Đó là nhận xét của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng về công tác kiểm soát tải trọng ôtô vận tải từ đầu năm đến nay.

Nổi cộm nhất là vụ một đoàn xe quá tải ung dung đi qua 5 tỉnh mới bị phát hiện. Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao vẫn còn những đoàn xe đi lông nhông qua bao nhiêu tỉnh, thành phố mà không bị xử lý, xe dán logo vẫn đi được? Các Chi cục Quản lý đường bộ ở đâu mà không phát hiện ra? Công tác kiểm soát xe quá tải đang có dấu hiệu chùng xuống, khiến người dân hoài nghi về cơ quan chức năng bị “thua ngược”.

Khái niệm “thua ngược” của cơ quan chức năng đối với nạn xe quá tải suy đến cùng có thể áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Hóa ra ta đang “thua ngược” trên nhiều mặt trận!

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 của Thanh tra Chính phủ trước Quốc hội mới đây, ngành thanh tra chỉ phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 46 vụ so với năm 2014) với số tiền 40,7 tỷ đồng. Gần 100 bộ ngành, địa phương không lẽ mỗi địa phương chỉ có một vụ tham nhũng? Lại có bộ ngành không phát hiện đươc vụ nào. Về kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2015 đã đạt 99,5%. Số bản kê khai đã công khai đạt tỷ lệ 98,3%. Có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập, trong đó phát hiện 5 người kê khai không trung thực và đã tiến hành xử lý kỷ luật 2 người.

Những con số quá lý tưởng trên đây đã khiến cử tri băn khoăn. Không lẽ có tô hồng, thổi phồng thành tích để tạo cảm giác rằng gần đây, tình hình tiêu cực trong xã hội, trong cán bộ đảng viên đã bị “thổi phồng” một cách quá mức?!

Hẳn vì vậy khi các vị lãnh đạo cấp cao nhất tiếp xúc cử tri, bà con đã nêu câu hỏi không thể trả lời. Nào là “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất”, nhưng cũng chưa thấy chỉ ra được ai, bộ phận nào trong cái số không nhỏ ấy đáng bị trừng phạt? Cái bộ phận không nhỏ ấy có bao nhiêu người. Và trong những năm vừa rồi, có bao nhiêu người bị xử lý vì thoái hóa, biến chất. Không có câu trả lời.

Tại nghị  trường, Quốc hội, khi  thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015, các đại biểu tập trung phân tích vấn đề phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản nhà nước do các đối tượng tham nhũng gây ra.

Các ĐBQH chỉ rõ, trong hầu hết lĩnh vực của đời sống, người tham nhũng ít thấy người tham nhiều thì tội gì không làm theo, còn người không tham nhũng, nhất là người chống tham nhũng thì bị cô lập, bị trừng phạt theo cách nói dân gian “đấu tranh tránh đâu”.

Cử tri không hài lòng khi thấy có Bộ trưởng nọ phát biểu là cán bộ của ông không bao giờ đòi hối lộ cả, chỉ tại dân đưa, bởi thực tế, quan của ông chỉ gây khó khăn, anh phải đưa tiền, không phải đòi. Bây giờ xử đòi hối lộ thì chắc không xử được ai...”.

Chết thật, nếu thông tin này đúng thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở cơ quan nhà nước đã thua ngược hoàn toàn. Hóa ra, nói như một ông nhà thơ, cán bộ không đưa mà chỉ cầm. Dân đưa, cán bộ cầm. Và như vậy, người đưa chủ động còn người cầm là bị động.

Còn nhớ Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khi nói về Hà Nội đã từng nêu hiện tượng bôi mà không trơn. Nghĩa là dân đã đưa, cán bộ đã cầm nhưng không chịu thực hiện việc nhờ vả sai trái này để giữ vững phẩm chất và người dân lại thua thiệt.

Đúng lúc Quốc hội đang luận bàn về chống tham nhũng thì có một vu án tham nhũng trong ngành đường sắt bị xét xử với mức án được cử tri cho là đúng người đúng tội. Quan chức đường sắt đòi thật lực và cầm tiền vô tư. Hiếm có vụ án tham nhũng nào dễ thu hồi tiền tham nhũng như vụ này. Cá đếm đầu, rau kể mớ, tiền trao bao nhiêu “nghĩa lộ” bấy nhiêu. May quá vụ này ta không thua ngược!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thua ngược