An ninh mạng ở Việt Nam ngày càng “nóng”

congly.com.vn| 13/04/2012 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là cảnh báo của các chuyên gia tại Hội thảo - Triển lãm quốc gia Điện toán đám mây và An ninh bảo mật 2012 (Cloud Computing & Security World 2012) do Tổng cục Hậu cần kỹ thuật Bộ Công an, Trung tâm ứng cứu khấn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) Bộ thông tin &Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ - Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) phối hợp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23-3 tại

Hội thảo có nhiều tham luận bổ ích

Bùng nổ công nghệ thông tin


Trải qua 6 kỳ tổ chức liên tiếp, từ năm 2007, Hội thảo - Triển lãm quốc gia an ninh bảo mật đã trở thành diễn đàn quốc gia lớn, uy tín nhất Việt Nam trong lĩnh vực an ninh bảo mật. Năm nay, với sự kết hợp chủ đề Điện toán đám mây - Cloud Computing, sự kiện tiếp tục là điểm gặp gỡ, trao đổi về các dự án bảo mật thông tin cũng như cung cấp các ý tưởng, giải pháp ứng dụng điện toán đám mây hiệu quả cho cả hai khối Chính phủ và doanh nghiệp.


Tại hội thảo năm nay, 2 chuyên đề được đi sâu khai thác là "An toàn thông tin (ATTT) trong các cơ quan thuộc khối Chính phủ, đảm bảo cung cấp hiệu quả các “dịch vụ công điện tử" và "các giải pháp bảo mật, ATTT thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và các hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam". Bên cạnh đó, Hội thảo còn có những tham luận về các xu hướng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đang được quan tâm tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ATTT số quốc gia đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, các ứng dụng về Chính phủ điện tử và thương mại điện tử đều được đảm bảo ATTT ở mức cao nhất. Quy hoạch đặt ra 4 mục tiêu tổng quát đến năm 2020, hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia được đảm bảo ATTT bởi các hệ thống bảo mật chuyên dùng có độ tin cậy cao; hình thành mạng lưới điều phối ứng cứu sự cố về an toàn mạng và hạ tầng thông tin quốc gia với sự tham gia của các thành phần kinh tế.

Song song với chương trình Hội thảo, Triển lãm An ninh bảo mật cũng là nơi các doanh nghiệp an ninh bảo mật hàng đầu thế giới trưng bày các sản phẩm, thiết bị, giải pháp tiên tiến nhất về an ninh mạng lưới, an ninh đám mây, mật mã, bảo mật ATM, quản trị nhận dạng và kiểm soát truy cập...


Theo báo cáo của IDG về Chính phủ điện tử tại Việt Nam, trong năm 2011 đã có tới 90.000 dịch vụ trực tuyến được cung cấp ở mức độ 1-2; ở mức độ 3 có 800 dịch vụ và ở mức độ 4 - mức cao nhất của hệ thống Chính phủ điện tử - cũng có một số dịch vụ được cung cấp. Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến tháng 12-2011, Việt Nam có 13.500 ATM, 70.000 thiết bị thanh toán thẻ POS/EDC và 42 triệu thẻ ngân hàng; thương mại điện tử và giao dịch trực tuyến cũng phát triển rất mạnh mẽ. Khảo sát “Ảo hóa và xu hướng dịch chuyển sang đám mây” của Symantec năm 2011 cũng cho thấy, 46% tổ chức đang triển khai điện toán đám mây lai và ảo.


Đau đầu vì “tin tặc”


Tuy vậy, tình hình bảo mật và an ninh thông tin (ANTT) vẫn còn là vấn đề lo ngại lớn của nhiều quan chức chính phủ, doanh nghiệp khi quyết định sử dụng các dịch vụ trực tuyến, nhất là khi tình hình ANTT đối với tài nguyên trên mạng của Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp như thời gian gần đây là ghi nhận của hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo.


Cùng với việc viện dẫn số liện năm 2011 của Bkav ghi nhận có 64,2 triệu máy tính của Việt Nam bị nhiễm virus và 2.245 website của cơ quan doanh nghiệp bị tấn công, có 38.900 dòng virus xuất hiện mới và lây lan..., ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc IDG Asean cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do yếu kém về quản trị, không thường xuyên phát hiện, khắc phục lỗ hổng ANTT, ít quan tâm đến cảnh báo an ninh của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, dù không nằm ngoài xu hướng toàn cầu về sử dụng các dịch vụ trực tuyến, song Việt Nam vẫn ít quan tâm đến chi tiêu cho ANTT.

Theo lộ trình đến 2020, ngân sách nhà nước sẽ chi 765 tỷ đồng để thực hiện 6 dự án ưu tiên phục vụ mục tiêu phát triển ATTT số quốc gia đến năm 2020. Trong đó có các dự án: Xây dựng Trung tâm hệ thống kỹ thuật an toàn mạng quốc gia; Xây dựng hệ thống đánh giá, kiểm định ATTT quốc gia; Xây dựng hệ thống cảnh báo, phát hiện và phòng chống tội phạm trên mạng; Xây dựng hệ thống xác thực, bảo mật cho các hệ thống thông tin Chính phủ; Đào tạo chuyên gia ATTT cho cơ quan Chính phủ và hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia…

Năm 2012, an ninh mạng được dự báo là tiếp tục nóng, bùng nổ nguy cơ chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử; “tin tặc” tiếp tục tấn công vào các thiết bị thông minh thông qua các lỗ hổng; bảo mật điện toán đám mây tiếp tục...


Đối phó với những nguy cơ này, ông Nguyết Viết Thế, Cục trưởng Cục Công nghệ tin học nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an) đề xuất: Việt Nam cần có một tổ chức cấp quốc gia đủ mạnh đảm bảo an toàn cho thông tin mạng; cần xây dựng hệ thống văn bản có tính pháp lý để bảo vệ hệ thống thông tin; xây dựng cơ chế quản lý tài nguyên hệ thống và các nguy cơ tương ứng; xây dựng cơ chế pháp lý kiểm soát ATTT với quy trình quản trị hệ thống. Đặc biệt cần quan tâm đến việc đào tạo, có chế độ đãi ngộ hợp lý với các chuyên gia về ANTT; tăng cường giáo dục, đào tạo, kiểm tra, nhắc nhở cán bộ, nhân viên làm việc trong các lĩnh liên quan về sự cần thiết, các biện pháp, quy định đảm bảo ATTT.

Mỹ Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An ninh mạng ở Việt Nam ngày càng “nóng”