Cuộc sống hiện đại với lối sống nhanh, gấp gáp tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Bệnh lý về tâm thần không chỉ làm suy yếu sức khỏe mà còn gây ra tác động xấu đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress. Thậm chí, trong thực tế, con số này còn lớn hơn và ngày càng gia tăng.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), nếu như cách đây 15-20 năm, trung bình tiếp nhận từ 1 đến 2 bệnh nhân/ngày, thì nay mỗi ngày viện tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân đến khám về các vấn đề rối loạn tâm lý, tâm thần, rối loạn lo âu, hoảng sợ, trầm cảm… liên quan đến stress, trong đó có nhiều bệnh nhân đang ở độ tuổi đi học.
Chăm sóc bệnh nhân gặp các vấn đề rối loạn do stress tại Viện Sức khỏe tâm thần. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
TS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan đến stress (Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia) cho biết, nhiều thanh, thiếu niên đến khám có hành vi tự hủy hoại bản thân, cưỡng bức bản thân như: Dứt mảng tóc, cào xước chân tay... vì căng thẳng học hành. Điều đáng nói, trong số đó có rất nhiều trẻ là học sinh giỏi, học ở những trường chuyên, lớp chọn.
Bên cạnh đó, rối loạn tình dục, giấc ngủ, rối loại ăn uống đều liên quan tới tâm thần. Nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng cũng gặp các sự cố về sức khỏe tâm thần mà căn nguyên gốc liên quan đến stress.
“Stress có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội, áp lực học tập, áp lực công việc, rối loạn tình dục, rối loạn giấc ngủ… cũng dẫn đến stress. Lạm dụng tình dục ở Việt Nam cao cũng gây sang chấn tâm lý. Điều đáng nói, lạm dụng tình dục thường ở người thân và gây rối loạn ám ảnh suốt đời cho nạn nhân”, TS Dương Minh Tâm cho biết.
Stress kéo dài gây ra những hệ lụy rất lớn cho bệnh nhân. Chi phí y tế cho điều trị rối loạn lo âu gấp 3 lần các bệnh nội khoa thông thường. Đặc biệt, hơn 90% số người tự tử có rối loạn tâm thần. Tại Việt Nam, theo UNICEF, năm 2018, có tới 12% trẻ em độ tuổi từ 14 đến 18 mắc các rối loạn liên quan tới stress, như trầm cảm, rối loạn lo âu, sợ cô đơn…
Theo TS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần quốc gia, một người nếu thấy trước đây khỏe, mà nay xuất hiện triệu chứng mệt mỏi âu lo kéo dài, mất ngủ, khó thở, đau đầu hay các hiện tượng về tim mạch (hồi hộp, trống ngực) nhưng không thể giải thích được về mặt cơ thể, không tìm thấy căn nguyên và triệu chứng... nên đến khám ở các chuyên khoa sức khoẻ tâm thần.
Các rối loạn có liên quan đến stress hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị với chi phí không tốn kém. Điều quan trọng nhất là người bệnh cần có lối sống khoa học và luôn quan tâm tới sức khỏe bản thân; cân bằng thời gian hợp lý cho mối quan hệ gia đình, bạn bè, công việc và thư giãn...
Bên cạnh đó, người dân cần hiểu biết về bệnh, để có thể tìm sự trợ giúp khi cần thiết. Như vậy, mỗi người sẽ tự đẩy lùi stress, chủ động bảo vệ sức khỏe tâm thần của chính mình.