Chú thích cho ảnh tư liệu: Phải thật cẩn trọng

21/06/2012 09:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây, báo chí nói nhiều về tình trạng chất lượng dạy môn lịch sử ở ta ngày càng giảm sút. Theo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong các kì thi Đại học mấy năm qua, lịch sử là môn có tỉ lệ học sinh đạt yêu cầu thấp nhất trong các môn.

Nhưng lịch sử là gì, nó được nhen nhóm từ đâu nếu không phải là qua các bài thầy giảng trên lớp, qua các cuốn sách, bài báo mà các em được tiếp cận, trong đó một phần không nhỏ là những bức ảnh tư liệu. Chính bởi vậy, nếu người làm sách, làm báo thiếu cẩn trọng, đặc biệt là trong khâu chú thích ảnh, thì ít nhiều họ cũng gián tiếp góp phần làm cho các em hiểu không đúng, không chính xác về lịch sử. Và cái hiện tượng “sai một ly, đi một dặm” là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Những ai làm công tác báo chí, xuất bản hẳn đều biết, việc lựa chọn những bức ảnh tư liệu để in kèm bài viết, minh họa cho bài viết là một thao tác không thể thiếu nếu muốn cho trang báo, cuốn sách thêm sinh động. Song có một thực tế là, do những nguyên nhân khách quan, nhiều bức ảnh ta tìm được có thể đẹp và hợp, song phần chú thích lại khá chung chung, bởi vậy khi dùng, lắm lúc ta phải “sáng tạo thêm” cho nó một cái tên, sao cho có thể phù hợp với chủ đề bài viết hoặc vấn đề mà ta cần bạn đọc lưu ý. Vấn đề là thao tác ấy không làm sai lạc nội dung cốt yếu của ảnh “gốc”và không gây phản cảm với người đọc.

Quan sát các cách chú thích, đặt tên ảnh trên sách, báo, tôi nhận thấy các nhà biên soạn (hoặc biên tập viên) thường mắc mấy lỗi sau đây: 

1. Chú thích theo một “mẫu” ảnh nào đó:

Nghĩa là, giữa hai bức ảnh có cấu tứ tương tự, nhưng khác nhau về một số chi tiết cụ thể, họ thường qui tụ về một điểm chung.  

Trong cuốn “Tổng tập hồi ký” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do NXB Quân đội nhân dân ấn hành tháng 3-2006, bức ảnh ghi lại cảnh Bác Hồ cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt đang quây quần bên tấm bản đồ trải rộng trước một bàn gỗ đơn sơ, trong căn nhà cửa phên vách nứa đã được chú thích là “Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng nghiên cứu kế hoạch chiến dịch Biên giới, năm 1950”. Trên một số tài liệu phổ biến khác, bức ảnh cũng được chú thích tương tự. Riêng cuốn “Lê Văn Lương - trọn đời vì sự nghiệp của Đảng” do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2000, bức ảnh lại được chú thích là: “Bộ Chính trị họp bàn giải phóng Điện Biên - năm 1954”. Rõ ràng đây là một sự sai lệch lớn. Có lẽ các nhà làm sách đã nhầm bức ảnh này với bức ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị bàn chủ trương tác chiến Đông Xuân 1953 -1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Bức ảnh này cũng có các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn  Đồng, Võ Nguyên Giáp… nhưng  không có hai đồng chí Lê Văn Lương và Hoàng Quốc Việt. Tiếc là sách được thực hiện khi đồng chí Lê Văn Lương đã mất, chứ sớm hơn thì chắc sẽ không có sự sai sót nói trên.

Chú thích cho ảnh tư liệu: Phải thật cẩn trọng

Năm 1949, Đoàn đại biểu Nam bộ từ miền Nam ra thăm miền Bắc đã tới quây quần bên Hồ Chủ tịch  Ảnh: TL

Cũng vậy, hiện chúng ta đang sở hữu một số bức ảnh ghi lại bầu không khí cách mạng sục sôi của Hà Nội trong những ngày tháng 8 - 1945. Có một bức ảnh rất phổ biến thường được in lại trên sách báo mỗi khi ta nhắc tới sự kiện nói trên. Đó là bức ảnh ghi lại cảnh quân và dân ta tập trung trước khu vực quảng trường Nhà hát Lớn. Từ trên nóc Nhà hát Lớn, lá cờ đỏ sao vàng được thả xuống trước sự chứng kiến đầy tự hào, phấn khích của bao con người. Bức ảnh này thường được chú thích ngắn gọn là “Hà Nội ngày 19-8-1945”. Tuy nhiên, trong cuốn biên niên sử “Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 - Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu” (NXB Lao động, 1999), nội dung ảnh lại được chú thích là “Mít tinh trên Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 31-8-1945”. Dưới bức ảnh còn có dòng tên tác giả: Nguyễn Bá Khoản. Cách chú thích nội dung kỹ càng cùng sự ghi dấu tên tác giả ảnh khiến ta có thể xem đây là một cứ liệu đáng tin cậy. Vậy mà, trong cuốn “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam” (NXB Công an nhân dân, 2003), cũng vẫn bức ảnh này lại được chú thích ra thành “Chính quyền Cách mạng ra mắt nhân dân tại Thủ đô Hà Nội tháng 8-1945”. Dòng chú thích này có thể làm không ít người ngỡ ngàng vì ở Hà Nội bấy giờ, người ta chỉ biết đến sự kiện Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Hà Nội ra mắt quần chúng trong cuộc mít tinh lớn trước Bắc Bộ phủ (chứ không phải trước Nhà hát Lớn) vào ngày 20-8-1945. Còn Chính phủ lâm thời thì như chúng ta đã biết, phải đến ngày 2-9-1945 mới làm lễ ra mắt quốc dân.

Lại một trường hợp khác. Trong cuốn hồi ký “Nhớ lại một thời” của nhà thơ Tố Hữu (NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2000) có in kèm một số bức ảnh tư liệu giá trị. Người đọc rất xúc động trước bức ảnh nhà thơ với vẻ mặt buồn đau đang quàng ôm một bé trai chừng hơn mười tuổi, ấp mặt em vào ngực mình. Xung quanh ông còn nhiều học sinh khác, ngực đeo khăn quàng đỏ cũng đang nức nở. Bức ảnh được ghi chú: “Tố Hữu và các em thiếu nhi trong ngày Bác mất”. Tôi thực sự ấn tượng với bức ảnh này. Nhìn các em nhỏ của chúng ta trong cảnh tượng trên, khó ai có thể cầm được nước mắt. Vậy nhưng, xem bức ảnh, cô con gái đầu của tôi lại bảo: “Bố ơi, mọi người kể, ngày Bác Hồ mất, trời mưa to lắm cơ mà. Trong bức ảnh này, mọi người đều đầu trần đứng giữa trời nhưng có thấy ai bị ướt đâu”. Tôi chợt giật mình. Quả đúng là ngày Bác mất trời mưa tầm tã. Thì Tố Hữu chẳng từng đã viết: “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/ Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa/ Chiều nay con chạy về thăm Bác/ Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa”. Và tôi cũng nhớ ra là, Bác mất vào hồi 9 giờ 47 phút ngày 2-9, nhưng vì lý do “để ngày Bác mất không trùng với ngày vui lớn của cả dân tộc”, Đảng ta đã quyết định phải lui đến ngày hôm sau mới công bố cái tin đau thương ấy với đồng bào. Cho nên, cách chú thích “… trong ngày Bác mất” là chưa chính xác. Có lẽ đề lại là: “… trong ngày truy điệu Bác” thì đúng hơn, nhất là khi trên ngực các em thiếu nhi đều có đính băng đen.

2. Chú thích thêm cho “mềm mại”:

Đã là người làm báo, làm sách, hẳn ai cũng ít nhiều gặp lúng túng khi không biết tìm đâu ra những bức ảnh thật sát với nội dung bài mình viết hoặc đang biên tập, nhất là với những bài có tính “xã luận”. Vậy là, cái “mẹo” cơ bản họ sẽ dùng tới: Nghĩ ra một chú thích mới để lái bức ảnh lịch sử ấy “minh họa” cho bài. Không ít trường hợp họ “chỉnh” lại chú thích ảnh theo cách mà họ nghĩ là “mềm mại”, “có nghệ thuật”. Nhưng đây là một việc làm đòi hỏi sự cẩn trọng và tinh tế, đặc biệt là phải có kiến thức lịch sử.

Nhiều bạn đọc từng được chiêm ngưỡng bức ảnh Bác ngồi làm việc trong bộ bàn ghế mây đặt trên thảm cỏ ở vườn Phủ Chủ tịch. Có thể nói, trong số những ảnh của Bác, đây là một trong những bức được sử dụng nhiều nhất. Bức ảnh đẹp một cách hoàn hảo, trên mọi phương diện. Và vì được sử dụng nhiều cho nên nội dung đây đó cũng có chỗ được các nhà báo, các nhà làm sách “cải biên”, khiến cho cùng một bức ảnh mà có nhiều kiểu chú thích khác nhau,

Nếu như trong cuốn Từ điển Văn học bộ mới, bức ảnh được chú thích một cách hết sức chân phương là “Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch” thì trên một tờ tạp chí, bức ảnh lại được chú thích một cách bay bổng bằng việc đính kèm câu thơ của Tố Hữu: “Mà thơ bay cánh hạc ung dung”. Ở một chỗ khác, bức ảnh cũng được gắn với hai câu thơ - vẫn của Tố Hữu, nhưng là hai câu về Bác trong kháng chiến chống Pháp: “Người ngồi đó, với cây chì đỏ/ Vạch đường đi từng bước, từng giờ”. Xem chú thích này, nhiều người cho rằng như thế là “hợp”. Nhưng cũng có người tỉ mẩn thì tỏ ra băn khoăn: Không rõ chiếc bút Bác đang cầm viết là bút chì hay bút mực. Và vì không phải ảnh màu nên không rõ chiếc bút ấy - nếu là bút chì, thì có phải là chì đỏ không?

Dẫu sao, cách đặt tên bức ảnh kiểu trên còn dễ nhận được sự đồng tình tán thưởng của bạn đọc. Cách “biến tấu” xem ra “lợn gợn” nhất có lẽ là việc chú thích cho bức ảnh là “Bác Hồ tự tay sửa bản in, duyệt bài của phóng viên TTXVN” (xem sách “Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với báo chí”, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2004). Thiết nghĩ, với một bức ảnh đẹp và biên độ mở đến như vậy, ta không nên gói nội dung của nó vào sự việc cụ thể, vụn vặt. Cũng có nhà báo đã gắn nội dung bức ảnh với việc Bác ngồi viết Di chúc, song xem ra cũng không ổn, vì theo như đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác tiết lộ, Bác bắt đầu soạn thảo Di chúc từ tháng 5-1965,  trong khi trước đó, năm 1964, Bác từng ký tặng bức ảnh này cho đồng chí Lê Văn Lương.

Nói vậy để thấy, việc chú thích ảnh sao cho vừa gây được hiệu quả cảm xúc vừa không làm phương hại tới tính chân xác lịch sử  là một việc cần phải được cân nhắc một cách hết sức kỹ lưỡng.

Hà Khải Hưng
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú thích cho ảnh tư liệu: Phải thật cẩn trọng