Ý kiến đóng góp về Luật Tổ chức TAND sửa đổi (Bài 1)

14/02/2014 14:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 (Luật TCTA) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án; tác động tích cực đối với hệ thống TAND.

Tuy nhiên, trước yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đã đề ra cũng như Hiến pháp mới vừa được ban hành, Luật TCTA cần được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn. Báo Công lý xin giới thiệu một số bài viết của các chuyên gia pháp lý, cán bộ chuyên môn liên quan đến những nội dung cần sửa đổi trong Luật này.

Bài 1:  Những vấn đề cần hoàn thiện trong Luật TCTA sửa đổi đối với hoạt động của các Tòa án địa phương

Theo Luật TCTA 2002 thì việc tổ chức hệ thống Tòa án theo đơn vị hành chính như hiện nay sẽ duy trì và đảm bảo được tính thống nhất trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước, mối quan hệ hữu cơ giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật khác như Viện kiểm sát, CQĐT, tránh được sự xáo trộn lớn về nhiều mặt như tổ chức, biên chế cán bộ, điều kiện vật chất không chỉ cho Tòa án mà cho cả các cơ quan nhà nước khác, thuận lợi hơn cho Nhà nước thực hiện việc quản lý. Hơn nữa, mô hình này còn đảm bảo sự lãnh đạo thông suốt của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động xét xử của Tòa án, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm truyền thống về tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp trong mấy chục năm qua.

Ý kiến đóng góp về Luật Tổ chức TAND sửa đổi (Bài 1)

Một cuộc hội thảo về sửa đổi Luật Tổ chức TAND

Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, Luật này còn tồn tại không ít những bất cập. Như việc phân bổ biên chế Tòa án các cấp, tiêu chí phân bổ chủ yếu căn cứ vào tổng số lượng án mà TAND địa phương phải thụ lý và giải quyết hàng năm nên biên chế hiện nay giảm hơn so với thời điểm cao nhất là năm 2007. Trong khi thực tế, sau khi được tăng thẩm quyền, TAND cấp huyện số lượng án cần phải giải quyết đã tăng nhiều so với năm trước đây. Vì vậy, với số lượng Thẩm phán và biên chế được phân bổ hiện nay thì TAND địa phương đang gặp không ít khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền.

Cơ cấu tổ chức TAND các cấp, do được tổ chức theo đơn vị hành chính nên TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện được coi là các TAND địa phương, địa vị pháp lý của những Tòa án cấp này chưa được xác định một cách chính xác, hợp lý và phù hợp với vai trò, vị trí của Tòa án trong hệ thống bộ máy Nhà nước. Cụ thể, TAND cấp tỉnh được xác định giống như một cơ quan cấp sở của tỉnh, TAND cấp huyện được xem như một cơ quan cấp phòng của huyện. Do đó, việc xử lý, giải quyết các vấn đề có liên quan đến tổ chức của các Tòa án còn chưa thực sự thỏa đáng. Chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, Thẩm phán Tòa án các cấp được quy định như các ngạch cán bộ, công chức hành chính nhà nước khác là không đáp ứng được yêu cầu công tác xét xử và không tương ứng với vị trí, vai trò và tính chất hoạt động quan trọng của cơ quan Tòa án trong bộ máy Nhà nước. Hiện tại, việc xây dựng, kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ và việc cải thiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các Tòa án gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, Tòa án địa phương được tổ chức theo đơn vị hành chính, chịu sự lãnh đạo của cấp ủy và sự giám sát của HĐND cùng cấp nên thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy và HĐND quan tâm theo hướng tích cực và đúng quy định của pháp luật đến công tác tư pháp thì Tòa án nơi đó có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng đội ngũ cán bộ và thực hiện nhiệm vụ xét xử được giao. Ngược lại, nơi nào cấp ủy, HĐND không quan tâm đúng mức tới công tác Tòa án hoặc để xảy ra tình trạng buông lỏng sự chỉ đạo, giám sát hay can thiệp quá sâu vào việc xét xử của Tòa án thì hoạt động của Tòa án gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Về phân định thẩm quyền và nhiệm vụ của Tòa án các cấp, theo quy định hiện hành thì thẩm quyền xét xử của mỗi cấp Tòa án hiện đang được xác định vừa theo lãnh thổ, vừa theo tính chất các vụ việc và thủ tục giải quyết xét xử các vụ án. Theo quy định của pháp luật tố tụng thì TAND cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Các Tòa án cấp trên đều có thẩm quyền xét xử hỗn hợp hoặc vừa phúc thẩm, vừa giám đốc thẩm như của TANDTC, hoặc có đầy đủ cả ba thẩm quyền xét xử theo trình tự giải quyết một vụ án, đó là vừa xét xử sơ thẩm, vừa phúc thẩm, vừa giám đốc thẩm, tái thẩm như ở Tòa án cấp tỉnh. Điều này là không thể hiện đúng, chính xác tính chất hoạt động, vai trò, vị trí của Tòa án mỗi cấp quy định trong hệ thống Tòa án. Trên thực tế, mặc dù đã từng bước tăng thẩm quyền xét xử cho các TAND nhưng TAND cấp tỉnh vẫn phải giải quyết số lượng không nhỏ các vụ án theo thủ tục sơ thẩm mà lẽ ra các vụ án này phải được xét xử, giải quyết ở Tòa án cấp huyện với tư cách là Tòa án sơ thẩm trong hệ thống Tòa án…

Từ thực tiễn trên cho thấy, đây là những vấn đề cần xem xét, sửa đổi, bổ sung trong Luật TCTA.

Cụ thể, về việc xem xét phân bổ biên chế đối với các đơn vị trong hệ thống TAND thì việc căn cứ vào số lượng án phải thụ lý và giải quyết hàng năm đối với TAND các cấp là chưa phù hợp. Phải quan tâm đến điều kiện địa lý, số đơn vị hành chính trực thuộc và tình hình dân trí ở các địa phương, đồng thời có dự báo về số lượng án phải thụ lý và giải quyết hàng năm tăng do tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương để xây dựng và phân bổ biên chế cho phù hợp.

Chế độ tiền lương phải căn cứ vào cường độ lao động, đặc thù của Thẩm phán, cán bộ, công chức ngành Tòa án, cần xác định rõ mối quan hệ tiền lương giữa các khu vực: Tư pháp (Tòa án, Kiểm sát), lực lượng vũ trang, hành chính… Các bậc lương chuyên môn nghiệp vụ đối với Thẩm phán, cán bộ công chức ngành Tòa án thuộc bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án cần được thiết kế cao hơn các bậc lương, thang lương thuộc bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các cơ quan hành chính nhà nước, đồng thời có tính đến yếu tố chất lượng công việc, để khắc phục những bất hợp lý của cơ chế hiện nay.

Về chế độ nhà công vụ và một số chế độ chính sách khác: Để tạo điều kiện cho Thẩm phán, cán bộ, công chức thuộc diện luân chuyển, biệt phái an tâm, phấn khởi hoàn thành tốt nhiệm vụ, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét cấp kinh phí xây dựng nhà công vụ, hỗ trợ đối với Thẩm phán trong thời gian luân chuyển, biệt phái tăng cường công tác xét xử, cụ thể: Thẩm phán thuộc diện luân chuyển, biệt phái có nhà công vụ để ở, được hỗ trợ thêm mỗi tháng bằng mức tiền lương tối thiểu và được hưởng các loại phụ cấp theo địa phương nơi được luân chuyển biệt phái.

Về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của Tòa án: Để bảo đảm Tòa án có vị trí trung tâm trong bối cảnh cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, Tòa án cần được ghi nhận là cơ quan thực hiện quyền tư pháp với chức năng đầy đủ bao gồm xét xử và giải thích pháp luật. Bảo đảm nguyên tắc độc lập của Tòa án, khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm chỉ tuân theo pháp luật - đây là nguyên tắc nền tảng cho hoạt động tư pháp nói chung và của TAND nói riêng.

Nguyễn Thành Bộ (Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý kiến đóng góp về Luật Tổ chức TAND sửa đổi (Bài 1)