Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết và mùa lễ hội 2019

Thảo Nguyên| 18/01/2019 19:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhiều dịch bệnh có nguy cơ tái xuất, đặc biệt là sởi, thủy đậu... Ngày 18/1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã tổ chức cung cấp thông tin về công tác, giải pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018 và trong dịp Tết.

Cảnh báo nguy cơ lây bệnh

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2018, Việt Nam không ghi nhận sự xâm nhập của các bệnh nguy hiểm mới nổi. Các dịch bệnh lưu hành tiếp tục được khống chế. Tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh dịch truyền nhiễm lưu hành thấp hơn so với trung bình giai đoạn 5 năm qua, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Các bệnh truyền nhiễm có vắc xin tiêm phòng có tỷ lệ giảm mạnh do duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao. Tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh.

Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất vắc xin cúm mùa 3 trong 1 gồm cúm A(H1N1)/9, A(H3N2), cúm B, vắc xin cúm tiền đại dịch A(H5N1) - đây là loại vắc xin cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí. Cùng với đó, vắc xin sởi do Việt Nam sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được nhận giải thưởng của Chủ tịch cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Ngày 18/10/2018, WHO công bố Việt Nam đã loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết ra khỏi các vấn đề y tế công cộng.

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết và mùa lễ hội 2019

Vệ sinh môi trường hạn chế dịch bệnh xảy ra vào dịp giáp Tết. Ảnh minh họa

"Tuy nhiên, do nhiều yếu tố ảnh hưởng như thay đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao, di biến động dân cư từ nông thôn ra đô thị, sự giao lưu ngày càng gia tăng giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới… một số bệnh truyền nhiễm còn lưu hành như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết có số ca mắc gia tăng cục bộ vào các tháng cao điểm. Bệnh sởi ghi nhận rải rác, lẻ tẻ tại một số tỉnh, thành phố nhưng không thành ổ dịch tập trung cũng đã được can thiệp, giải quyết kịp thời tránh được nguy cơ lan rộng và bùng phát thành dịch lớn", ông Phu cho hay.

Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội tới đây, điều kiện khí hậu đông - xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi; đặc biệt sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn… làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những người sức khỏe yếu, trẻ em hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, ốm. Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh con người, nhất là các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), sởi, rubella, liên cẩu lợn, tiêu chảy…

Với những người mắc các bệnh mãn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là với người già và trẻ em.

Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo nguy cơ về các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm không đạt vệ sinh. Thời điểm Tết, thói quen sinh hoạt, ăn uống của nhiều người dân thường bị đảo lộn. Có cái quá thừa hoặc quá thiếu dẫn tới bộ máy tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng. Thậm chí, một số người sử dụng phải các thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh nên dễ dẫn đến mắc các bệnh về đường tiêu hóa.

"Đơn cử như số ca bệnh liên quan đến liên cầu khuẩn (lợn) do người dân ăn phải các sản phẩm từ lợn mà chưa được nấu chín, nhất là tiết canh lợn vẫn xuất hiện. Vì thế, người dân cần phải biết nói không với các loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh, nên ăn các thực phẩm đã được nấu chín để đảm bảo an toàn cho sức khỏe", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.

Chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm

Trong công tác phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế yêu cầu Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh để nắm chắc tình hình bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nhập viện trong dịp Tết Nguyên đán và trong mùa lễ hội đầu năm để phát hiện sớm các ổ dịch cũng như chia sẻ tình hình dịch bệnh tại cộng đồng để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở y tế. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm hạn chế tối đa các bệnh lây truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.



Địa phương chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch; sẵn sàng các đội cơ động phòng chống dịch, tổ chức thường trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ lễ, tết để kịp thời triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Để chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan trong dịp tết, mùa lễ hội, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:

- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.

- Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).

- Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết và mùa lễ hội 2019