Yêu cầu hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với BĐS

Mạnh Nguyễn| 31/01/2018 08:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) hạn chế tập trung vốn cho vay vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng, tín dụng tiêu dùng...

Theo đánh giá của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, năm 2017, cơ cấu tín dụng theo ngành nghề chuyển biến tích cực. Tín dụng vào các ngành công nghiệp, thương mại và hoạt động dịch vụ tăng 21,8% so với năm 2016, chiếm 78,4% tổng tín dụng (năm 2016 chiếm 77,8%). Tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp tăng khoảng 18,7% (chiếm 8,11% tổng tín dụng).  Tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng này tăng 12,2% so với năm 2016, chiếm 15,8% trong tổng tín dụng (năm 2016 là 17,1%).  

Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng tăng cao, khoảng 65% (năm 2016 tăng 50,2%), chiếm 18% trong tổng tín dụng (năm 2016 là 12,3%). Trong đó, chủ yếu là cho vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở, chiếm 52,9% (năm 2016 là 49,5%); Cho vay mua trang thiết bị gia đình tăng 6,5%, chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại tăng 35,2%, chiếm 8,3%.

Yêu cầu hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với BĐS

Năm 2017,tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng này tăng 12,2% so với năm 2016

Việc tín dụng tiêu dùng tăng cao làm nảy sinh những e ngại việc có khả năng phát sinh nợ xấu, do tiền sẽ vào những lĩnh vực không mong muốn, ẩn chứa nhiều rủi ro. Do đó, năm 2018, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, nguồn vốn tiếp tục phải tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên.

Theo đó, NHNN đã có văn bản gửi tới các tổ chức tín dụng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên.

Cụ thể, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng. Đồng thời, mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Đặc biệt, NHNN yêu cầu TCTD cần hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản; thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp;

NHNN yêu cầu các TCTD kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

Cùng với đó, kiểm soát chặc chẽ tốc độ tăng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán để hạn chế rủi ro và phù hợp với các quy định.

NHNN yêu cầu các TCTD chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.

Việc mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia dự báo năm 2018, tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, mức tăng trưởng tương đương với 3 năm gần đây, vào khoảng 18% -19%. Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh, có xu hướng giảm tỷ  trọng tín dụng trung dài hạn và tăng tỷ  trọng tín dụng ngắn hạn. Tín dụng tiêu dùng dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao và là mảng hoạt động chiến lược của nhiều ngân hàng trong năm tới. Chất lượng tín dụng được cải thiện nhờ xử lý quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, các TCTD yếu kém đặc biệt là 3 ngân hàng 0 đồng đang có những dấu hiệu tích cực, khuôn khổ pháp lý cho xử lý tài sản xấu dần được hoàn thiện, các yếu tố kinh tế vĩ mô hỗ trợ mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với BĐS