Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện ổ dịch tại huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Cơ quan chức năng buộc phải tiến hành tiêu hủy 880 kg lợn bị nhiễm bệnh.
Ngày 7/3, thông tin từ Chi cục Thú y Thanh Hóa cho biết, các cơ quan chức năng vừa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 2 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Lực lượng chức năng đã phải tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn của một gia đình ngay trong đêm.
Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy lợn bị bệnh tại Thiệu Hóa
Qua kiểm tra tại hộ gia đình ông Nguyễn Khắc Hùng (ngụ tại thôn 1, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa) có 4 con lợn nuôi của gia đình bị ốm chết. Nhận được tin báo, Chi cục Thú y Thanh Hóa đã lấy 3 mẫu (2 mẫu máu và 1 mẫu phủ tạng) gửi đi xét nghiệm. Đến 22 giờ cùng ngày, kết quả 3 mẫu xét nghiệm đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Công tác dập dịch được triển khai cấp bách, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy 10 con lợn với tổng trọng lượng 880 kg của gia đình ông Hùng. Ngoài ra, 125 kg thức ăn cho lợn và 9 con vịt nuôi cùng chuồng với lợn cũng được gia đình tự nguyện tiêu hủy.
Chi cục Thú y Thanh Hóa đã cấp cho huyện Thiệu Hóa 816 lít hóa chất, 2 tấn vôi bột để tiến hành công tác tiêu độc, khử trùng vùng dịch. UBND huyện Thiệu Hóa cũng đã quyết định thành lập 8 chốt kiểm soát phương tiện, con người ra vào vùng dịch và vùng đệm.
Trước đó, ngày 24/2, ổ dịch tả lợn châu Phi cũng đã được phát hiện tại trang trại của gia đình ông Lê Văn Thanh (tại thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Tại ổ dịch này, cơ quan chức năng đã phải tiến hành tiêu hủy toàn bộ 226 con lợn với tổng trọng lượng hơn 5,8 tấn.
Để ngăn chặn, khoanh vùng dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng lan rộng, những ngày qua, UBND tỉnh Thanh Hóa liên tục có công điện, văn bản gửi tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, nghiêm cấm các hoạt động buôn bán, vận chuyển thậm chí cả cho tặng lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản khẩn gửi tất cả các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương lên phương án, tổ chức cũng như trách nhiệm của lãnh đạo khi xảy ra dịch. Đồng thời thành lập mới 4 chốt kiểm dịch ở các tuyến đường chính dẫn vào tỉnh Thanh Hóa. Tất cả các chốt kiểm dịch được bố trí lực lượng liên ngành, gồm công an, thú y, chính quyền địa phương… túc trực 24/24 giờ không kể ngày nghỉ, ngày lễ. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 500 trang trại, hơn 2.300 gia trại và hơn 190.000 hộ chăn nuôi, với tổng đàn lợn 1,2 triệu con.