Các vụ cháy vẫn liên tiếp xảy ra, không phải không tìm ra nguyên nhân; chi 1200 tỷ đồng và sắm thiết bị hiện đại nhất nước, càng không phải do trang bị không đáp ứng công tác PCCC; và Hà Nội vẫn đang loay hoay để chữa cháy.
Hà Nội liên tiếp xảy ra cháy
“Lại cháy rồi”, "Sao dạo này cháy nhiều thế”… là những câu cửa miệng không còn xa lạ với người dân Thủ đô thời gian gần đây mỗi khi nghe tiếng còi hú của xe cứu hỏa, hoặc mở mạng xem tin tức. Cháy nhà, cháy căn hộ, khu tập thể, cửa hiệu và đặc biệt là khu chung cư đã trở thành nỗi khiếp sợ của không ít người dân và doanh nghiệp. Nếu ai đó đã dùng từ kinh hoàng để mô tả cảm xúc mệt mỏi, bất lực trước những trận tắc đường khiến hàng nghìn người đông cứng nhiều tiếng đồng hồ trong mưa, bão tại Hà Nội, thì cháy đã thực sự trở thành nỗi khiếp sợ của người dân Thủ đô trước những trận “càn, quét” liên tục của “bà hỏa”.
Chỉ điểm qua trong vòng 2 tháng trở lại đây những vụ cháy đã xuất hiện liên tiếp gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, đe dọa tính mạng của người dân và cán bộ, nhân viên tại nơi làm việc: 23 giờ 58 phút ngày 14/10/2015 đã xảy ra cháy tại xưởng sản xuất tái chế nhựa của ông Nguyễn Văn Tất và xưởng sản xuất ống nhựa dẫn nước của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hòa Anh ở Cụm làng nghề Ninh Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Vụ hỏa hoạn khiến gần 1.000m2 nhà xưởng hai nơi này bị thiêu rụi hoàn toàn; 25/11, một đám cháy bùng phát tại phòng tập gym ở tầng 2 của khu chung cư Vimeco (Cầu Giấy, Hà Nội), sau đó lửa lan rộng bốc lên nghi ngút từ bên trong phòng tập khiến nhiều đồ đạc bị thiêu rụi, cửa kính vỡ phát ra những tiếng nổ, hàng trăm cư dân tháo chạy xuống đất...
Cháy chung cư Xa La Hà Đông thiêu rụi hơn 1.000 ô tô xe máy
Đặc biệt, người dân Thủ đô hẳn chưa hết bàng hoàng trước một loạt vụ cháy mới diễn ra tại các khu chung cứ CT6, CT5 Xa La, HH4 Linh Đàm, CT4 tại khu đô thị Xa La đều là công trình thuộc cùng một chủ đầu tư "Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản: Chung cư HH4 Linh Đàm xảy ra cháy lớn lúc hơn 10h sáng ngày 16/9. Rất nhiều người mắc kẹt trong tòa nhà và phải đợi lực lượng chữa cháy huy động xe thang giải cứu. May mắn đã có 25 người được giải cứu, 43 người thoát nạn; 20h30 ngày 20/9, tại sảnh B, hộp điện tại tầng 9 của chung cư CT5 Xa La- Hà Đông phát hỏa, chỉ đến khi khói theo hộp kỹ thuật bốc lên dày đặc các tầng trên thì người dân mới phát hiện ra. Người già, trẻ con bồng bế nhau tay xách nách mang, hít phải khói ho sặc sụa, tháo chạy theo cầu thang bộ xuống dưới tầng. Sau vụ cháy, nhiều người dân lo sợ không dám trở lại phòng để ngủ, họ quyết định rủ nhau đi thuê nhà nghỉ ngủ qua đêm; 19h ngày 11/10, sau tiếng nổ lớn tại chung cư Xa La, Hà Đông, ngọn lửa nhanh chóng tạo khói dày đặc bốc lên các tầng cao hơn khiến hàng trăm người sinh sống tại khu vực này bị mắc kẹt trong chính căn hộ của mình. Công tác cứu hộ gặp khá nhiều khó khăn, nhiều người bị ngạt khói và 1 chiến sĩ cảnh sát trong quá trình cứu hộ bị thương phải nhập viện cấp cứu.
1.200 tỷ sắm thiết bị, vẫn loay hoay chống cháy
Bài viết này không lạm bàn đến nguyên nhân, hay chỉ ra trách nhiệm để xảy ra cháy liên tiếp trên địa bàn Hà Nội, bởi đã có nhiều cuộc họp, hội thảo diễn ra nhằm giải đáp và bàn cách khắc phục tình trạng này. Giữa tháng 11 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có những chỉ đạo quyết liệt tại Cuộc họp liên ngành về việc bảo đảm an toàn PCCC cho các khu chung cư (Xem thêm tại đây) . Báo cáo tại cuộc họp, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đã thống kê 5 năm gần đây, cả nước xảy ra 11.788 vụ cháy, làm chết 339 người, bị thương 906 người, thiệt hại về tài sản 6.505 tỷ đồng. Riêng năm 2015, xảy ra 2.600 vụ cháy, làm chết 54 người, bị thương 215 người, thiệt hại 1.026 tỷ đồng, trong đó có 16 vụ cháy khu chung cư, nhà cao tầng và đặc biệt các vụ cháy chung cư HH4A Linh Đàm ngày 16/9, cháy tầng hầm tòa CT4A, CT4B Khu đô thị Xa La ngày 11/10 đã được dẫn ra làm ví dụ điển hình cần khắc phục.
Và không nói đâu xa, ngay buổi chất vấn HĐND Thành phố Hà Nội chiều qua (3/12) liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), các đại biểu (ĐB) tiếp tục đặt ra những câu hỏi khiến các lãnh đạo ngành chức năng của Hà Nội phải đau đầu, diễn giải vòng vo.
ĐB Hoàng Mạnh Phú nêu, hỏa hoạn không chỉ ảnh hưởng tài sản, tính mạng mà cả tâm lý và lòng tin của dân. Từ góc độ quản lý nhà nước, các sở ngành tham mưu thành phố thế nào về quy hoạch, thực hiện quy hoạch, thanh tra, giám sát. Luật đã có rồi, vi phạm thì ai chịu trách nhiệm?
Trả lời các chất vấn của hai ĐB Hoàng Mạnh Phú, Đại tá Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội cho biết, vừa qua, UBND TP giao Cảnh sát PCCC phối hợp cùng đơn vị, ngành chức năng khảo sát điều tra, đánh giá tổng thể thực trạng nhà chung cư tồn tại liên quan đến PCCC. Qua điều tra, ngoài 643 nhà chung cư mà báo cáo của UBND TP đã nêu, Hà Nội có 891 nhà và công trình cao tầng chuyên năng khác, Trong đó có 779 công trình đã đưa vào hoạt động và 112 công trình đang thi công. Ngay cả các công trình đang thi công, qua thực tiễn thấy có nhiều tồn tại bất cập, gây cháy, hoả hoạn… Tiếp đến, ông Định phân tích các nguyên nhân rồi đưa ra kết luận “Từ đó, UBND TP và Bộ Công an giao Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng như các đơn vị, ngành chức năng khảo sát điều tra cơ bản lại cho kỹ và đánh giá rõ, sâu, cụ thể vè thực trạng tình hình, đề ra giải pháp”.
Khoảng 23h đêm 23/9, Luxury Club – một trong những bar lớn nằm trên phố Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) đã bốc cháy ngùn ngụt
Đối với câu hỏi của ĐB Nguyễn Hoài Nam - Trưởng Ban Pháp chế HĐND Thành phố đặt vấn đề việc PCCC chưa được nhìn nhận chưa đầy đủ. Từ thực tế đi giám sát của Ban Pháp chế, ông Nam nêu thực trạng 3 không ở nhiều khu chung cư tái định cư: không hệ thống báo cháy, không hệ thống chữa cháy tự động, không hệ thống chữa cháy vách tường. Vậy các ngành chức năng của Thành phố có biết việc này? Bao giờ và ai sẽ phải làm, sẽ khắc phục ngay hệ thống máy bơm dùng cho PCCC bị hư hỏng?
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn mặc dù ngay từ đầu đã khẳng định, PCCC gần đây “là vấn đề nóng, đang gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân”. Nhưng khi trả lời lại dài dòng giải thích về thể chế pháp luật về PCCC rất đầy đủ, quy định rõ và cụ thể về trách nhiệm của các ban, ngành, đơn vị và người dân. Nếu từng người không có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn tài sản của mình thì việc đầu tư cho PCCC bao nhiêu cũng không đủ. Lấy phòng ngừa là chính và đây là biện pháp lâu dài, bền vững. Khi xảy ra cháy thì dù trang bị hiện đại, đông đảo lực lượng thì cũng khó mà cứu chữa kịp thời…
Ông Sơn đơn cử, khi xảy ra vụ cháy ở khu chung cư Xa La, UBND chỉ đạo PCCC kiểm tra rà soát toàn bộ các khu dân cư, xem đúng quy trình quy chuẩn. Nếu có vi phạm sẽ rà soát, tham mưu thành phố để có giải pháp khắc phục…
Ngoài ra, ông Sơn cũng dành thời gian nói về việc đầu tư cho PCCC: Hà Nội là nơi có trang thiết bị PCCC hiện đại nhất cả nước. Thành phố rất quan tâm, đầu tư, hỗ trợ 100% trang thiết bị, hỗ trợ địa điểm xây trụ sở cho lực lượng cảnh sát PCCC. Chi 1.200 tỷ đồng trang thiết bị hỗ trợ cho lực lượng này…
ĐB Nguyễn Hoài Nam sau đó đã tái chất vấn vì cho rằng, phần trả lời của Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn đã không đúng ý ĐB đã hỏi. Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn xin được tiếp thu và trong thời gian tới, khi có phương án cụ thể, sẽ báo cáo lại với ĐB và HĐND. Phó Chủ tịch nhấn mạnh "đây là vấn đề thành phố rất quan tâm, cả hệ thống chính trị quan tâm".
Làm rõ thêm về công tác PCCC, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội cũng cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động tháng 7/2011, lực lượng PCCC đã phát triển về mô hình tổ chức và biên chế, với 15 đơn vị tại các quận, huyện và cũng đã có mạng lưới trên cả địa bàn. Dự kiến đến năm 2020 có từ 4.000-4.500 chiến sĩ làm nhiệm vụ PCCC. Tuy nhiên, trong bối cảnh thắt chặt biên chế, việc phát triển lực lượng cũng gặp nhiều khó khăn.
Về trang bị phương tiện kỹ thuật, đến nay, Hà Nội có 209 xe phương tiện chữa cháy, trong đó có 83 xe chữa cháy, 16 xe thang (với tầm cao từ 30m trở lên)... Ngoài ra còn có nhiều xe tải, bán tải, cứu thương, mô tô chữa cháy, thang tự hành.... So với thời kỳ trước khi thành lập, trang bị của cơ quan PCCC đã được nâng lên đáng kể, hiện đại.
Qua theo dõi, đánh giá trong nhiều năm và qua điều tra cơ bản, Giám đốc Cảnh sát PCCC Thành phố cho rằng, nguy cơ cháy nổ vẫn còn tiềm ẩn và gia tăng, do đặc điểm về phát triển kinh tế xã hội, điều kiện hạ tầng xã hội, thời tiết... Trung bình mỗi năm Hà Nội xảy ra 150-200 vụ cháy lớn. Trung bình mỗi năm Hà Nội xảy ra 150-200 vụ cháy lớn. Bên cạnh đó còn 500-700 sự cố cháy. Theo ông Định, sự cố này tiềm ẩn nguy cơ cao nếu không phát hiện, chữa cháy kịp thời có thể thành vụ cháy lớn, gây hậu quả khôn lường.
PCCC không nằm ở con số 1.200 tỷ đồng
Như vậy hai lãnh đạo đầu ngành của hà Nội đều có chung ý kiến là về cơ sở vật chất đầu tư cho công tác PCCC là khá đầy đủ, trang bị hiện đại đáp ứng cơ bản về PCCC của Thủ đô. Đặc biệt với mức chi 1.200 tỷ đồng để mua sắm thiết bị, cùng với việc tới đây, theo theo quy định tại thông tư 60 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, Hà Nội là một trong hai thành phố trên cả nước được trang bị máy bay chữa cháy và cứu hộ, chừng ấy thôi, người dân Thủ đô đã có quyền yên tâm rằng, các vụ cháy trong Thành phố sẽ khó có thể xảy ra.
Vậy tại sao các vụ cháy lại vẫn xảy ra ngày càng thường xuyên với mức độ nghiêm trọng hơn? Tại sao người dân và ĐB vẫn bất an? Và đơn giản hơn, tại sao các vị đầu ngành vẫn chưa thể giải đáp thỏa đáng câu hỏi của ĐB?
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu kết luận phần chất vấn HĐND chiều 3/12
Vấn đề Trách nhiệm đã được Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhắc đến trong phần nhận xét kết thúc phần chất vấn liên quan công tác PCCC của Hà Nội: Phần trả lời của Giám đốc Cảnh sát PCCC là chưa rõ ràng, chưa bám sát chức năng, nhiệm vụ của ngành. Qua giám sát, nguy cơ cháy nổ trên địa bàn đang tiềm ẩn ở mức rất cao, nếu không phòng chống thì hậu quả rất nghiêm trọng. Nhưng một số đơn vị, ban, ngành, quận, huyện, thị trấn vẫn chưa thực sự chú trọng tới công tác PCCC. Việc tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC cho người dân, đơn vị vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị, người đứng đầu các quận, huyện, sở, ngành phải tăng cường trách nhiệm; cơ quan PCCC phải tăng cường tuyên truyền PCCC, tập trung xây dựng lực lượng, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại công tác PCCC tại các khu chung cư, doanh nghiệp... có nguy cơ cháy nổ cao, sớm trình UBND Thành phố quy hoạch về PCCC trên địa bàn Thành phố.