Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi (kỳ 2): Khắc phục toàn bộ những tồn tại, vướng mắc của Luật Phá sản năm 2004

04/11/2013 16:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các quy định của Luật Phá sản được sửa đổi phải đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản...

Hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do phá sản gây ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ kinh tế trước những rủi ro trong kinh doanh và thông qua đó góp phần ổn định trật tự đời sống xã hội. Đó là quan điểm nhất quán của Ban soạn thảo.

 

Theo Tờ trình của Ban soạn thảo báo cáo tại QH, việc sửa đổi Luật Phá sản (Luật PS) 2004 đã quán triệt những quan điểm chỉ đạo và đáp ứng được các yêu cầu: Thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm về cải cách tư pháp đã được xác định trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2/6/2005 “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 của Chính phủ. Đồng thời bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật phá sản của Việt Nam, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của Luật Phá sản với hệ thống pháp luật, không có sự xung đột giữa Luật Phá sản với các văn bản pháp luật khác, phù hợp với thực tiễn nền kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi (kỳ 2): Khắc phục toàn bộ những tồn tại, vướng mắc của Luật Phá sản năm 2004

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình chủ trì phiên họp chỉnh lý Dự thảo

 

Bên cạnh đó, Luật Phá sản (sửa đổi) bảo đảm tính khả thi trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm trình tự và thủ tục giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản dân chủ, công khai, nhanh gọn, công bằng, thuận lợi; đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản. Bảo đảm cơ chế phục hồi DN, HTX bị lâm vào tình trạng phá sản theo chủ trương tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng cho DN, HTX có khả năng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, thoát khỏi tình trạng thua lỗ, phá sản; bảo đảm tối đa quyền lợi của người lao động. Đặc biệt Tòa án tạo điều kiện thuận lợi để các bên thoả thuận với nhau về việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật và khắc phục toàn bộ những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật PS 2004.

 

Chính vì vậy, Ban soạn thảo đã đưa ra quan điểm sửa đổi theo hướng sau:

 

- Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1 Dự thảo Luật): Thực tiễn thi hành Luật PS 2004 cho thấy Tòa án thường gặp vướng mắc đối với những trường hợp DN, HTX vẫn còn tài sản nhưng không bán được hoặc còn khoản nợ phải thu nhưng chưa thu hồi được hoặc không thu hồi được nên chưa thể thực hiện xong phương án phân chia tài sản, do đó, chưa thể ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản và quyết định tuyên bố phá sản được. 

 

Mặt khác, nếu thủ tục tuyên bố DN, HTX phá sản được thực hiện trước thủ tục thanh lý tài sản thì sẽ thuận lợi hơn cho cả Tòa án và Cơ quan thi hành án trong việc thực hiện nhiệm vụ trong vụ việc phá sản đó, tạo điều kiện cho Tòa án giải quyết nhanh chóng thủ tục tuyên bố DN, HTX bị phá sản; qua đó, DN, HTX bị lâm vào tình trạng phá sản có thể sớm được phục hồi hoặc rút khỏi thị trường kịp thời, có trật tự. Tham khảo kinh nghiệm pháp luật một số nước trên thế giới, thì việc tuyên bố DN, HTX phá sản cũng được thực hiện trước thủ tục thanh lý.

 

Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật sửa đổi về trình tự, thủ tục phá sản theo hướng nếu xét thấy DN, HTX không còn khả năng phục hồi, tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh thì Quyết định tuyên bố DN, HTX bị phá sản sẽ được ban hành trước khi tiến hành thủ tục thanh lý tài sản. Do đó, Điều 1 Dự thảo Luật đã được sửa đổi cụm từ “thủ tục thanh lý tài sản và tuyên bố phá sản” thành cụm từ “thủ tục tuyên bố phá sản và thanh lý tài sản” và nhiều điều luật khác quy định về trình tự, thủ tục giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cũng đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy trình mới của Dự thảo Luật.

 

- Về đối tượng áp dụng (Điều 2 Dự thảo Luật): Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật PS 2004 thì đối tượng áp dụng của Luật này là: “DN, HTX, liên hiệp HTX (HTX, liên hiệp HTX gọi chung là HTX) được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật”.

 

Mặc dù, hiện nay có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng của Luật Phá sản (Luật PS) đối với cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình, xí nghiệp có đăng ký kinh doanh, các trường Đại học và trường học ở các cấp học... nếu lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn thì đều có thể giải quyết theo thủ tục phá sản. Trên cơ sở các lý do đã được TANDTC giải trình tại Tờ trình và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, TANDTC đề xuất giữ nguyên đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Luật như quy định của Luật PS 2004. Tuy nhiên, để cụ thể hóa và xác định rõ hơn các loại hình DN, HTX thuộc đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Luật, cụ thể là khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Dự thảo Luật đã quy định theo hướng liệt kê cụ thể loại hình DN, HTX được thành lập theo các Luật chuyên ngành. 

 

(Kỳ sau đăng tiếp)

 

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi (kỳ 2): Khắc phục toàn bộ những tồn tại, vướng mắc của Luật Phá sản năm 2004