Ngày 22/8, Ủy ban Tư pháp (UBTP) đã họp phiên toàn thể cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành bản án, quyết định hành chính... của UBND, Chủ tịch UBND.
Tỷ lệ Chủ tịch UBND không tham gia phiên tòa tăng
Theo dự thảo Báo cáo giám sát của UBTP về việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong việc giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND, các bộ, ngành đã tích cực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật TTHC năm 2015. Các văn bản được xây dựng và ban hành bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Về chấp hành pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính được Chủ tịch UBND, UBND nhiều địa phương cơ bản thực hiện nghiêm túc. Một số địa phương có số án hành chính lớn nhưng Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND vẫn bố trí tham gia tố tụng nghiêm túc. Đơn cử Đồng Nai trong số 142 vụ, Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND đã tham gia 100% phiên đối thoại và tham gia 96,5% phiên tòa. Tiếp đó là Tiền Giang có 102 vụ, Chủ tịch UBND và người đại diện cho UBND tham gia 98% phiên đối thoại và phiên tòa.
Dự thảo báo cáo giám sát cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, qua triển khai thi hành Luật cũng cho thấy còn một số tồn tại. Đó là, tỷ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa có xu hướng ngày càng gia tăng qua các năm. Việc thi hành các bản án, quyết định hành chính của Tòa án thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND, UBND ở một số địa phương thời gian qua chưa thực hiện nghiêm túc. Vẫn còn những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được Chủ tịch UBND tỉnh và UBND thi hành, gây bức xúc cho người dân.
Một trong những yêu cầu của việc ban hành Luật TTHC 2015 là tăng cường hơn nữa trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tham gia tố tụng, giải quyết khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính. Song thực tiễn triển khai Luật TTHC, theo đánh giá của Chính phủ, tỷ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa có xu hướng ngày càng tăng qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2017, tỷ lệ này tăng gấp ba lần so với trước khi thực hiện Luật TTHC 2015 (năm 2015 là 10,71%; năm 2016 là 21,93%; năm 2017 là 31,69%).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp
Có những địa phương, sau khi Luật TTHC 2015 có hiệu lực thi hành, Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho Phó Chủ tịch tham gia tố tụng, sau đó Phó Chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào. Theo báo cáo của Đoàn giám sát tại TP. Hà Nội, trong 3 năm, TAND TP. Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tham gia tố tụng. Tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2017 có 260/260 vụ (chiếm 100%) không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt tại TAND TP. Hồ Chí Minh.
Có những địa phương sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ tịch UBND được ủy quyền có văn bản gửi Tòa án đề nghị được vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà Tòa án triệu tập. Lý do vắng mặt không tham gia tố tụng được UBND các địa phương nêu đều do “bận công tác” và do Luật TTHC 2015 thu hẹp phạm vi người được ủy quyền tham gia tố tụng so với Luật TTHC 2010 dẫn đến khó khăn.
Một số địa phương cử cán bộ thuộc UBND tham gia tố tụng nhưng những người này cũng không thể quyết định được những vấn đề trong vụ án nên lại đề nghị Tòa án hoãn phiên tòa để về xin ý kiến Chủ tịch UBND, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết.
Đoàn giám sát nhận thấy, hầu hết các vụ án hành chính, người khởi kiện đều mong muốn được trực tiếp đối thoại với Chủ tịch UBND hoặc người đại diện có thẩm quyền của UBND. Việc sửa quy định về cử người đại diện tham gia tố tụng như khoản 3 Điều 60 Luật TTHC 2015 là nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính được triệt để, khắc phục tình trạng vụ án giải quyết bị kéo dài như trước đây. Song qua giám sát cho thấy, tình trạng không tham gia tố tụng, không tham gia các cuộc đối thoại với công dân như nêu trên, ngoài việc không tuân thủ pháp luật, làm kéo dài quá trình tố tụng, gây bức xúc cho người dân, còn làm mất cơ hội để chính quyền trao đổi, nắm bắt thông tin, ghi nhận nguyện vọng của công dân, từ đó kiểm tra lại quá trình ban hành quyết định hành chính cũng như việc thực hiện hành vi hành chính để có biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả vụ việc.
Vì vậy đề nghị Chính phủ yêu cầu các UBND thời gian qua không chấp hành nghiêm túc điều 60 Luật TTHC 2015 cần rút kinh nghiệm và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.
Sự nỗ lực của Tòa án
Cũng theo UBTP, về công tác thi hành án, trong kỳ báo cáo, số bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án mà Chủ tịch UBND, UBND phải thi hành là 744 bản án, quyết định; đã thi hành được 694 bản án, quyết định (đạt tỷ lệ 93,28%), còn 50 bản án, quyết định chưa thi hành. Đến ngày 30/4/2018, tiếp tục có 14/50 bản án, quyết định được thi hành xong. Đến nay, theo báo cáo của Chính phủ, còn 36 bản án, quyết định chưa đọc Chủ tịch UBND, UBND thi hành.
Vì vậy UBTP đề nghị Chính phủ cần làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng thời cần tiếp tục có biện pháp bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực thi hành các bản án, quyết định hành chính của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Chính phủ cũng đánh giá, một số Chủ tịch UBND và UBND chưa quan tâm, chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác thi hành án hành chính, thậm chí có những UBND cấp tỉnh coi công tác THA hành chính là công việc của cơ quan THADS nên ủy quyền cho cơ quan này thực hiện các nhiệm vụ mà lẽ ra UBND phải có trách nhiệm thực hiện.
Phát biểu tại phiên họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho hay, UBTP đã lựa chọn những vấn đề để giám sát rất đúng, tạo ra cú hích cho việc giải quyết các vụ án hành chính. Trong tất cả các loại án tồn đọng thì án hành chính chiếm lượng cao nhất, tỷ lệ sửa cao nhưng nguyên nhân là do khách quan, dù Tòa án đã rất nỗ lực.
Đó là khả năng thu thập thông tin của người dân tham gia vụ kiện còn hạn chế. Người dân đến cơ quan nhà nước lấy tài liệu về văn bản pháp quy, hồ sơ đất đai sẽ không được bình đẳng, khó hơn so với cơ quan khác. Cho nên khi kiện ra Tòa, họ thường là ở thế yếu. Án hành chính bản chất là giải quyết mối quan hệ giữa người dân và chính quyền thì khả năng thu thập bằng chứng của chính quyền tốt hơn. Theo quy định, đối thoại là yếu tố bắt buộc trước khi Tòa thụ lý, nhưng nhiều nơi không tiến hành đối thoại nên Tòa không thụ lý được, phải đề nghị người dân quay về đối thoại…
Về vấn đề tham gia của Chủ tịch các UBND tại phiên tòa, đánh giá cao sự thẳng thắn của Đoàn giám sát nhưng Chánh án TANDTC cũng nêu lên một thực tế cần chia sẻ là với các Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND nếu phải ra Tòa liên tục, một năm TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội có khoảng 2.000 vụ, mỗi ngày xử 3 vụ thì mỗi ngày phải có 3 Chủ tịch, Phó Chủ tịch ra Tòa, như vậy thì không thể đủ người làm việc. Vậy nên ngoài trách nhiệm công việc thì quy định của Luật cũng phải có sự hợp lý. Vấn đề này cũng đã được TANDTC báo cáo UBTVQH.