Liệu Trung Quốc có muốn giúp ông Trump "trói tay" Triều Tiên?

Hà Kim| 07/09/2017 18:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỗi lần phóng tên lửa và thử hạt nhân Triều Tiên đều bị trừng phạt. Tuy nhiên, dường như sự trừng phạt đó đều không mang lại hiệu quả. Vậy nguồn cơn của việc này là do đâu?

Việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa và đỉnh điểm là vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vừa qua thể hiện tiềm lực hạt nhân của Triều Tiên không thể làm ngơ.

Trong bài phát biểu mới đây nhất, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng, chìa khóa cho vấn đề Triều Tiên là thực hiện nghiêm túc lệnh cấm vận số 2371 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm toàn diện việc nhập khẩu than, sắt đối với Triều Tiên. Nhưng có một khe hở trong lệnh trừng phạt là không có biện pháp ngừng cung cấp dầu lửa của Trung Quốc đối với Triều Tiên.

Hiện tại cả Mỹ - Hàn - Nhật đều hợp tác làm sao đó để Trung Quốc đồng ý với việc dừng cung cấp dầu lửa đối với Bình Nhưỡng trong lệnh trừng phạt tiếp theo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.

Giới chuyên gia nhận định, Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng tên lửa và thử hạt nhân, do đó nước này có khả năng sẽ nhanh chóng gấp rút tích trữ dầu lửa để lường trước khả năng cấm nhập dầu lửa do lệnh trừng phạt đối với nước này.

Triều Tiên còn đưa ra qui định hạn chế lượng xăng tiêu thụ cho các xe công trong chính phủ. Phần xăng thiếu cho các xe công đó sẽ được cân đối từ nguồn xăng của các doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, Triều Tiên coi dầu lửa như “máu”.

Liệu Trung Quốc có muốn giúp ông Trump

 Liệu Trung Quốc có muốn giúp chính quyền Tổng thống Donald Trump kiềm chế Triều Tiên và “trói tay" Kim Jong-un 

Vấn đề là liệu Trung Quốc có muốn giúp chính quyền Tổng thống Donald Trump kiềm chế Triều Tiên, và “trói tay" nhà lãnh đạo Kim Jong-un một cách nghiêm túc hay không?

Trước động thái trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Trung Quốc không tán thành hành vi vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, làm phương hại đến thể chế cấm phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới của Triều Tiên.

Nhưng ông Vương cũng cho rằng việc chỉ đưa ra những lệnh cấm vận là “vô ích”, hay yêu cầu của Mỹ và Nhật đưa ra là cấm cung cấp dầu lửa cho Triều Tiên cũng chưa thực sự rõ ràng, minh bạch.

Ông Vương nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt phải dựa trên Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Còn những biện pháp trừng phạt mang tính độc lập riêng rẽ, dựa trên những quyền tư pháp mang tính nội bộ quốc gia là không phù hợp với Luật pháp quốc tế.

Theo giới phân tích, sau vụ thử hạt nhân thứ 6 của chính quyền Kim Jong-un hôm 3/9, Bắc Kinh đã gửi công hàm phản đối đến đại diện ngoại giao Triều Tiên, yêu cầu Bình Nhưỡng kiềm chế, không làm leo thang căng thẳng.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán, theo sau tuyên bố lên án của Bắc Kinh sẽ là lời kêu gọi các bên quay trở lại bàn đàm phán và nhấn mạnh đây là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Chuyên gia về hạt nhân Cheng Xiaohe của Đại học Nhân Dân (Trung Quốc) nhận định, đối với Bắc Kinh, một Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân vẫn ít nguy hiểm hơn một Triều Tiên sụp đổ về mặt chính trị. Khi đó, bán đảo Triều Tiên sẽ thống nhất và nằm dưới sự bảo hộ của Mỹ cùng đồng minh Hàn Quốc.

Do đó, vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên cũng sẽ không làm Bắc Kinh thay đổi lập trường lâu nay của mình về vấn đề Triều Tiên.

Ngoài ra, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên cũng diễn ra khi Chủ tịch Tập Cận Bình còn đang bận rộn chuẩn bị cho đại hội đảng toàn quốc vào giữa tháng 10 này. Trước những sự kiện quan trọng, Trung Quốc luôn muốn duy trì sự ổn định trong nước hơn là bắt tay với chính quyền Trump, động thái có thể khiến Triều Tiên quay lưng lại, gây hậu quả khôn lường cho Trung Quốc.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liệu Trung Quốc có muốn giúp ông Trump "trói tay" Triều Tiên?