Trong diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng đón sóng thực phẩm sạch vừa được tổ chức ở Hà Nội, ca sỹ Mỹ Linh đã có những chia sẻ mối lo ngại và hoang mang về thực phẩm hiện nay.
"Người Việt đang giết nhau giữa những điều bình thường nhất"
Đây là một ý trong phần phát biểu của Diva nổi tiếng làng giải trí Việt Nam. Ca sỹ này cũng cho biết thêm: "Tôi bảo vệ được gia đình mình, nhưng rồi con tôi đến trường, chồng đi ăn tiệc, cũng đâu phải lúc nào cũng tự bảo vệ được trọn vẹn. Chúng tôi cùng sống trong một xã hội, không thể thu mình lại mà sống trong gia đình được. Đau xót cho người khác nhưng mình cũng là nạn nhân”.
Theo ca sỹ Mỹ Linh, thực phẩm bẩn không chỉ là một vấn đề xã hội nữa mà đã thành một vấn nạn xã hội, một vấn nạn đạo đức. Và đạo đức trong vấn đề thực phẩm song hành cùng những sự xuống cấp đạo đức ở các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế…
Ca sỹ Mỹ Linh
"Ai là người mang lại niềm tin cho người tiêu dùng chúng tôi? Làm sao để chúng tôi biết đâu là sản phẩm sạch?” một câu hỏi được hầu hết các thành viên trong diễn đàn hưởng ứng.
Sau đó Diva này phân trần: "Chúng ta phải dùng công nghệ để người sản xuất phải chứng nhận được sản phẩm của họ là sạch nhưng làm sao để phải rẻ, để cho nhiều người mua được. Muốn ăn sạch, thực phẩm là thứ mang lại sức khỏe nhưng lại muốn rẻ, trong khi đó các vị có thể bỏ tiền mua những thứ rất đắt. Mọi người có thể đi nghỉ, mua ô tô, nhà lầu... nhưng thứ thiết thực nhất đối với sức khỏe lại muốn rẻ. Tôi nghĩ như vậy là không bảo vệ người nông dân và vẫn tư tưởng rẻ như thế, đừng đòi hỏi thực phẩm sạch. Tôi ở nhà tự trồng và tôi thấy rất đắt, không hề rẻ chút nào".
Báo động thực phẩm không an toàn
Tại diễn đàn, số liệu mà Viện Kiểm nghiệm Thực phẩm đưa ra có 40/120 mẫu rau kiểm tra chứa tàn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. 455/735 mẫu thịt gia súc, gia cầm không an toàn cho người sử dụng.
Còn theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, có hơn 2.000/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng và hơn 2.500/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Thịt lợn ngoài chợ không rõ nguồn gốc vẫn được dân mua
Những con số khác như: mỗi năm Việt Nam có 150 nghìn người mới mắc ung thư, 75 nghìn người chết và 250 nghìn người mắc ung thư mỗi ngày, 90% người dân có mối quan tâm là thực phẩm an toàn, thế nhưng chỉ trong năm 2015, cả nước xảy ra 171 vụ ngộ độc với gần 5.000 nạn nhân. Vậy con số này đã nói lên điều gì?
Liệu người dân đã thực sự có ý thức để bảo vệ mình và người thân đúng cách? Liệu có phải những nhu cầu, đòi hỏi của chính chúng ta đã làm cho thực phẩm ngày càng bẩn và rẻ hơn không. Hoặc do những lý do nào mà người dân chưa thể khắc phục nhưng những nhà quản lý, lãnh đạo cũng chưa thể giải quyết được?