Đối thoại với Bộ Công Thương: Doanh nghiệp kêu khó vì chính sách

Mạnh Nguyễn| 28/09/2016 10:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại hội nghị đối thoại giữa Bộ Công Thương và doanh nghiệp đã diễn ra hôm 27/9, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng về những vướng mắc xung quanh 447 thủ tục hành chính của ngành Công Thương.

Hiện có 447 thủ tục hành chính do Bộ Công Thương ban hành để quản lý 28 ngành nghề kinh doanh. So với nhiều bộ quản lý chuyên ngành, số lượng các văn bản được Bộ Công Thương gọi là thủ tục hành chính có ít hơn, nhưng lại nảy sinh ra rất nhiều bất cập và bức xúc đến doanh nghiệp.

Nhận xét về những quy định của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng các quy định của bộ này thường hướng tới quy mô và điều này sẽ gây ra những hạn chế đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí làm "thui chột" những doanh nghiệp manh nha khởi nghiệp.

Theo ông Đức cơ quan nhà nước thường là quan sát thấy doanh nghiệp nhỏ thường vi phạm nhiều hơn nên có xu hướng tăng điều kiện quy mô doanh nghiệp. Nhưng nếu muốn doanh nghiệp lớn mạnh thì không thể hạn chế doanh nghiệp nhỏ được. Thêm vào đó, nếu xác định Chính phủ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp thì những điều kiện kinh doanh này thậm chí sẽ hạn chế khởi nghiệp nhiều hơn.

Đối thoại với Bộ Công Thương: Doanh nghiệp kêu khó vì chính sách

Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh gas kêu khó vì nghị định số 19/2016. Ảnh: NLĐ

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh gas cũng lên tiếng cho rằng, các điều kiện kinh doanh nêu trên dẫn đến việc loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mới vào thị trường, đặc biệt là với cả rất nhiều doanh nghiệp đã có quá trình đầu tư, hoạt động hợp pháp, có hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, đại diện cho doanh nghiệp kinh doanh gas tại tỉnh Khánh Hòa cho rằng, các quy định về thủ tục của Bộ Công Thương về lĩnh vực này đang rất luẩn quẩn, vòng vo.

Đưa ra ví dụ, bà Nguyễn Thị Thùy Trang nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp muốn làm tổng đại lý kinh doanh gas phải có cửa hàng bán gas. Tuy nhiên, nếu muốn bán gas thì lại phải có một số điều kiện của tổng đại lý. Điều này khi áp dụng vào thực tiễn đang rất bất cập và kiến nghị Bộ Công Thương nên xem xét và điều chỉnh. Bà Trang chia sẻ: “Điều kiện thương nhân kinh doanh khí gas tại Nghị định số 19/2016/NĐ-CP “Về kinh doanh khí” là quá chặt chẽ và bất hợp lý, dẫn đến nguy cơ phá sản phần lớn các doanh nghiệp đang phân phối khí gas”.

Đồng tình với ý kiến của bà Trang, các doanh nghiệp kinh doanh gas tham dự hội nghị cũng cho rằng, theo quy định tại Nghị định 19, doanh nghiệp kinh doanh khí gas phải có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3; có số lượng chai LPG thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 L… là quá sức và khiến cho khoảng 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này có nguy cơ rời khỏi thị trường

Luật sư Trương Thanh Đức, Thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN & Luật Đầu tư, Trưởng Ban Tư vấn & Phản biện chính sách, Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam nhận xét rằng  không chỉ lĩnh vực kinh doanh khí gas, mà nhiều ngành nghề kinh doanh thuộc Bộ Công Thương quản lý đang đưa ra những quy định không phù hợp, tạo ra rào cản khiến doanh nghiệp không thể gia nhập thị trường như lĩnh vực kinh doanh gạo, xăng dầu, phân bón…

Trước những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thừa nhận  không thể đưa ra các tiêu chuẩn, điều kiện mang tính quy mô bởi đó là tư duy của ngày hôm qua và nếu không bãi bỏ các điều kiện như vậy sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp phát triển cũng như cộng đồng khởi nghiệp. Theo Thứ trưởng, để có được biến đổi tích cực thì cần có sự thay đổi không chỉ về mặt văn bản mà còn tư duy của người làm luật và cần có sự tham gia, đề xuất của các doanh nghiệp đối với những người làm chính sách. Trên tất cả, Thứ trưởng khẳng định: “Không có chuyện người làm chính sách muốn giết doanh nghiệp hay ép doanh nghiệp vào đường cùng”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối thoại với Bộ Công Thương: Doanh nghiệp kêu khó vì chính sách