Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về an toàn thực phẩm, siết chặt quản lý hoạt động đăng ký, quảng cáo, lưu hành, đặc biệt đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Sáng 23/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả triển khai Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì, kết nối từ điểm cầu Trung ương tại trụ sở Bộ Y tế đến UBND các tỉnh, thành phố.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, quản lý thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị. Bộ Y tế luôn xác định rõ công tác quản lý các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế là nhiệm vụ then chốt trong phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã tập trung hoàn thiện, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm có nhiều nội dung liên quan đến kỹ thuật, quá trình triển khai thực hiện, quản lý thực tiễn tại cơ sở…
Theo Bộ Y tế, công tác quản lý thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế còn nhiều khó khăn, tồn tại như: Thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, công nghệ hiện đại bị lợi dụng để sản xuất hàng giả; hoạt động kinh doanh trực tuyến còn chưa được kiểm soát hiệu quả; việc thanh tra, kiểm nghiệm tại tuyến cơ sở còn hạn chế do thiếu nhân lực và trang thiết bị.
Trước thực trạng trên, nhiều công điện và chỉ thị quan trọng từ Chính phủ đã được Bộ Y tế cụ thể hóa bằng kế hoạch hành động, tổ chức bộ máy kiểm tra, giám sát từ Trung ương đến địa phương. Trong tháng cao điểm từ ngày 15/5 đến 15/6/2025, các Cục chuyên môn của Bộ đã đồng loạt thành lập các tổ kiểm tra đột xuất để kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế trên toàn quốc.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý an toàn thực phẩm, siết chặt quản lý hoạt động đăng ký, quảng cáo, lưu hành, đặc biệt đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe; kiểm tra chặt chẽ việc công bố sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử; tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm sản xuất kinh doanh thuốc giả, mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng giả, thiết bị y tế giả.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, vận động người dân nâng cao cảnh giác, cùng tham gia phát hiện và lên án hành vi buôn bán hàng giả là các sản phẩm trong lĩnh vực quản lý của Bộ.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết: Riêng từ năm 2020 đến tháng 5/2025, Cục đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại trên 400 cơ sở thực phẩm, xử lý 198 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt 23,76 tỷ đồng. Cục An toàn thực phẩm đã chuyển cơ quan công an 31 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, chứa chất cấm, sử dụng giấy tờ giả.
Trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm và dược liệu, trong năm 2024, Cục Quản lý Dược và Cục Quản lý Y, dược cổ truyền đã tổ chức trên 80 đoàn kiểm tra GMP, 130 đoàn kiểm tra GSP; Thanh tra Bộ Y tế đã triển khai 50 đoàn thanh tra độc lập.
Năm 2024, Bộ Y tế đã ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 2,5 tỷ đồng.