Hôm nay (2/2), Bộ Y tế có văn bản số 773/BYT-DP về củng cố hệ thống giám sát côn trùng, phòng chống sốt xuất huyết. Trước đó, trong năm 2017, cả nước đã ghi nhận 184.741 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 32 trường hợp tử vong.
Được biết, trong những năm gần đây, tình hình sốt xuất huyết trên thế giới và tại Việt Nam diễn biến phức tạp. Năm 2017, cả nước đã ghi nhận 184.741 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 32 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số bệnh nhân nhập viện tăng 19,6%.
Ảnh minh họa.
Sốt xuất huyết là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc xin chưa được đưa vào sử dụng tại Việt Nam. Đến nay, biện pháp phòng, chống quan trọng nhất vẫn là diệt véc tơ truyền bệnh trong đó công tác giám sát côn trùng để dự báo, xử lý chống dịch đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay số lượng cán bộ làm công tác công trùng còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu, đa số kiêm nhiệm. Nhiều cán bộ có kinh nghiệm đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, đội ngũ kế cận chưa đáp ứng kịp thời vì vậy, kết quả giám sát cho công tác phòng chống dịch chưa cao.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, chủ động hiệu quả đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế đề nghị đồng chí giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo một số nội dung sau:
Rà soát, kiện toàn và củng cố hệ thống cán bộ làm công tác phòng chống côn trùng tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ phòng chống côn trùng các tuyến, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, năng lực, kỹ thuật trong giám sát và phòng chống côn trùng, phục vụ công tác giám sát, đáp ứng phòng chống dịch.
Triển khai công tác giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết chủ động ngay từ đầu năm, đánh giá các điểm nguy cơ được chỉ định để phun hóa chất diệt muỗi phòng dịch chủ động.
Hàng tuần, tổ chức triển khai chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết tận thôn/ấp, xã, phường đặc biệt tại khu vực đang ghi nhận ổ dịch và khu vực có nguy cơ cao.
Bố trí kinh phí, trang thiết bị để đảm bảo công tác giám sát côn trùng, chủ động nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát côn trùng trong công tác phòng, chống dịch chủ động.
Đặc biệt, Bộ Y tế nhấn mạnh đề nghị các đồng chí giám đốc Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo triển khai các hoạt động nêu trên. Nếu gặp khó khăn trong quá trình triển khai đề nghị báo về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để phối hợp tháo gỡ và giải quyết.