm APEC 2017 với gần 250 sự kiện, đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố biển Đà Nẵng năng động và hiện đại.
Năm APEC 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các thành viên thúc đẩy nhiều nội dung hợp tác lớn, khơi dậy những động lực mới cho tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư và kết nối khu vực, củng cố vai trò lãnh đạo của APEC trong quản trị kinh tế thương mại toàn cầu và ứng phó với các thách thức chung. Đặc biệt, với Tuyên bố Hội nghị Cấp cao APEC 25 và Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế cùng các văn kiện kèm theo đã góp phần giữ vững đà hợp tác, liên kết, duy trì giá trị cốt lõi APEC về thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. “Vai trò và đóng góp của Việt Nam được đặc biệt đề cao khi chúng ta chủ trì khởi xướng thảo luận về xây dựng Tầm nhìn mới cho Diễn đàn APEC sau năm 2020”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định.
Đối thoại của các nhà lãnh đạo với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC tổ chức tại Đà Nẵng ngày 10/11/2017 - Một sự kiện nằm trong Năm APEC 2017
Dấu ấn Việt Nam trong chặng đường 20 năm APEC còn thể hiện qua thành công của Đối thoại lần đầu tiên giữa Lãnh đạo APEC với ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) và việc chúng ta đóng góp tích cực thúc đẩy hình thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong dịp Tuần lễ Cấp cao Đà Nẵng (Năm APEC 2017). Cùng với đó, thành công và sức hút Việt Nam cũng được thể hiện qua những kỷ lục về sự tham gia và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong dịp Tuần lễ Cấp cao, nổi bật là Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, với sự tham dự của hơn 2.100 doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực, và Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Có thể nói, thành công và những dấu ấn của hai lần đăng cai APEC khẳng định đóng góp chủ động, tích cực và hết sức trách nhiệm của Việt Nam trong tham gia định hình liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của liên kết và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, đánh giá vai trò của Việt Nam trong chặng đường 20 năm APEC, nước ta là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, MSMEs xanh, bền vững và sáng tạo, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn và đô thị…
Việt Nam có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005 - 2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt như Ủy ban thương mại và đầu tư, Ủy ban quản lý ngân sách, các Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp... Riêng trong giai đoạn 2016 - 2018, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 Ủy ban, Nhóm công tác của APEC và ABAC, được các thành viên đánh giá cao.
20 năm tham gia APEC - cơ chế hợp tác kinh tế đa phương lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC ngày càng được đề cao. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực, đề xuất nhiều khuyến nghị lên các nhà lãnh đạo và các Bộ trưởng APEC. “Đặc biệt, trong Năm APEC 2017, doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp trí tuệ, công sức và trực tiếp tham gia nhiều hoạt động, khẳng định sự trưởng thành, năng lực hội nhập, vai trò và trách nhiệm đối với hợp tác APEC cũng như liên kết kinh tế khu vực”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá.
Tầm nhìn cho tương lai
Thành tựu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của nước ta trong 20 năm qua đã khẳng định chủ trương tham gia APEC là hoàn toàn đúng đắn và đúng thời điểm, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Tiếp theo việc trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 1996, việc tham gia APEC năm 1998 đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và là tiền đề để nâng hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta lên tầm toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Tham gia APEC cũng thể hiện quyết tâm của chúng ta đóng góp tích cực thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực.
Việt Nam - Thành viên chủ động và tích cực trong APEC
APEC có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam, là cơ chế hợp tác kinh tế đầu tiên ở tầm châu Á - Thái Bình Dương mà Việt Nam tham gia kể từ khi bước vào công cuộc đổi mới, là minh chứng về chủ trương hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện của đất nước. APEC cũng là nơi để Việt Nam triển khai, cụ thể hóa các khuôn khổ hợp tác dài hạn đã được thiết lập với nhiều đối tác trong khu vực. Đó là các khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 13/21 nền kinh tế thành viên APEC, các FTA đã ký kết với 18/20 đối tác là thành viên APEC.
Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, APEC hội tụ các trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ lớn toàn cầu, chiếm 39% dân số, đóng góp 59% GDP, hơn 49% thương mại của thế giới, do đó có thể đánh giá Diễn đàn đã mang lại nhiều lợi ích về chiến lược, kinh tế, thương mại và đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện của đất nước.
Như đánh giá của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại phiên thảo luận về chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị “APEC và Việt Nam: Chặng đường 20 năm qua”, với việc tham gia APEC, Việt Nam có nhiều cái “được”: “Lợi ích lớn nhất nhưng vô hình là việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; thứ hai là nền kinh tế phát triển mạnh; thứ ba, thể chế kinh tế tự do hóa của APEC liên thông và hỗ trợ cho cải cách thể chế trong nước của Việt Nam và thứ tư, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội, sân chơi để tập dượt” trước khi vươn ra thế giới”.
Tham gia APEC, nhiều thành viên APEC đã trở thành đối tác quan trọng về thương mại và đầu tư của Việt Nam. Tham gia APEC cũng tạo nền tảng để Việt Nam tham gia các sân chơi rộng lớn, có mức độ cam kết cao hơn như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới. Điều này là minh chứng đồng thời hiện thực hóa triết lý đối ngoại cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “mở cửa” và “coi châu Á là anh em, coi các nước lớn là bạn bè”. “Hai triết lý đó của ngoại giao Việt Nam đã được thể hiện ở APEC”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong thời đại kỷ nguyên số đang đặt ra trước mắt những thay đổi sâu sắc trong xã hội các nền kinh tế thành viên và nhiều thách thức khác trong quan hệ quốc tế về địa chính trị, trong đó các nước lớn đang định vị lại chính bản thân họ, việc duy trì các giá trị cốt lõi của hợp tác APEC về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở đứng trước những khó khăn. “Do đó, APEC cần tiếp tục vươn lên để khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc đa cực đang định hình”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.