Thuốc thật và thuốc giả

Ngọc An| 01/09/2017 09:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí bức xúc, tranh luận giữa hai luồng ý kiến về 9.300 hộp thuốc ung thư do VN Pharma nhập là thuốc kém chất lượng hay thuốc giả.

Chính vì tranh luận này nên mới nảy sinh thắc mắc về tội danh "Buôn lậu" mà TAND TP.HCM vừa đưa ra xét xử liên quan đến vụ nhập khẩu thuốc H-Capita 500 mg Caplet  của công ty VN Pharma. Nhiều người cho rằng, phải truy tố các bị cáo về tội "buôn bán hàng giả" mới đúng.

Về bản chất, cả hai tội danh này được quy định tại điều 153 và 157 của Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là tương đương nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi gây ra. Mức án cao nhất của 2 tội danh trên đều là chung thân, tử hình nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Trong vụ án của VN Pharma, kết luận cho thấy 9.300 hộp thuốc ung thư này chưa bán ra thị trường, chưa đến tay người bệnh nên chưa có hậu quả nghiêm trọng. Do đó việc tuyên các bị cáo ở mức án cao nhất là không có căn cứ pháp luật.

Tuy nhiên vấn đề ở đây là phải xác định rõ số thuốc H-Capita 500 mg Caplet do VN Pharma nhập là thuốc thật, thuốc giả hay thuốc kém chất lượng? 

Thuốc thật và thuốc giả

Cần có một kết luận khách quan, chính xác về chất lượng thuốc H-Capita

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc giả là "sản phẩm được gắn nhãn hiệu gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc xuất xứ. Thuốc giả có thể bao gồm các sản phẩm không đúng về thành phần hoạt chất, không có hoạt chất, hoặc có nhưng không đủ hàm lượng hoạt chất, hoặc giả bao bì nhãn hiệu của những nhà sản xuất khác đã được công nhận…"

Như vậy, thuốc giả theo WHO bao hàm cả thuốc kém chất lượng, là thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đủ hàm lượng.

Trong khi đó, Bộ Y tế thì khẳng định đây là thuốc "kém chất lượng" chứ không phải thuốc giả.

Lấy một dẫn chứng, sau khi lấy mẫu thuốc H-Capita 500 mg Caplet của VN Pharma đi kiểm nghiệm xác định có 97% là hoạt chất capecitabine - hoạt chất chữa ung thư, Bộ Y tế đã kết luận đó là thuốc kém chất lượng, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không được dùng để chữa bệnh.

Tuy nhiên, trong một kết quả kiểm nghiệm khác ngày 15/9/2014 của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM (cũng thuộc Bộ Y tế) thì viên nén bao phim H-Capita 500 mg của VN Pharma nguồn gốc Canada (định lượng 98,01% Capecitabin) là "đạt yêu cầu chất lượng theo TCCS".

Về lý thuyết thì thuốc có 97% hoạt chất capecitabine vẫn là thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng. Vì theo tiêu chí về độ tinh khiết của nguyên liệu khi sản xuất thuốc, tùy theo quy định của mỗi quốc gia, tuỳ trình độ kĩ thuật, thường thuốc có độ tinh khiết 97, 98, 99% là vẫn sử dụng được.

Vì sao có kết luận khác nhau trong khi đơn vị kiểm nghiệm đều thuộc Bộ Y tế? Là do năng lực chuyên môn hay còn nguyên nhân nào khác? Có chăng cần phải kiểm nghiệm lại chất lượng của thuốc H-Capita và đưa ra một kết luận chính xác, khách quan nhất?

Trong các thuật ngữ y học thì còn có một khái niệm khác về thuốc gọi là thuốc thứ cấp (generic). Thuốc thứ cấp không phải là thuốc giả, nó là thứ thuốc được tái lập lại sau khi nhà sản xuất ban đầu đã hết thời hạn sở hữu độc quyền. Loại thuốc này vẫn được khuyến cáo nên sử dụng khi đã qua khâu kiểm tra, giám sát chặt chẽ về quy trình sản xuất.

Cho đến tận bây giờ, người dân vẫn hoang mang không rõ thế nào là thuốc thật, thuốc giả và thuốc thứ cấp vì đang tồn tại những định nghĩa về quy chuẩn khác nhau. Và quan trọng là thuốc H-Capita có đủ chất lượng để điều trị ung thư hay không vẫn là một dấu hỏi. Trách nhiệm đó thuộc về Bộ Y tế.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuốc thật và thuốc giả