Giao thông

Yêu cầu di chuyển hết cột điện giữa lòng đường trong năm 2023

Thanh Phương 09/08/2023 - 17:24

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn hàng nghìn cột điện trong lòng đường chưa di chuyển. Việc này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, cơ quan chức năng yêu cầu các địa phương di chuyển hết cột điện trước ngày 31/12/2023.

Báo cáo của Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, hiện vẫn còn 3.120 cột điện dưới lòng đường, gây mất an toàn giao thông. Sở Công Thương Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phải di chuyển hết cột điện trong lòng đường trước ngày 31/12/2023.

cotdiengiuaduong.jpg
Còn hàng nghìn cột điện ở lòng đường

Sau thời điểm trên, UBND các huyện, thị xã, thành phố không thực hiện xong việc di chuyển các cột điện nằm trong lòng đường giao thông sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Thanh Hóa là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao, quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã kêu gọi người dân hiến hàng trăm nghìn m2 đất, các công trình, vật kiến trúc trên đất. Điều này đã khiến trên 11.500 cột điện nằm dưới lòng đường.

Sau một thời gian triển khai di dời, đến nay tỉnh Thanh Hóa vẫn còn hơn 3.120 cột điện nằm dưới lòng đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

tainanhh.jpg
Người đi xe máy tông vào cột điện giữa đường dẫn tới tử vong ở Hoằng Hóa

Tổng số cột điện nằm trong lòng đường sau khi mở rộng đường giao thông là 11.575 cột điện. Trong đó, có 242 cột điện trung thế, 11.333 cột điện hạ thế. Đến nay, tổng số cột điện đã thực hiện di chuyển là 8.455 cột điện (gồm: 8.300 cột điện hạ thế; 145 cột điện trung thế do UBND các huyện, thị xã, thành phố di chuyển; Công ty điện lực Thanh Hoá đã thực hiện di chuyển 10 cột điện trung thế).

Tổng số cột điện chưa thực hiện di chuyển là 3.120 cột điện (bao gồm: 3.033 cột điện hạ thế; 87 cột điện trung thế). Trong đó: UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa thực hiện di chuyển là 3.033 cột điện hạ thế, 82 cột điện trung thế và Công ty điện lực Thanh Hoá chưa thực hiện 05 cột điện trung thế.

hiendattrs.jpg
Các hộ dân trên địa bàn Triệu Sơn hướng ứng nhiệt tình việc hiến đất, công trình mở đường

Việc không triển khai đồng bộ giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ dự án, di chuyển đường điện khiến các cột điện ở giữa đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Gần đây nhất, ngày 2/8/2023. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn C. (30 tuổi), trú tại TP. Thanh Hóa điều khiển xe mô tô BKS 36B7-112.51 đã đâm vào cột điện giữa lòng đường trên tuyến đường Kim Sơn, xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương khẩn trương có các văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện, Ban quản lý dự án đầu tư huyện; các Tổ chức quản lý kinh doanh điện trên địa bàn xây dựng xây dựng dự toán và bố trí kinh phí để di dời cột điện nằm trong lòng đường giao thông.

Trao đổi với PV, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa Hoàng Thanh Sơn cho biết: “Về phía ngành điện chúng tôi rất ủng hộ việc di chuyển các hàng cột điện ra khỏi lòng đường để đảm bảo an toàn. Ngay khi chính quyền địa phương, chủ đầu tư có văn bản đề nghị, công ty sẽ cho khảo sát, đồng ý về mặt chủ trương. Sau đó chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn thiết kế để điện lực thẩm định, phối kết hợp, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, cắt, đóng điện đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn. Theo kế hoạch được giao, đơn vị còn 5 cột điện trung thế sẽ tiếp tục được di dời trong thời gian tới.”

Nguyên nhân khiến việc thực hiện di dời các cột điện nằm trong lòng đường còn chậm là do số lượng di chuyển cột điện nhiều mà kinh phí để thực hiện việc di chuyển lại quá lớn. Nguồn vốn ngân sách của UBND các huyện, đặc biệt là UBND các xã nguồn vốn ngân sách lại rất hạn hẹp. Mặt khác, nguồn thu từ tiền sử dụng đất năm 2023 giảm, nên một số huyện chưa bố trí đủ nguồn vốn.

Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn Lê Văn Tuấn cho hay: Phải nói rằng người dân rất tốt, khi được nhà nước kêu gọi mở đường. Toàn huyện đã có 34/34 xã, thị trấn triển khai thực hiện nghị quyết, với gần 9.000 hộ dân tham gia hiến đất; phá dỡ tường rào, công trình, vật kiến trúc...

Trên 260 km chiều dài các tuyến đường và trên 22 ha. Các xã đã linh hoạt, sáng tạo trong vận động Nhân dân hiến đất, tiêu biểu là các xã: Thọ Vực, Thọ Tiến, Dân Lý, Dân Quyền, Dân Lực, Xuân Thịnh, Hợp Lý, Thái Hòa, Đồng Thắng... Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2, chặt cây, phá dỡ tường rào và các công trình kiến trúc trên đất.

Khi đường rộng ra thì cột điện bị đẩy ra giữa đường quá lớn. Nguồn kinh phí của các địa phương lại có hạn. Sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng phương án, bố trí nguồn kinh phí, lồng ghép vào các dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông nông thôn để di dời các cột điện nằm trong lòng đường giao thông.

Để giải quyết dứt điểm cột điện nằm trên lòng đường trong quá trình mở rộng đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn cho nhân dân các địa phương, cơ quan quản lý cần sớm bố trí vốn, nhân lực khẩn trương thực hiện việc di dời tránh tai nạn đáng tiếc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu di chuyển hết cột điện giữa lòng đường trong năm 2023