Các Ngoại trưởng ASEAN quan ngại về Biển Đông

(TH)| 09/07/2012 22:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau phiên khai mạc sáng 9-7 ở Phnom Penh, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 45 với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ 10 nước thành viên đã tập trung thảo luận các nội dung ưu tiên quan trọng của ASEAN và khu vực.

Các Ngoại trưởng ASEAN quan ngại về Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Pham Bình Mình tại phiên họp toàn thể Hội nghị ASEAN lần thứ 45. 

Phát biểu trong phiên khai mạc sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen khẳng định, duy trì hòa bình và an ninh khu vực là điều kiện không thể thiếu cho sự thịnh vượng và phát triển của toàn thể các nước ASEAN. Thủ tướng Hun Sen nêu rõ qua 45 năm thành lập, ngày nay ASEAN đã trở thành một thực thể chính trị và kinh tế hội nhập chặt chẽ, một thành viên có ảnh hưởng quan trọng tại châu Á và là đối tác chiến lược không thể thay thế của các nước lớn và tổ chức trên thế giới.

Những thành tựu to lớn của ASEAN là kết quả của cam kết và ý chí chính trị mạnh mẽ của các nước thành viên trong việc hợp tác chặt chẽ cùng nhau theo tinh thần thống nhất và đoàn kết, hữu nghị và hợp tác. Tinh thần đó càng được khẳng định qua chủ đề được nước chủ nhà Campuchia lựa chọn cho năm chủ tịch 2012 của mình là “ASEAN: Một cộng đồng, một vận mệnh”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, ASEAN vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức toàn cầu và khu vực. Trong đó phải kể đến khó khăn tại những nền kinh tế lớn, khủng hoảng nợ kéo dài tại châu Âu, an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, thiên tai, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia… Tất cả những thách thức này tạo ra mối đe dọa không nhỏ đối sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững mà ASEAN đã đạt được trong 45 năm qua và nỗ lực hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng nhấn mạnh việc ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; bảo đảm thực thi đúng hạn các thỏa thuận hợp tác đến năm 2015; đẩy mạnh công tác phối hợp cũng như huy động các nguồn lực cần thiết. Các Bộ trưởng nêu bật việc thực thi hiệu quả Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN và Kế hoạch công tác Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển sẽ góp phần quan trọng vào thành công của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Trong phiên thảo luận, các nước đề cao các nguyên tắc và mục tiêu chung của ASEAN đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực. Các Bộ trưởng nhấn mạnh việc ASEAN cần tiếp tục tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực, triển khai hiệu quả các văn kiện cơ bản như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)…

Các nước khẳng định ASEAN cần tiếp tục chính sách đối ngoại rộng mở, tăng cường quan hệ với các đối tác, khuyến khích họ tham gia và đóng góp xây dựng cho hợp tác chung ở khu vực, cũng như giải quyết các thách thức đặt ra. Các Bộ trưởng đánh giá cao việc các nước đã hoàn thành tốt nhiệm kỳ điều phối quan hệ giữa ASEAN với các đối tác (7/2009-7/2012), nhấn mạnh việc cần tiếp tục phối hợp trong ASEAN cũng như với các đối tác nhằm chuẩn bị và triển khai hiệu quả nhiệm kỳ điều phối mới (7/2012-7/2015).

Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, nhiều Bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên Biển Đông đối với hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực, đặc biệt là những diễn biến phức tạp, gây phương hại đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, trái với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS). Theo đó, các Bộ trưởng nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng vũ lực, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc và tinh thần DOC; các nước cần tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, phù hợp với UNCLOS 1982.

Các Bộ trưởng đánh giá cao việc ASEAN đã cơ bản hoàn tất tài liệu quan điểm về các thành tố chính của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), để từ đó khởi động tham vấn ASEAN-Trung Quốc về COC.

Cũng tại Hội nghị AMM-45, các Bộ trưởng đã ủng hộ đề cử nhân sự của Việt Nam vào vị trí Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 1/2013-12/2017 và nhất trí kiến nghị lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 (tháng 11/2012) bổ nhiệm chính thức.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định, ASEAN cần tiếp tục ưu tiên xây dựng Cộng đồng, triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều ở khu vực. Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục duy trì đoàn kết, tăng cường phối hợp cũng như giữ vai trò chủ đạo trong xử lý các thách thức đối với khu vực. Một ASEAN đoàn kết, vững mạnh và liên kết chặt chẽ chính là lợi ích chiến lược của các nước thành viên nói riêng và của ASEAN nói chung. Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần chủ động phát huy vai trò, thúc đẩy xây dựng một cấu trúc khu vực nhằm đóng góp hiệu quả cho các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác.

Về Biển Đông, Bộ trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình diễn biến phức tạp xảy ra gần đây trên Biển Đông; nhấn mạnh lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và mời thầu quốc tế 09 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982. Các vụ việc này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS 1982 và trái với tinh thần DOC, gây phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc về tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật biển của Liên hợp quốc, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, và tinh thần DOC đồng thời, ASEAN cần thể hiện vai trò chủ đạo, trách nhiệm và tinh thần xây dựng trong xử lý các vấn đề là lợi ích chung của khu vực; tạo môi trường cho các bên liên quan giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp.

PV
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các Ngoại trưởng ASEAN quan ngại về Biển Đông