Cộng đồng quốc tế “lạc quan thận trọng” với tuyên bố ngừng thử hạt nhân của Triều Tiên

Hà Kim (Theo Yonhap)| 23/04/2018 15:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều nước trên thế giới tỏ ra lạc quan nhưng khá thận trọng trước tuyên bố ngừng thử hạt nhân và tên lửa của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ngày 21/4, truyền thông Triều Tiên đưa tin, Bình Nhưỡng vừa công bố một chiến lược mới cho đất nước, trong đó tạm đóng băng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, để theo đuổi tăng trưởng kinh tế và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Động thái này được cho là bước đi thành ý của Triều Tiên ngay trước Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào 27/4 và khả năng là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vào ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6 tới.

Ngay sau khi tuyên bố, hành động của Triều Tiên đã nhận được những phản hồi tích cực từ Mỹ và Hàn Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump lập tức hoan nghênh động thái của Triều Tiên và mong chờ cuộc gặp với ông Kim Jong-un.

Trên trang mạng Twitter, ông Donald Trump viết: "Triều Tiên đã đồng ý đình chỉ tất cả thử nghiệm hạt nhân và đóng cửa một bãi thử quan trọng. Đây là tin tức rất tốt cho Triều Tiên và thế giới, một bước tiến lớn! Mong chờ hội nghị thượng đỉnh của chúng tôi".

Còn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, quyết định của Triều Tiên là một bước tiến có ý nghĩa đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, góp phần tạo ra môi trường rất tích cực cho sự thành công của 2 hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Hàn Quốc và Triều Tiên - Mỹ sắp tới.

Anh và EU cũng hoan nghênh quyết định của Triều Tiên ngừng các cuộc thử hạt nhân là một bước đi tích cực, đồng thời kêu gọi quốc gia châu Á này tiến hành "phi hạt nhân hóa không thể đảo ngược".

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho rằng, các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều Tiên dự kiến diễn ra trong thời gian tới là cơ hội để xây dựng lòng tin và mang tới thêm nhiều kết quả tích cực và cụ thể.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, có hy vọng trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Theo ông Antonio Guterres, điều này sẽ chứng minh sự hiệu quả của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nếu các nước đoàn kết, và con đường đang mở ra cho tiến trình phi hạt nhân hóa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, chứng minh rằng ngoại giao là cách để giải quyết xung đột.

Chính phủ Đức cũng kêu gọi các bên tham gia vào một tiến trình chính trị hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, trong khi Nga kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc giảm các hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Cộng đồng quốc tế “lạc quan thận trọng” với tuyên bố ngừng thử hạt nhân của Triều Tiên

 Bình Nhưỡng vừa công bố sẽ tạm đóng băng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người cho rằng tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên chưa đủ sức nặng để dư luận có thể tin rằng, Triều Tiên sẽ từ bỏ hoàn toàn tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận định, tuyên bố của của Nhà lãnh đạo Triều Tiên là tích cực, song cảnh báo phải xem liệu động thái này có dẫn đến một sự dỡ bỏ hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược chương trình hạt nhân của Triều Tiên hay không. Ông khẳng định, Nhật Bản sẽ không ngay lập tức thay đổi chính sách gia tăng sức ép với Triều Tiên.

Ngoại trưởng Australia Jiulia Bishop cũng khẳng định, Triều Tiên cần phải thực hiện bằng hành động cụ thể chứ không đơn thuần chỉ là lời nói. Triều Tiên phải đưa ra các bước đi cụ thể để thể hiện cam kết của mình từ bỏ vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo. Australia vẫn rất thận trọng vì muốn nhìn thấy rõ những bước đi cụ thể chứ không đơn thuần chỉ là cam kết.

Mặc dù được đánh giá là bước đi nhượng bộ đáng kể của Triều Tiên so với quan điểm cứng rắn của nước này trước đây, nhưng giới quan sát cũng có những đánh giá thận trọng về bước đi mới của Triều Tiên. 

Theo giới quan sát, trong nhiều thập niên qua, Triều Tiên luôn khẳng định phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa là chiến lược sống còn của nước này, không chỉ phục vụ cho mục đích phòng vệ mọi mối đe dọa từ bên ngoài, mà còn trở thành lá bài mặc cả trong mọi cuộc thương lượng với Mỹ và Hàn Quốc. 

Hơn nữa, Triều Tiên cũng thường xuyên chỉ trích sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, liên tục lên án các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, thậm chí phóng tên lửa trong khi tập trận diễn ra. Bên cạnh đó, cũng đã có một số lần Triều Tiên chấp nhận tham gia rồi lại đơn phương rút khỏi các cuộc đàm phán về hòa bình và giải trừ hạt nhân. Do vậy, giới quan sát tỏ ra “lạc quan một cách thận trọng” với tuyên bố trên, đồng thời đặt câu hỏi về ý định thật sự của ông Kim Jong-un lần này.

Giáo sư Nam Sung-wook của trường Đại học Seoul lại đặt ra những câu hỏi cho rằng, liệu Triều Tiên sẽ chỉ không theo đuổi các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân trong tương lai, liệu họ có đóng cửa tất cả các cơ sở hạt nhân hay không và Bình Nhưỡng sẽ làm gì với các loại vũ khí đã đạt được?

CNN dẫn lời cựu phân tích viên về Triều Tiên của CIA Sue Mi Terry cho biết, tuyên bố trên là rất quan trọng nhưng liệu Triều Tiên có thật sự nghiêm túc hay không vẫn còn phải chờ xem. Triều Tiên không bao giờ làm gì mà không có lý do vì vậy có thể họ đang tìm kiếm điều gì đó từ phía Mỹ.

Còn nhà phân tích Catherine Dill tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey khẳng định, cam kết dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa không đồng nghĩa với việc Triều Tiên phá bỏ toàn bộ chương trình này. Chúng ta cần phải nhớ rằng Triều Tiên có thể dễ dàng đảo ngược tình thế.

Trong khi đó, chuyên gia Ben Silberstein thuộc trường Đại học Pennsylvania, Mỹ  cho rằng, tuyên bố của Triều Tiên là một thông điệp về sự tự tin vào sức mạnh khi đã "hoàn thành chương trình hạt nhân" trước các cuộc đàm phán quan trọng. 

Theo chuyên gia Ben Silberstein, lý do Triều Tiên quyết định ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa một phần là bởi nước này đã làm chủ công nghệ vũ khí hạt nhân cũng như có khả năng ngăn cản 1 vụ tấn công hạt nhân.

Chuyên gia về kiểm soát vũ khí Melissa Hanham tại MIIS nhận xét, có lẽ nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cảm thấy hài lòng với tiến bộ của chương trình hạt nhân nên thấy không cần phải thử thêm nữa. Đánh giá một cách rộng hơn, chuyên gia Melissa Hanham cho rằng, chương trình vũ khí của Triều Tiên có thể đã chuyển từ giai đoạn “thử nghiệm” sang “chế tạo” và nước này đang dự trữ vũ khí và tên lửa.

Dù vẫn còn nhiều câu hỏi sau tuyên bố của Triều Tiên, nhưng các câu hỏi này sẽ trở nên rõ ràng hơn trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên và khả năng là hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Chưa biết kết quả các cuộc đối thoại có được như dư luận mong đợi hay không, nhưng rõ ràng những tín hiệu mà Triều Tiên gửi tới các đối tác và cộng đồng quốc tế trong những ngày qua đang tạo ra một bầu không khí tích cực, một sự khởi đầu tốt đẹp cho những bước đi quan trọng tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng quốc tế “lạc quan thận trọng” với tuyên bố ngừng thử hạt nhân của Triều Tiên