Buôn lậu, gian lận thương mại là vấn đề luôn được dư luận quan tâm và với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của các cơ quan chức năng, hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, trong năm 2016, lực lượng chức năng các cấp đã phát hiện, xử lý 223.262 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 21.556 tỷ đồng; khởi tố 1.560 vụ và 1.863 đối tượng.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, kết quả trên còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất và phạm vi, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, sức khỏe của cộng đồng, gây bức xúc trong nhân dân.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhận định, nguyên nhân của những tồn tại trên có cả yếu tố khách quan như địa hình biên giới phức tạp, cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, điều kiện, phương tiện làm việc của cơ quan chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu, nhưng về cơ bản, vẫn do yếu tố chủ quan.
Cụ thể, đó là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, có lúc, có nơi thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc; còn nể nang, né tránh trong việc xác định trách nhiệm, xử lý cán bộ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài. Một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, có trường hợp bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
“Ở dọc các tuyến biên giới có hiện tượng các nhóm vận chuyển hàng lậu qua biên giới hoạt động công khai, đông người. Không có lý do gì lực lượng của chúng ta không phát hiện và có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn. Do đó, chúng ta phải đặt ra mục tiêu không có những kho hàng lậu, chấm dứt hiện tượng tiếp tay cho buôn lậu. Nơi nào xảy ra hiện tượng đó thì lực lượng chức năng, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm…”- Phó Thủ tướng nêu rõ.
Tại Thông báo 160/TB-VPCP kết luận Hội nghị mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Điều chuyển, kiến nghị điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý kéo dài, nghiêm trọng; có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện đúng công tác luân chuyển cán bộ; xây dựng lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực sự trong sạch, vững mạnh.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên yếu tố con người, vấn đề trách nhiệm người đứng đầu trong chống buôn lậu, gian lận thương mại được nhắc đến. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong lĩnh vực này còn rất khiêm tốn. Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo cụ thể, quyết liệt trên, trong năm 2017 công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ tạo được sự bước chuyển biến căn bản.