Ký sự pháp đình

11 lời xin lỗi muộn màng sau án mạng “chia tay đòi tiền”

An Dương 22/08/2024 - 12:54

Xuyên suốt phiên tòa và trong phần nói lời cuối cùng trước khi HĐXX vào nghị án, 11 bị cáo trong vụ án “Giết người” vì mâu thuẫn yêu đương đều đồng loạt quay về phía người mẹ của bị hại để nói lời xin lỗi từ đáy lòng. Người mẹ đó nhiều lần nhỏ lệ ôm di ảnh con vào lòng. Chỉ nhất thời sai lầm, các thanh niên đều phải trả giá rất đắt cho sự thiếu hụt kỹ năng sống và lỗ hổng về kiến thức pháp luật.

Vụ án khởi nguồn từ một tình yêu dang dở giữa anh Lê Đoàn Phước Sơn và chị Phạm Thị Mỹ Tiên (cùng ngụ TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Mối quan hệ tình cảm ban đầu tốt đẹp, quá trình yêu đương của đôi bạn trẻ phát sinh mâu thuẫn do xuất hiện “người thứ ba”. Khi đang yêu anh Sơn, chị Tiên nảy sinh thêm tình cảm với Nguyễn Đình Mến (SN 1992) nên chủ động chia tay tình nhân.

Trước khi “đường ai nấy đi”, chị Tiên đòi tình cũ phải hoàn lại 1 triệu đồng vay mượn trước đó. Nghĩ người yêu “có trăng quên đèn” nên anh Sơn chủ động nhắn tin, thách thức hẹn gặp Mến để giải quyết mâu thuẫn tình cảm.

Theo cáo trạng và lời khai các bị cáo tại phiên tòa, chiều 15/2/2022, chị Tiên cùng Phan Thanh Trí (anh em họ của Sơn) và một số người bạn đến phòng trọ của tình cũ để đòi tiền và giấy cầm đồ. Tại đây, hai người có lời qua tiếng lại nên chị Tiên điện thoại kể lại sự việc cho Mến nghe. Mến liền nhờ Trí hẹn gặp Sơn nói chuyện giải hòa.

Trí liền thiết lập cuộc hẹn để “tình cũ” và “tình mới” của chị Tiên gặp nhau ở gần Trường THPT Dĩ An giải quyết vướng mắc. Anh Sơn nói với Mến khoảng 30 phút sau sẽ xoay tiền trả nợ cho Tiên.

Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, Sơn lại hẹn Mến, Tiên ra quán ốc Cây Điệp (phường Tân Đông Hiệp) để trả tiền. Anh Sơn trả cho chị Tiên 500.000 đồng và hẹn sẽ trả thêm 500.000 đồng vào thời gian khác, Tiên đồng ý nên cùng tình mới đi về.

Mến khai nhận: Đến khoảng 23 giờ 45 cùng ngày, bị cáo nhận được cuộc gọi của anh Sơn, thể hiện thái độ bực tức hẹn gặp Mến để đánh nhau. Lúc này bị cáo đang ngồi cùng Trí, nghe xong Trí xin đi cùng bị cáo đến gặp Sơn để giải hòa vì Trí là anh em họ hàng với Sơn. Bị cáo nghe xong liền đồng ý.

Câu chuyện mâu thuẫn tình ái giữa hai người đàn ông bỗng bị Mến “xé ra to” khi trên đường đi, Mến gọi điện thoại cho Văn Tấn Sang (SN 1996) kể việc bị thách thức rồi nhờ Sang cùng đến hỗ trợ đánh nhau.

Lúc này Tấn Sang đang ngồi ăn uống với Nguyễn Sanh Thiều (SN 1991), Nguyễn Phan Bảo Long (SN 2000), Tống Hoàng Hải (SN 1996) và Nguyễn Trần Quốc Huy (SN 1996) tại khu vực làng đại học thuộc phường Đông Hòa, TP. Dĩ An.

Cả nhóm nghe Tấn Sang nói liền đồng ý tham gia. Đây là bước ngoặt cuộc đời của nhóm thanh niên này.

anmang.jpeg
Đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng truy tố Mến và đồng phạm

Số người bị lôi kéo vào mâu thuẫn của Mến chưa dừng lại. Do Mến nhờ Thành mượn hung khí nên nhóm Thành kéo nhau đến quán Karaoke Phúc Long 1 gặp nhóm Nguyễn Hoàng Thịnh (SN 1997), Nguyễn Hữu Thành (SN 1992), Nguyễn Thành Tài (tự Ba Lấy, SN 1991), Lê Hoàng Phi Tùng (SN 1996) và một số đối tượng khác đang ngồi ăn nhậu.

Nguyễn Hoàng Thịnh nghe nhóm Thành nói xong liền vào kho của quán Phúc Long 1 lấy bao mã tấu ra ngồi lên xe cho Hải chở đi. Hai nhóm cùng đến ngã 3 Cây Điệp và gặp Mến.

Sau đó, cả nhóm đi theo Mến đến khu nhà trọ của anh Sơn. Lúc này, Thịnh để bao mã tấu xuống đất, Thành, Tấn Sang, Tài, Thịnh mỗi người cầm 01 cây mã tấu đi vào trong khu nhà trọ tìm bị hại để đánh.

Do không thấy Sơn trong nhà trọ nên cả nhóm Mến đi ra, để lại mã tấu cho Thịnh cất vào bao chở đi. Nếu sự việc kết thúc ở đây thì bi kịch có thể đã bị chặn đứng.

Tuy nhiên, khi cả nhóm chạy ra đường Lê Hồng Phong, phường Tân Đông Hiệp, chợt Mến nhìn thấy Sơn, Mến hô hào tấn công. Thịnh cầm mã tấu chạy đến tấn công, 1 người trong nhóm Mến dùng xe mô tô húc Sơn té ngã xuống đường. Anh Sơn ngồi dậy bỏ chạy nhưng bị đuổi đánh gục xuống đường.

Sau khi thấy tình địch nằm bất động, Mến cùng đồng phạm lên xe bỏ đi. Sang được Trí đưa đến Bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Sau đó, Mến cùng 10 đồng phạm nêu trên lần lượt bị bắt giữ và truy tố về tội “Giết người”.

Tại phiên tòa vừa được TAND tỉnh Bình Dương xét xử, 11 bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Đặc biệt là Mến thể hiện sự ân hận, quay xuống xin lỗi mẹ của bị hại Sơn đang ngồi ôm di ảnh con trai khóc nức nở.

Mến cũng xin lỗi các bị cáo đồng phạm vì nhất thời không kiểm soát được cơn giận, nhờ các bị cáo tham gia đánh nhau dẫn đến “vạ lây”, khiến tất cả cùng sa vòng lao lý.

Mẹ bị hại ôm di ảnh con, bày tỏ mong muốn yêu cầu buộc các bị cáo bồi thường nhiều khoản tiền vì Sơn là lao động chính của gia đình, bà lại “nay ốm mai đau”.

Vị Thẩm phán chủ tọa nhẹ nhàng giải thích quy định về bồi thường tổn thất tinh thần để bà hiểu rõ, đồng thời phân tích hãy để bị hại được an nghỉ, không nên mang di ảnh đến phiên tòa, cũng là sự thể hiện văn hóa pháp đình… Bà mẹ thấu hiểu điều đó nên mong tòa xử lý theo pháp luật.

Điều khiến bà mẹ được an ủi phần nào là tất cả các bị cáo đều nhận thức rõ lỗi lầm, quay xuống để xin được bà tha thứ cho phút giây dại dột, nông nổi. Bị cáo Tài trình bày: Do nhận thức chỉ nghĩ là đi theo các bị cáo, không hề bàn bạc trước việc giết người nên khi xảy ra vụ án, bị truy tố với tình tiết “có tính chất côn đồ” với mức án rất nghiêm khiến bị cáo rất lo lắng. Nay ân hận thì đã muộn màng.

Cái giá phải trả cho sự dại dột của Tài cùng những thanh niên tham gia đánh nhau là hình phạt rất nặng của pháp luật. HĐXX tuyên phạt Mến 18 năm tù; Thành, Thiều mỗi bị cáo 15 năm tù; Sang, Tài, Tùng, Hải mỗi bị cáo 14 năm tù; các bị cáo khác lãnh 12 năm tù về tội “Giết người”.

Phiên tòa kết thúc trong sự tiếc nuối của các bị cáo, sự thẫn thờ của các ông bố bà mẹ dự khán. Kỹ năng sống, kiến thức pháp luật không phải tự nhiên mà có, đó là sự giáo dục từ gia đình, nhà trường, sự học hỏi, tích lũy của mỗi người. Tiếc thay, các bị cáo đều thiếu hụt và phải trả cái giá quá đắt cho sai lầm đầu đời. Vụ án này là bài học không của riêng ai…

(Tên người bị hại đã được thay đổi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
11 lời xin lỗi muộn màng sau án mạng “chia tay đòi tiền”