Ngày 30-9, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trích 170 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2011 hỗ trợ 8 tỉnh thuộc ĐBSCL đối phó với mưa lũ, củng cố đê bao, bờ bao bảo vệ sản xuất, bảo đảm an toàn dân cư.
Thủ tướng quyết định phân bổ số tiền trên cho các tỉnh An Giang 60 tỷ đồng, Đồng Tháp 25 tỷ đồng, Kiên Giang 20 tỷ đồng, Tiền Giang 15 tỷ đồng, Hậu Giang 15 tỷ đồng, Long An 10 tỷ đồng; Vĩnh Long 10 tỷ đồng và TP Cần Thơ 15 tỷ đồng.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trên chịu trách nhiệm quản lý, phân bổ và sử dụng số kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định hiện hành; đồng thời chủ động sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định để khắc phục thiên tai.
Nước lũ nhấn chìm nhà dân (Ảnh: VnE)
Khẩn trương cứu đê bị vỡ tại xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Quốc Dũng
Thống kê đến chiều 30-9, lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long đã làm 8 người chết, trong đó tỉnh An Giang 4 người, Đồng Tháp 1 người , Long An 2 trẻ em và tại Tp. Cần Thơ có 1 người chết đuối.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, lũ đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đang lên và ở mức đặc biệt lớn, một số nơi đã vượt đỉnh lũ lịch sử.
Nhà dân ở xã Thường Thới Tiền, Hồng Ngư, Đồng Tháp bị ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: ND
Tại Đồng Tháp, bờ bao xã Tân Thành A huyện Tân Hồng bị vỡ, nhấn chìm 700 ha lúa vụ thu đông, ngập 300 ha nhãn. Đáng lo nhất là 24.000 ha còn lại đang bị lũ uy hiếp, tỉnh lộ 848 bị ngập, ngừng trệ giao thông và 68 km đường giao thông nông thôn bị ngập.
Sáng 30-9, mực nước sông Cả Cái tiếp tục dâng cao, tràn vào các ấp Tham Bua, Cả Cái, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại cũng như sinh hoạt của người dân nơi đây.
Một căn nhà ấp Tham Bua tan hoang sau khi nước lũ tràn vào
Em Võ Hoàng Nam, 5 tuổi đi bộ trên cây cầu khỉ để về nhà. Ảnh chụp tại ấp Tham Bua, xã Tân Thành A. Ảnh: Tiến Thành/TTO.
Nước lũ làm ngập căn nhà khiến anh Nguyễn Văn Gái, 25 tuổi, ấp Tham Bua phải tạm thời ở cùng với người anh trai - Ảnh: TTO
Nước sông kèm nhiều đợt sóng ập lên tuyến đường bộ và nhà cửa của người dân từ ấp Tham Bua đến ấp Cả Cái. Nhiều chỗ, nước sâu đến nửa mét khiến việc đi lại của người dân khó khăn, nhiều hộ gia đình ven sông phải di dời tạm đến nhà người thân hoặc hàng xóm.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ em vùng lũ, từ ngày 28-9, ngành Giáo dục và đào tạo Đồng Tháp cho 87 trường, 11.705 học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ học.
Tại An Giang, hầu hết các tuyến đê xung yếu bao bọc 7 tiểu vùng sản xuất lúa thu đông trên diện tích hơn 4.000 ha bị nước lũ phá vỡ mấy ngày nay đã được khắc phục. Riêng tuyến đê bao bảo vệ 320 ha lúa ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành bị lũ tràn ngập thì không còn khả năng khắc phục.
Tính đến nay, toàn tỉnh An Giang đã có gần 3.750 căn nhà bị ngập; nước lũ dâng cao đã làm vỡ một số tuyến bờ bao, diện tích hoa màu bị ngập khoảng 100 ha.
Tại Sóc Trăng, mưa liên tục trong nhiều ngày qua, cùng với nước lũ đầu nguồn đổ về và triều cường, đã làm cho nhiều đoạn đê bao xung yếu tại huyện Cù Lao Dung (án ngữ ngay hạ nguồn sông Hậu) của tỉnh Sóc Trăng bị phá vỡ, gây ngập hàng trăm hécta mía, hoa màu, cây trái và nhà dân.
Cù Lao Dung mùa mưa lũ - Nguồn: Internet
Thiệt hại nặng nhất là tại thị trấn Cù Lao Dung, theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Cù Lao Dung, đến chiều 30-9, toàn huyện đã có 34 đoạn bị vỡ, tràn với tổng chiều dài gần 200m đê bao. Vỡ đê bao khiến khá nhiều hộ dân bị ngập, gây khó khăn trong đi lại, sinh hoạt...
Dự báo trong những ngày tới, đợt triều cường đỉnh vẫn còn lên xuống vài lần nữa, nếu mưa nhiều và nước lũ đầu nguồn tiếp tục đổ về mạnh, nhất là có gió lớn sẽ còn gây ảnh hưởng đến đê bao vốn đang bị đe dọa nghiêm trọng tại huyện Cù Lao Dung.
Học sinh trường trung học cơ sở xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, đi học trong mùa mưa lũ. Ảnh: Tràng Dương
Còn tại Long An, một cháu bé 9 tuổi đã bị nước lũ nhấn chìm. Trong lúc đang ở chơi nhà bà nội tại xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, cháu Nguyễn Hữu Lộc, 9 tuổi, là con anh Nguyễn Văn Mười, ở thị trấn Tân Hưng, một mình lấy xuồng bơi cách nhà 20-30m để đi cầu, bị nước lũ đánh dập vào xuồng nên rớt xuống sông. Gần 1 tiếng đồng hồ sau, gia đình không thấy cháu Lộc mới tìm kiếm, vớt lên nhưng cháu đã chết.
Được biết, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày đêm đang khẩn trương đối phó với mưa lũ.
Phương Lan (tổng hợp)